Vẹn nguyên ký ức thời hoa lửa

Thứ Ba, 01/05/2018, 07:49
43 năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn in mãi trong ký ức của Đại tá Nguyễn Quang Ngọc (Sáu Ngọc), nguyên cán bộ Văn phòng Bộ Công an - cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 


Giờ đã ở tuổi 75, mỗi khi đến dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ký ức về những tháng năm tuổi trẻ chi viện cho chiến trường miền Nam ngày ấy trong ông lại ùa về.

Năm 1967, đang là cán bộ Công an Hà Nội, ông được Bộ Công an cử đi học khóa đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (khoa tiếng Anh), tốt nghiệp năm 1972. 

Cũng thời điểm đó, Hiệp định Paris được ký kết, để phục vụ công tác tiếp quản giải phóng miền Nam, ông đã được Bộ Công an cử tham gia lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam. Đơn vị ông lúc đó thuộc Ban An ninh T4 (An ninh Sài Gòn - Gia Định).

Tháng 4-1975, trong giai đoạn phục vụ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Ban  An ninh T4 ngoài tập trung thu thập tình hình nội bộ, thái độ của các phe phái; chỉ đạo các cơ sở nội thành mở rộng công tác tuyên truyền công khai những thắng lợi của quân và dân ta, tác động thúc đẩy Tổng thống ngụy Dương Văn Minh sớm đầu hàng vô điều kiện thì các tổ công tác của An ninh T4 phối hợp chặt chẽ, hợp đồng tác chiến với các lực lượng cách mạng khác trong nội thành tổ chức phát động quần chúng nổi dậy ở 26 điểm; nhanh chóng đánh chiếm và tiếp quản những mục tiêu được phân công. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ giải phóng phía Nam TP Sài Gòn, mũi của ông được phân công về khu vực Bình Tiên, nơi đồn trú của Đồn Cảnh sát quốc gia Nguyễn Văn Tố khét tiếng của ngụy thời bấy giờ.

Đại tá Nguyễn Quang Ngọc nhớ lại: Trên đường hành quân vào giải phóng Sài Gòn, những cánh quân hùng hậu của chúng ta đi đến đâu địch rút chạy đến đó, trên đường đi vũ khí, đạn dược quân trang của Mỹ - ngụy vứt tứ tung dọc đường.

Đại tá Nguyễn Quang Ngọc kể chuyện.

Vào đến thành phố, nhóm công tác của ông được đồng chí Bẩy Hồng, Trưởng ban An ninh T4 đón tiếp, giới thiệu tình hình, đặc biệt ở địa bàn phía Nam thành phố. Khi ấy ông được phân công làm Phó ban An ninh nội chính phụ trách khu vực Bình Tiên, còn đồng chí Tư Đềm được giao nhiệm vụ Trưởng ban. Về nhận nhiệm vụ tại địa bàn mới, hằng ngày ông tranh thủ gặp gỡ đồng chí Ba Quang, Chủ tịch UBND Cách mạng và đồng chí Bí thư Chín Còn để thường xuyên trao đổi nắm bắt tình hình.

Bình Tiên là địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường quan trọng nối trung tâm TP Sài Gòn. Có trục giao thông lớn nối sang Hậu Giang, lên chợ Bình Tây, qua Minh Phụng sang “lục” tỉnh. Đây là địa bàn phức tạp, có nhiều đối tượng ngụy quân ngụy quyền không kịp chạy theo di tản ẩn nấp, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Lúc mới giải phóng tình hình an ninh trật tự vẫn chưa ổn định, xảy ra những vụ các đối tượng dùng súng trấn lột, tống tiền, cướp giật của nhân dân do bọn lưu manh, bọn sĩ quan tề ngụy và bọn phản động gây ra nhằm phá hoại an ninh vùng mới giải phóng, nhất là ở khu vực đường Trương Tấn Bửu, nơi tập trung rất nhiều hãng buôn bán vàng bạc và lúa gạo lớn, được xem như “vựa thóc” miền Tây giữa lòng Sài Gòn. 

Trước tình hình đó, ông và đồng đội luôn suy nghĩ phải làm gì để ổn định được tình hình để bà con yên tâm làm ăn, giữ vững ổn định chính trị, giúp quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng.

Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ và tranh thủ ý kiến của các đồng chí lãnh đạo trong UBND Cách mạng, của Ban An ninh T4 và chỉ huy Ban An ninh nội chính thành phố để xin chỉ đạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là tiểu đoàn quân đội cùng chốt giữ địa bàn để phối hợp tổ chức tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động quần chúng ủng hộ và dũng cảm, đấu tranh chống tội phạm và bọn phản động chính trị gây mất an ninh trật tự vùng mới giải phóng.

Sau một tuần suy nghĩ tìm biện pháp đấu tranh, ông đã báo cáo với đồng chí Bí thư Chín Còn và Chủ tịch UBND Cách mạng Ba Quang xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời trao đổi với đồng chí Ba Thanh - Tiểu đoàn trưởng đơn vị quân đội cùng chốt giữ tại địa bàn Bình Tiên để bàn kế hoạch phối hợp đấu tranh triệt phá.

Sau cuộc họp này, cả hai đơn vị Công an - Quân đội cùng vào cuộc triển khai kế hoạch, trong đó, lực lượng Quân đội huy động 100 cán bộ, chiến sĩ bí mật rải khắp địa bàn, ém cả trong nhà dân, còn Ban An ninh nội chính Bình Tiên cũng bố trí lực lượng trinh sát rải khắp các tuyến phố, nơi bọn tội phạm thường đến tống tiền, quấy nhiễu cướp bóc dân chúng với yêu cầu “nội bất suất ngoại bất nhập, ai không tuân lệnh bắn bỏ”.

Đồng thời nghiên cứu vạch ra kế hoạch để “đón lõng” bắt gọn ổ nhóm cướp manh động này. Để thực hiện kế hoạch, ông đã đề xuất với lãnh đạo UBND Cách mạng xin “mượn” một số cán bộ nữ để đóng vai phu nhân các nhà buôn. Đích thân ông Ngọc và đồng chí Liên (nữ cán bộ của UBND Cách mạng) cũng “vào” vai một cặp vợ chồng chủ một hãng gạo lớn để câu nhử bọn cướp.

Khoảng 10h sáng một ngày cuối tháng 5-1975, các trinh sát của ta phát hiện từ xa có một tốp Honda 67 với khoảng 10 chiếc xe có biểu hiện đáng ngờ, trên mỗi xe chở hai người đàn ông đang tiến vào địa bàn mai phục. Bọn chúng chở nhau chạy lòng vòng xung quanh địa bàn đường Trương Tấn Bửu và Mai Xuân Thưởng để nắm bắt tình hình chứ không cướp ngay.

Sau khi nghe ngóng, không phát hiện thấy động tĩnh gì, bọn chúng liền xông vào một tiệm gạo lớn nhất trên đường Trương Tấn Bửu để cướp. Nhận được mật lệnh, tổ trinh sát gần đó bất ngờ ập vào, bắt tại chỗ được 4 tên, các tên còn lại vội nhảy lên xe tháo chạy. Nhưng đã có hiệu lệnh từ xa, đồng chí Năm Phát lia một băng AK làm một tên cướp chết ngay tại trận.

Khám xét tên này cho thấy hắn là Trung uý ngụy Nguyễn Văn Đích, quê ở thị xã Bắc Ninh, di cư vào Nam theo địch từ năm 1954. Sau trận đánh này, tình hình trộm cướp ở khu vực này giảm hẳn, củng cố được niềm tin trong quần chúng nhân dân đối với chính quyền cách mạng, vai trò lực lượng An ninh ở vùng mới giải phóng được phát huy rõ rệt.

Trước tình hình ANTT vùng mới giải phóng còn nhiều phức tạp, xảy ra nhiều vụ cướp bóc trấn lột do bọn tướng tá ngụy quân, ngụy quyền và bọn tội phạm vừa được chính quyền cách mạng tha tù sau giải phóng liên tiếp gây ra, Đại tá Nguyễn Quang Ngọc đã tham mưu cho cấp trên nhanh chóng xây dựng, củng cố lực lượng an ninh cách mạng. 

Sau đề xuất này, chỉ trong vòng một tháng, Ban An ninh nội chính Bình Tiên đã tuyển được 30 thanh niên trẻ, có lý lịch tốt để bổ sung vào lực lượng; đồng thời tuyên truyền vận động các đối tượng tướng tá, ngụy quân ngụy quyền của chế độ cũ Việt Nam cộng hòa và bọn phản động nhanh chóng ra trình diện chính quyền cách mạng.

Bên cạnh củng cố lực lượng An ninh, ông còn bàn với đồng chí Trưởng ban Tư Đềm cho họp các tổ dân phố để tranh thủ nắm bắt tình hình, trấn an quần chúng nhân dân, nhờ vậy tình hình an ninh trật tự tại địa bàn dần ổn định, không còn tình trạng ngang nhiên sách nhiễu quần chúng xảy ra, người dân được yên ổn làm ăn, tin tưởng vào chính quyền cách mạng.

Tâm Phạm
.
.