Tăng cường khối đại đoàn kết trong đồng bào Khmer
Thời gian qua, chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở tỉnh Bạc Liêu đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT phum sóc, góp phần phát triển KTXH của tỉnh.
Bạc Liêu có gần 67.000 người Khmer, chiếm 7,6% dân số. Đồng bào chủ yếu làm nghề nông, sống quần tụ quanh 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các địa phương trong tỉnh. Đối với đồng bào Khmer, ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tổ chức lễ hội, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống.
Công an Bạc Liêu tăng cường phối hợp với các nhà sư, nhất là các vị sư trụ trì trong chùa để thông qua họ vận động bà con tham gia giữ gìn ANTT tại phum sóc. Hưng Hội là xã nằm xa trung tâm hành chính huyện Vĩnh Lợi, với hơn 80% dân số là đồng bào Khmer, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Ngày 10/10/2014, Công an huyện Vĩnh Lợi phối hợp với các vị chức sắc, Ban quản trị các chùa Khmer tại xã Hưng Hội thành lập mô hình “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào Khmer. Qua 8 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Công an trong công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở. Các thành viên Câu lạc bộ tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hòa giải các mâu thuẫn trong họ tộc, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giữa các hộ gia đình.
Ông Thạch Son, Chủ nhiệm “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào Khmer” xã Hưng Hội cho biết: “Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt theo 3 mục tiêu cơ bản: Tích cực tham gia thực hiện tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT và tham gia hòa giải ở cơ sở; tích cực bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa cộng đồng; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”.
Hòa Bình Cũ là ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Bạc Liêu được xây dựng cách đây khoảng 400 năm. Đại đức Tăng Rương, Phó Trụ trì chùa là vị sư có uy tín trong đồng bào Khmer. Ông là người mộ đạo và rất tôn kính Bác Hồ. Năm 2007, khi triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chùa Hòa Bình Cũ đã lập bàn thờ Bác Hồ trong chánh điện cùng với bàn thờ Phật Thích Ca. Đại đức Tăng Rương đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về tư tưởng của Bác đối với các tôn giáo và dân tộc. Theo ông, tư tưởng Phật giáo có nhiều điều phù hợp, tương đồng với tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng đại đoàn kết, tư tưởng cần - kiệm trong cuộc sống và tấm lòng yêu thương con người.
Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở mỗi chùa Khmer trong tỉnh Bạc Liêu đều có những vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Thượng tọa Tăng Sa Vong, Trụ trì chùa Cái Giá Chót, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, dịch từ tiếng Việt sang tiếng Khmer với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Những tài liệu này ông dùng để tuyên truyền trong Phật tử và giảng dạy ở các lớp học chữ Khmer tại Chùa. Chính vì vậy việc học tập và làm theo Bác đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng người Khmer ở địa phương.
Thượng tọa Tăng Sa Vong chia sẻ: “Vào ngày rằm và 30 hàng tháng, khi Phật tử đến chùa cúng viếng, tôi và các vị sư đều răn dạy bà con thực hiện tốt 5 giới luật của đạo Phật. Đồng thời, vận dụng giáo lý, đạo đức nhà Phật với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, giúp cho dòng tộc, phum sóc, cho xã hội ngày càng phát triển”.
Xã Hưng Hội trước đây là một xã nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, thì hiện nay đã trở thành xã có thu nhập trung bình khá của huyện Vĩnh Lợi. Năm 2019, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hiện nay đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả đó đã nói lên sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, trong đó có vai trò không nhỏ của các vị chức sắc, chư tăng, người có uy tín trong đồng bào Khmer trên mặt trận giữ gìn ANTT tại phum sóc.