Những cán bộ Công an dũng cảm trong chiến đấu, gương mẫu trong đời thường

Thứ Bảy, 27/07/2019, 07:52
Sáng 25-7, nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2019), Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tổ chức buổi gặp mặt trong không khí trang trọng, ấm áp.


Quyết chí  vì miền Nam ruột thịt

Tại buổi gặp mặt, các cựu cán bộ Công an đã cùng nhau ôn lại truyền thống ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hào hùng của dân tộc ta. Cho đến hôm nay, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những năm tháng chiến đấu anh dũng ấy vẫn in đậm trong ký ức của các cựu cán bộ Công an.

Đại tá Võ Đức Nghiên, nguyên cán bộ Tổng cục Tình báo, Bộ Công an vẫn không thể quên giây phút thiêng liêng ông làm đơn xin tình nguyện vào Nam chiến đấu: “Năm 1963, tôi rời ghế nhà trường và nhập ngũ tại đơn vị C34 thuộc F316. Cuối năm 1963, F316 và F335 được chọn 1 tiểu đoàn đại diện cho quân khu Tây Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam với tiêu chuẩn có năng lực chiến đấu và đã qua thử thách chiến đấu tại Lào.

Mặc dù chưa tham gia chiến đấu tại Lào nhưng với quyết tâm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, tôi đã nhanh chóng viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu”. Nhờ rèn luyện tốt, quyết tâm cao nên ông đã được lựa chọn.

Các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Kể lại những chiến công của quân ta, Đại tá Võ Đức Nghiên vẫn run run xúc động: “Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra khi địch đưa quân đi càn quét khắp nơi. Trận đánh vào sân bay An Khê, ta đã mở trận tập kích và phá hủy gần 90 máy bay trực tăng, tiêu diệt hàng trăm binh lính. Chiến thắng này đã phá thế bao vây của địch ở Pleime, là một chiến thắng lừng lẫy cả nước”.

Đặc biệt, tại trận đánh vào sân bay Pleiku, với những chiến công của mình, Đại tá Võ Đức Nghiên đã được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng ba và danh hiệu Dũng sỹ cấp 2.

Còn đồng chí Võ Thế, nguyên cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an, vốn là thân nhân của 2 liệt sỹ (bố và em trai) và là con Mẹ Việt Nam Anh hùng. Sinh ra ở Quảng Ngãi trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1954, đồng chí Võ Thế được tập kết ra Bắc theo chế độ con liệt sĩ. Năm 1967, ông tốt nghiệp đại học và được tuyển vào ngành Công an.

Chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên con em liệt sĩ không phải nhập ngũ. Mặc dù vậy, noi theo truyền thống cách mạng của gia đình, ông luôn nung nấu ý chí được trực tiếp cầm sung chiến đấu. Cuối cùng, nguyện vọng của ông cũng thành hiện thực khi ông được chi viện cho chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng.

Đặc biệt, từ năm 1970 đến năm 1973, ông vinh dự được Bộ Công an tin tưởng cử đi công tác bảo vệ Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. “Nhiệm vụ của tôi là phát hiện và phòng chống kỹ thuật nghe trộm bí mật của địch ở nơi ở và hội họp của 2 đoàn đàm phán. Kết quả, công tác bảo vệ bí mật đã được lãnh đạo của 2 đoàn đàm phán đánh giá cao. Trong suốt hội nghị không tin tức bí mật nào bị lộ lọt ra ngoài”, đồng chí Võ Thế xúc động nhớ lại. Khuôn mặt ông ánh lên niềm tự hào khi được góp phần công sức bé nhỏ của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Anh dũng thời chiến, gương sáng trong thời bình

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đi theo tiếng gọi “vì miền Nam ruột thịt”, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã chi viện vào chiến trường miền Nam 11.204 cán bộ Công an tiêu biểu như các đồng chí Nguyễn Quang Việt, Bùi Thiện Ngộ, Trần Quốc Hương, Nguyễn Tài, Huỳnh Anh, Thái Doãn Mẫn…

Được chi viện vào chiến trường miền Nam, những cán bộ Công an đã nhanh chóng hòa nhập với cán bộ an ninh tại chỗ, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, lập nhiều chiến công. Trong cuộc chiến đấu cam go và can trường ấy, 908 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 46 đồng chí đã bị địch bắt tù đầy, hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc hóa học.

Có những người đã để lại hệ lụy về sức khỏe đến đời con, đời cháu và nhiều đồng chí mắc bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh, mất sức lao động, giảm thiểu trí tuệ và tuổi thọ.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng, Phó Trưởng Ban Liên lạc cho biết, Ban Liên lạc là một tổ chức truyền thống đặc thù, có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách. Trong tổng số 305 hội viên, có 45 đồng chí là thương binh, 12 đồng chí vừa là thương binh vừa nhiễm chất độc hóa học, 17 đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học, 3 đồng chí bị địch bắt tù đầy, 16 đồng chí là thân nhân liệt sĩ và con Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong những năm qua, Ban Liên lạc đã tổ chức họp mặt hàng năm với các hội viên nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7; thăm hỏi, tặng quà, vận động trong nội bộ và ngoài xã hội trợ giúp vật chất, sửa chữa nhà cửa; đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và đơn vị hội viên nghỉ hưu trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn đạc việt.

Đặc biệt, để tri ân những cống hiến của hàng vạn cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, Ban Liên lạc đã xây dựng “Đài kỷ niệm cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975” tại quảng trường Học viện An ninh nhân dân và khánh thành nhân kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hiện nay, khi đã không còn giữ các chức vụ công tác và nghỉ hưu, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng các đồng chí trong Ban Liên lạc vẫn luôn nêu tấm gương sáng khi tham gia giữ các vai trò chủ chốt trong cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể quần chúng và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc nơi cư trú, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người cán bộ Công an chi viện thời chiến cũng như thời bình.

Nguyễn Hương
.
.