Giảm giá vé xe khách dịp Tết Nguyên đán: Vắng bóng các tuyến đường dài

Thứ Tư, 20/01/2016, 09:59
Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Tại thời điểm này, giá xăng dầu liên tục giảm, nên nhiều người dân kỳ vọng giá vé xe khách sẽ theo đó mà giảm theo. Tuy nhiên, tại các bến xe phía Nam, Mỹ Đình, Gia Lâm mới chỉ có các nhà xe chạy tuyến ngắn đã có thông báo giảm giá vé, còn tuyệt nhiên không thấy các nhà xe chạy đường dài giảm giá.


Tuyến ngắn giảm từ 2-12%

Theo lãnh đạo Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, tính đến thời điểm này, đã có 21 doanh nghiệp gửi thông báo về việc giảm giá vé trong dịp Tết. Trong đó, bến Mỹ Đình có 16 doanh nghiệp, bến Giáp Bát có 5 doanh nghiệp, với mức vé giảm thấp nhất là 2%, và cao nhất là 12%. 

Cụ thể, tuyến Mỹ Đình - Cửa Ông (Quảng Ninh) giảm từ 115.000đ xuống còn 105.000đ/vé; tuyến Mỹ Đình - Tiền Hải (Thái Bình) từ 75.000đ xuống còn 70.000đ; Mỹ Đình - Tam Đảo (Vĩnh Phúc) giảm từ 45.000đ xuống 40.000đ; Mỹ Đình - Yên Bái giảm từ 100.000đ xuống còn 95.000đ; Mỹ Đình - Điện Biên từ 290.000đ xuống còn 275.000đ; Mỹ Đình - Lai Châu, xe giường nằm giảm từ 285.000đ xuống còn 275.000đ… Với bến xe Giáp Bát, xe chạy Giáp Bát - Giao Thủy (Nam Định) giảm từ 70.000đ xuống 65.000đ… 

Lãnh đạo bến xe Giáp Bát và bến xe Mỹ Đình cho biết, mỗi ngày trên bến có hàng nghìn tuyến xe xuất phát của hàng trăm doanh nghiệp khác nhau, ngày cao điểm, số lượt xe còn tăng hơn nhiều. Vì vậy con số hơn hai chục doanh nghiệp giảm giá vé là quá ít.

Các bến xe hứa sẽ tăng cường kiểm tra, kê khai giá cước, nhằm đảm bảo công bằng cho hành khách. Ảnh: K.H.

Mặt khác, dễ nhận thấy một điều là chỉ có xe tuyến ngắn giảm giá, còn lại không thấy sự xuất hiện của các tuyến xe chạy đường dài như Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Hà Nội – Đắk Lắk, Hà Nội - Vinh… 

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát chia sẻ: Bến xe không thể can thiệp vào chuyện tăng hay giảm của các doanh nghiệp vận tải, mà chỉ có thể giám sát xem họ hoạt động trong bến có đúng không, thu tiền của người dân có đúng như niêm yết trên vé hay không. 

Vị  này cũng cho biết thêm, hiện tại chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá vé. Tuy nhiên, đối với các xe đường dài, xe không thể quay vòng trong ngày, nên câu chuyện phụ thu chiều rỗng trong dịp Tết Nguyên đán sẽ là điều khó tránh.

Xe chạy đường dài tăng giá vì… phụ thu

Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe miền Đông cho biết, trong tổng số 217 doanh nghiệp đang hoạt động trong bến xe thì đến nay có 25 doanh nghiệp đã kê khai giảm giá vé. Tuy nhiên, mức giảm chỉ ở mức nhỏ giọt từ 2-3 % tùy theo tuyến.  Tuy nhiên, mức giảm này chỉ được nhà xe áp dụng cho vé đi những ngày thường, còn những ngày cao điểm giáp Tết khoảng từ 20 tháng Chạp trở đi, giá vé lại tăng từ 20-60% (tùy tuyến). 

Trả lời câu hỏi vì sao giá xăng dầu giảm nhiều, mà giá vé chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí còn tăng giá vé dịp Tết, ông Hải cho biết, vấn đề giảm giá vé là quyết định của doanh nghiệp dựa trên các chi phí đầu vào và được báo cáo Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải. 

"Việc tăng giá vé dịp Tết là do nhu cầu đi lại ngày Tết tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường, có những tuyến tăng 5-6 lần. Những ngày cao điểm Tết, xe về đến bến sẽ phải quay đầu ngay để đón khách, nếu không phụ thu giá vé mà một chiều chạy rỗng thì lấy đâu ra xe để phục vụ hành khách", ông Hải nói. 

Tương tự, Tại Bến xe Miền Tây, lãnh đạo bến xe này cũng cho biết, dự báo lượng hành khách đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong dịp Tết năm nay tăng từ 3 - 5% so với năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong bến áp dụng phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường và thời gian phụ thu là 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết).

Các bến xe hứa sẽ tăng cường kiểm tra, kê khai giá cước, nhằm đảm bảo công bằng cho hành khách. Ảnh: K.H.

Nói về việc doanh nghiệp vận tải đường dài không chịu giảm giá cước, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hiện chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 35% tổng chi phí tạo nên giá thành vận tải hành khách. Vì vậy, việc giảm giá vé xe khách cũng dựa trên việc tính toán, cân nhắc đối với các chi phí khác ngoài giá xăng dầu. 

Đối với các xe đường dài chạy tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đắk Lắk; Hà Nội - TP Hồ Chí Minh… nhiều xe chở khách về trước Tết, song lúc quay đầu sẽ không có khách. Để bù cho chi phí chạy chiều rỗng, thì nhiều doanh nghiệp chạy đường dài sau Tết, chắc chắn sẽ tăng giá phụ thu. Giám đốc bến xe phía Nam, Mỹ Đình cũng cho hay, nếu có tăng thì phải đến khoảng 20 tháng Chạp, các doanh nghiệp mới chính thức công bố giá. Như mọi năm, mức tăng sẽ thêm khoảng 40-60% giá bình thường. 

Nhưng năm nay, xăng dầu liên tiếp giảm, hy vọng mức phụ thu sẽ không quá cao, lãnh đạo các bến xe chia sẻ. “Để đảm bảo kiểm soát về giá vé xe khách, công ty quản lý sẽ yêu cầu các bến xe tăng cường kiểm tra việc kê khai giá cước vận tải. Các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai giá sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội nhấn mạnh.

Tổng kiểm soát ôtô khách trước và sau Tết Bính Thân 2016

Cục CSGT sẽ mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự an toàn xã hội dịp Tết Bính Thân 2016 từ nay đến hết ngày 15-2-2016. 

Trong đợt cao điểm này, lực lượng CSGT tập trung tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông như: chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, chở hàng quá khổ, quá tải, chở quá số người quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định; sử dụng triệt để hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào việc xử lý vi phạm trật tự ATGT.

Đặng Nhật
.
.
.