Nỗ lực vượt khó thực hiện Đề án 06 ở huyện biên giới Đắk Lắk
Vượt hơn 30km đường rừng từ trung tâm huyện Ea Súp, Đắk Lắk, chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đến thôn Lầu Nàng, xã Ia Lốp để làm CCCD và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ cho người dân nơi đây.
Ông Vi Văn Thuận, Trưởng thôn Lầu Nàng cho biết, toàn thôn có 5 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống với 115 hộ. Hộ nghèo chiếm đến 72%, rất nhiều người không có điện thoại thông minh, hiểu biết về công nghệ còn rất hạn chế. “Công an các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, đồng thời lồng ghép cài đặt VNeID, xác thực định danh điện tử cho bà con ở trong thôn. Bà con nhanh chóng hưởng ứng bởi đã được giúp làm một số thủ tục, không phải lên đến trụ sở cơ quan chức năng, giảm được thời gian và công sức đi lại rất nhiều”, ông Thuận nói.
Công an huyện đến tận nhà dân để làm CCCD và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID. Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa bị đau ốm, bệnh tật, già yếu… đi lại khó khăn đều được các cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà để làm thủ tục và giúp người dân cài đặt ứng dụng.
Trung tá Nguyễn Quốc Hoan, Trưởng Công an xã Ia Lốp cho hay, lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận Internet còn rất hạn chế. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân sống rải rác nên việc thực hiện triển khai Đề án 06 gặp rất nhiều khó khăn. Công an đã và sẽ lập các tổ công tác cố định và các tổ lưu động đến từng bản, khu phố, từng nhà dân để thu nhận, hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện việc thu nhận; hướng dẫn, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua phần mềm VNeID cho nhân dân…
Tại địa bàn xã biên giới Ia Rvê, lực lượng Công an xã cũng đang thường trực 100% để thực hiện đợt cao điểm 60 ngày đêm làm CCCD và thu nhận tài khoản định danh điện tử. Ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã cho hay, Ia Rvê là xã biên giới có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung và không ổn định. Một số đồng bào di cư từ địa phương khác đến làm kinh tế mới nhưng sau một thời gian do thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp nên có nhiều người lại rời bỏ đi. Việc xác định danh tính của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Thượng tá Lý Văn Kết, Trưởng Công an huyện cho biết, Ea Súp là huyện biên giới, có diện tích rộng nhất tỉnh, với 42% là người đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư phân bố không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn. Toàn huyện có trên 3.000 người dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến sinh sống, canh tác trên đất lâm nghiệp hoặc họ tự khai phá đất rừng. Khi tiến hành thu thập dữ liệu, số người này có xu hướng né tránh, từ chối hoặc cung cấp sai sự thật… dẫn đến việc xác minh. Thu thập, làm sạch dữ liệu dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Công an huyện phải bố trí nhiều tổ công tác lưu động thường xuyên xuống địa bàn phối hợp cùng chính quyền địa phương đến tận thôn, buôn, tận nhà để thu nhận CCCD cho nhân dân.
Năm qua, huyện Ea Súp đã lập ra 128 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, buôn, tổ dân phố với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt.