Giá vé xe khách dịp Tết lại tăng chóng mặt

Thứ Tư, 08/01/2014, 11:14
Cận Tết, tại các bến xe ở Thủ đô, cả chục doanh nghiệp đồng loạt đăng kí tăng giá vé từ 10 - 60%. Lý giải điều này, nhiều nhà xe cho rằng do lượng hành  đi lại lệch chiều, giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, đây có phải nguyên nhân thực sự, hay vẫn chỉ là kiểu làm ăn “tát nước theo mưa”, bởi trên thực tế có hãng xe khách đã không tăng giá dịp Tết.

Nhà xe tăng 5%, một số doanh nghiệp tăng tới 61%

Ngày 7/1, trao đổi với phóng viên, ông Lý Trường Sơn, Phòng Kế hoạch, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, còn ba tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng tại Bến xe Giáp Bát đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé từ 20 đến 61%. Trong số này tăng nhiều nhất là hãng Hải Vân - Đà Nẵng tăng từ 380.000 lên 610.000 đồng (61%) áp dụng từ ngày 31/1/2013 đến 15/2, nhà xe Thuận Phát (Nam Định) tăng từ 70 đến 100 nghìn đồng (43%) từ 29/12/2013 đến 2/1/2014 và 21/1 - 9/2/2014…

Một lãnh đạo khác của bến xe này cũng cho  hay, việc tăng giá phụ thuộc vào các cơ quan chủ quản, nơi các doanh nghiệp đăng ký, ví dụ như hãng xe Thuận Phát, đăng ký và được sự đồng ý của Sở Tài chính Nam Định nên bến xe chỉ có nhiệm vụ bán vé, còn việc ngăn chặn tăng giá vé vượt quá thẩm quyền. Cũng theo vị lãnh đạo Bến xe Giáp Bát, dự kiến ngày Tết lượng hành khách đổ về bến tăng 20 - 50% so với ngày thường, đặc biệt sẽ tập trung đông vào 3 ngày 23, 26 và 28 âm lịch, do đó để đảm bảo lưu thông, bến sẽ tăng cường thêm 150 - 200 lượt xe/ngày.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình chia sẻ thêm, hiện bến đã có 9 doanh nghiệp đăng kí tăng giá vé nhưng với mức tăng cao nhất chỉ tới 18%. Đó là Công ty TNHH Tuấn Việt chạy tuyến Mỹ Đình - Đô Lương nâng từ 170.000 - 200.000 đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác chủ yếu tăng ở mức 12 - 13%. Các hãng xe tại bến Mỹ Đình năm nay tăng nhẹ giá vé là do chủ yếu chạy các tuyến ngắn, hơn nữa ngày càng có nhiều doanh nghiệp tăng cường thêm xe vào dịp Tết nên một phần đã giảm tải được số lượng hành khách. Tuy nhiên, trước khi các doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé, bến đã khuyến cáo không nên tăng quá cao để tránh phản ứng không tốt từ phía hành khách, vị Phó Giám đốc nhấn mạnh.

Chuyện nhà xe tăng giá, luôn khiến hành khách lo lắng mỗi dịp Tết đến.

Để tránh tình trạng bị bắt chẹt, nhồi nhét và thu quá giá quy định, ông Tuấn cũng khuyến cáo hành khách khi vào bến nên mua vé để được đảm bảo những quyền lợi tối thiểu và bến sẽ có những căn cứ xử lý nhà xe vi phạm.

Cơ quan quản lý bó tay với tăng giá vé

Trong khi một số nhà xe tranh thủ dịp Tết để tăng giá vé, thì cũng có không ít doanh nghiệp đã thực sự coi “khách hàng là thượng đế” làm tôn chỉ hoạt động. Điều này được thể hiện khá rõ qua chất lượng phục vụ cũng như việc không “tranh thủ” tăng giá vé vào dịp lễ Tết như Công ty Xe khách Văn Minh. Ngày thường, vé tuyến Hà Nội -Nghệ An giường nằm có giá 230.000 đồng, thì những ngày Tết, giá vẫn không thay đổi. Để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy và chủ động kế hoạch tăng cường xe, nhà xe Văn Minh đã mở bán vé xe Tết từ trước đó hàng tháng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc nhà xe Văn Minh chia sẻ: Mỗi ngày trung bình hãng có 36 chuyến xe chạy trên hai chiều với lượng khoảng 1.500 - 1.800 hành khách. Dịp Tết nhu cầu tăng cao, chi phí cũng theo đó tăng lên, song doanh nghiệp cố gắng duy trì, thậm chí chấp nhận bù lỗ, để giữ giá, thậm chí nghiêm cấm lái xe bắt thêm khách dọc đường, một mặt để củng cố niềm tin của hành khách với nhà xe, mặt khác cũng giúp khách có một chuyến xe Tết an toàn, thuận lợi, không lo lắng.

“Thực tế, hành khách là cả năm, chứ không chỉ riêng mấy ngày lễ tết, nên chúng tôi quyết không làm ăn kiểu chụp giật”, vị Giám đốc thẳng thắn.

Nhìn từ câu chuyện không tăng giá vé của nhà xe Văn Minh, người ta dễ dàng lý giải vì sao, chỉ cần hôm trước thông báo bán vé xe Tết, là hôm người dân đã xếp hàng dài chờ mua. Đến khi nào, chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp vận tải tạo được niềm tin với người dân, để nỗi lo “tăng giá, chen lấn xô đẩy” mỗi dịp Tết đến sẽ không còn?

Sự mong chờ này e rằng vẫn còn khó, bởi năm nào cũng vậy, Sở GTVT Hà Nội đều có văn bản yêu cầu các giá vé thì các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký giá và chờ chấp thuận của… Sở Tài chính. Trên thực tế, hiện chưa có văn bản nào quy định cụ thể về điều kiện, mức độ tăng cũng như thời gian áp dụng giá vé mới. Vì vậy, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở này để tùy tiện tăng giá vé. Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đã ký công điện gửi các cơ quan, ban, ngành về bảo đảm TTATGT trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam và các Sở GTVT ngăn ngừa việc tăng giá vé trái quy định cũng như tiêu cực trong bán vé tàu xe. Thế nhưng, có vẻ như lệnh của Phó Thủ tướng đang bị các doanh nghiệp vận tải “phớt lờ”.

Thừa Thiên - Huế: Giá vé xe khách dịp Tết tăng 30-60%

Chiều 7/1, ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Thừa Thiên - Huế cho biết, dịp Tết Giáp Ngọ 2014, giá vé xe khách Huế đi các tuyến tăng từ 30 đến 60% so với ngày thường. Cụ thể, tuyến Huế đi các tỉnh phía Bắc như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... (từ ngày 20 đến 30/1) và các tỉnh phía Nam (từ 31/1 đến 19/2) tăng 60%; tuyến Huế đi các tỉnh Tây Nguyên tăng 50%; Huế - Đà Nẵng tăng 30-50%. Bình quân mỗi ngày có gần 150 lượt xe xuất bến. Ông Sơn còn cho biết: Hiện tất cả các hãng xe đều phải công khai niêm yết giá tại phòng bán vé và dán trên xe.

Lê Anh

Thanh Huyền
.
.
.