Đề nghị Quốc hội giám sát trạm thu phí Cai Lậy

Thứ Ba, 15/08/2017, 16:06
“Điểm nóng” Cai Lậy đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mắt đến, khi trong phiên thảo luận về Báo cáo giám sát các dự án BOT chiều 15-8, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã đề xuất tiến hành giám sát dự án này.


“Dân phản ứng là đương nhiên!”

Nhận xét việc thẩm định thiết kế, dự toán… của các dự án BOT hiện nay còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho nhiều nhà đầu tư lợi dụng, chỉ “nâng cấp” không đáng kể rồi thu phí, ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu: “Dự án Cai Lậy thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương là bất hợp lý. Dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng thế. Khoảng cách giữa nhiều trạm thu phí rất ngắn. Tôi về Thái Bình, chỉ hơn 100km có 4 trạm; rồi để nhanh thu hồi vốn thì nhà đầu tư tận thu đường nhánh, như thế dân phản ứng là đương nhiên rồi”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ quan điểm của ông Nguyễn Hạnh Phúc: “Báo cáo cho biết, chỉ 9/88 trạm đúng quy định về khoảng cách 70km, 90% không đúng. Theo quy định thì những trường hợp này phải thỏa thuận với UBND tỉnh và Bộ Tài chính, vậy có văn bản thoả thuận không? Có rất nhiều ví dụ khác nêu trong báo cáo: Nhiều trạm người dân không đi cũng phải trả phí. Có trường hợp nhà đầu tư không báo cáo trung thực số thu với chênh lệch lên tới 700 triệu đồng/ngày. Trách nhiệm của thanh tra Bộ Giao thông ở đâu, đã thu hồi về cho nhà nước bao nhiêu? Tôi rất đồng tình với Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc là nên giám sát Cai Lậy để đáp ứng mong mỏi của người dân”.

Trạm thu phí Cai Lậy phải "tháo khoán" chiều 14-8 (Ảnh: FB)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng: Dân đóng thuế là phải có đường đi, còn khi làm BOT nhất định phải có thoả thuận. Ta có 55/59 dự án BOT đã đi vào hoạt động, đã đánh giá tốt xấu như thế nào? Tôi nghị Bộ trưởng GTVT đã biết chuyện Cai Lậy thì báo cáo trước TVQH luôn, vì đã ồn ào mấy ngày nay rồi.

Ông Phan Thanh Bình cũng cho rằng: BOT không chỉ cho giao thông, cho nên phải tập hợp, nhìn lại. Ta đã kéo được những doanh nghiệp thật sự mạnh vào làm BOT hay chưa? Về sự tôn trọng người dân, người sử dụng công trình thế nào? Coi chừng, ta chủ quan. Cai Lậy ta làm đường tránh mới và sửa nên giờ thu tiền, nhưng tôi đi qua đường đó tôi thấy cũng chỉ cũ thôi, không đến mức kẹt, xấu không đi được.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Giảm phí Cai Lậy thì phải kéo dài thời gian thu

Trước đề nghị của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đã có báo cáo về trạm thu phí Cai Lậy. Ông Nghĩa cho rằng: Cần có cái nhìn công bằng về chuyện ở trạm thu phí này. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng "đính chính": Dự án này gọi là đường tránh không hẳn chính xác vì gồm 26km trên QL1 và tuyến tránh Cai Lậy.

Bộ trưởng đề nghị chia sẻ với ngành là khi làm dự án nói chung đều xuất phát từ nhu cầu địa phương, nhiều địa phương mong muốn có tuyến tránh để có cơ hội mở rộng thị trấn thị tứ, thành phố. “Với dự án Cai  Lậy thì đã lấy (ý kiến) đầy đủ từ Hội đồng nhân dân, đoàn Đại biểu Quốc hội đến Hiệp hội vận tải, Đảng và chính quyền địa phương” – ông Nghĩa cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa 

“Khi  xảy ra sự việc ở Cai Lậy thì nhiều người nghĩ ngay đến nhà đầu tư đó thế nào, phải có nhìn nhận công bằng hơn, trước hết là địa phương và bộ, hai nơi này phải đồng ý thì mới làm được” - ông Nghĩa giải thích.

Bộ trưởng cũng cho biết, với chuyện ở Cai Lậy thì người dân tại chỗ không có phản ứng gì mà có 7 doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng. Có hiện tượng dàn 3 xe tại chỗ để “dựng chuyện”, nên phải tháo khoán.

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm là bộ phận chức năng của Bộ chiều nay sẽ tiếp nhà đầu tư dự án Cai Lậy để xem lại phương án tài chính, xu hướng sẽ giảm phí từ 35 ngàn xuống 25 ngàn đồng. Phương án này nhà đầu tư cũng sẵn sàng nhưng sẽ phảo kéo dài thu phí từ 7 năm lên 12- 13 năm vì tổng mức đầu tư không thay đổi. Sau chiều hôm nay thì đề xuất của địa phương và nhân dân sẽ giải quyết được - Bộ trưởng khẳng định.


Vũ Hân
.
.
.