Lừa trúng thưởng qua mạng sẽ phải chịu án phạt nào?

Thứ Sáu, 20/07/2018, 14:42
Hình thức lừa đảo trúng thưởng qua các thiết bị di động, mạng viễn thông không phải là thủ đoạn mới nhưng dường như, trò này ngày càng được “diễn” tinh vi hơn. Những đối tượng lừa đảo cung cấp thông tin với người nghe ngày càng chi tiết và thuyết phục, vì vậy vẫn có những người thiếu tỉnh táo bị mắc lừa.

Các đối tượng lừa đảo thường nhắn tin cho người dân là nhận được thông báo trúng thưởng giá trị lớn như xe máy SH, điện thoại iPhone hay số tiền trị giá 100 triệu đồng,… qua Facebook, Zalo và điện thoại. Khi thấy “con mồi” mắc bẫy - nhắn tin lại thì chúng yêu cầu nộp thẻ điện thoại, hoặc chuyển một khoản tiền để làm hồ sơ trúng thưởng.

Để tạo “lòng tin”, những kẻ lừa đảo sẵn sàng cung cấp thông tin liên lạc, website, số điện thoại liên hệ nhưng thực chất đều là thông tin ảo….

Thông tin lừa đảo trúng thưởng nhan nhản trên mạng xã hội.

Để làm rõ hơn về trách nhiệm pháp lý của hành vi trái pháp luật này, chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với Ths-Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy.

Theo luật sư Nguyễn Đào Tơ, đây được coi là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu số tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng và không thỏa mãn các dấu hiệu tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 thì mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

…………………..

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.

4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nếu số tiền chiếm đoạt trên 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thỏa mãn các dấu hiệu tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 thì bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


Người dân cần hết sức tỉnh táo để không bị lừa trúng thưởng.

Khi người dân nhận được các thông báo trúng thưởng như trên, cần tham khảo thông tin kỹ, từ nhiều nguồn (Internet, bạn bè…), không nên giao nộp tiền cho đối tượng thông qua các hình thức nạp thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng,… 

Trong trường hợp bị các đối tượng liên tục quấy rối qua điện thoại, đe dọa, ép buộc nhận thưởng, người dân cần kiên quyết từ chối các thông tin do đối tượng cung cấp đồng thời báo tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận tin báo và xử lý theo luật định.

Việt Cường
.
.
.