Nhiều cách làm hay thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư

Chủ Nhật, 28/02/2021, 06:11
Là một địa phương có địa hình tương đối phức tạp, có biên giới biển, đất liền, nông thôn, thành thị và nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, song đến nay, Quảng Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được Bộ Công an khen thưởng.


Để có kết quả đó, suốt thời gian qua, nhiều CBCS Công an tỉnh Quảng Bình đã miệt mài về tận các làng quê, thôn bản, phố phường để thu thập dữ liệu với khẩu hiệu “Làm hết việc không hết giờ”.

Sau trận lũ lịch sử lũ chồng lên lũ, trên con đường làng sánh bùn đất, giá rét căm căm, nhưng nhiều CBCS Công an Quảng Bình vẫn luôn có mặt ở nhiều hộ gia đình, phần để hỏi thăm, động viên giúp đỡ bà con đồng thời thu thập dữ liệu về dân cư. Có mặt ở huyện biên giới Minh Hóa, chúng tôi cảm nhận được sự quyết tâm, trách nhiệm với công việc được giao về thu thập dữ liệu dân cư của mỗi CBCS Công an trên địa bàn.

CBCS Công an Quảng Bình đang kiểm tra, phúc tra lại thông tin để thực hiện việc thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để vào được các bản ở vùng Lòm, bản Pa Choong... thuộc xã Trọng Hóa, nhiều CBCS phải đi cả ngày đường mới vào được với bà con dân bản. Khi đến nơi, nhiều khi bà con lại lên rừng vào rẫy, xuống khe suối đánh bắt tôm, cá, trồng sắn, trồng ngô nên cán bộ làm công tác thu thập dữ liệu có khi phải chờ đến đêm khuya, hoặc ngày hôm sau mới gặp được.

Thượng tá Cao Ngọc Lâm-Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết, việc gặp bà con dân bản để thu thập dữ liệu đã vất vả nhưng khó khăn nhất là nhiều bà con dân tộc thiểu số không hề có bất cứ một giấy tờ tùy thân gì, nhiều khi đơn vị lại phải lần tìm, xác minh để làm thủ tục giấy tờ từ đầu cho bà con.

Ông Đinh Viên, tộc người Rục, cười rạng rỡ niềm vui khi được cơ quan Công an cấp giấy tờ, xác minh ngày sinh tháng đẻ cho mình. Bởi tìm hiểu tâm tư, ông Viên cũng như bao bà con dân tộc thiểu số đều muốn có các giấy tờ tùy thân song do cuộc sống còn nhiều hạn chế nên họ chưa làm được. Vì vậy, khi được cán bộ, chiến sỹ Công an tìm đến tận nhà ở các bản làng xa xôi giúp làm giấy tờ, thu thập dữ liệu để làm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bà con rất phấn khởi, vui mừng.

Theo Thượng tá Đinh Cao Quang, trong nhiều tháng, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã chính quy (Công an TP Đồng Hới) không có ngày nghỉ. Thực hiện kế hoạch của Công an thành phố, 100% cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được huy động, vừa đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động kê khai phiếu thông tin dân cư, vừa rà soát từng hồ sơ trong tàng thư hộ khẩu để đối chiếu, kiểm tra, phúc tra thông tin dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sống, sạch” theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.

Công việc rà soát từng người, gõ cửa từng nhà không chỉ tiến hành trong giờ hành chính mà thường xuyên được bố trí vào thời điểm ngoài giờ để phù hợp hơn với công việc của người dân, tránh gây phiền hà. Không chỉ chú trọng công tác thu thập, việc phúc tra, kiểm tra thông tin dân cư cũng được đẩy nhanh tiến độ.

Mỗi cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được phân công phụ trách một địa bàn, đối chiếu từng thông tin trong phiếu theo mẫu với thông tin trong tàng thư hộ khẩu và các loại sổ sách cư trú ít nhất một lần. Nếu thông tin không thống nhất đều được lập danh sách và bàn giao cho công an xã, phường kiểm tra, thu thập hồ sơ tài liệu để cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân bảo đảm chính xác tuyệt đối.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam-Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình khẳng định:  Ngay sau khi có Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Chỉ thị số 05/CT-BCA của Bộ Công an về đẩy mạnh tiến độ thu thập cập nhật dữ liệu dân cư, Công an Quảng Bình đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

Bên cạnh lực lượng Công an là nòng cốt, chủ công thì Quảng Bình đã huy động được sức mạnh tập thể nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cùng vào cuộc, phối hợp để triển khai có hiệu quả việc thực hiện thu thập dữ liệu dân cư. Công an Quảng Bình xác định việc CBCS tích cực thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư tại địa bàn là khâu “nền tảng” giúp hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư một cách đầy đủ, chính xác.

Trước đó, xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về Dự án Cơ sử dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho CBCS trong đơn vị nhằm góp phần nâng cao nhận thức của CBCS trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bằng các hình thức như: thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt các đoàn thể; qua hệ thống loa phát thanh, phát phiếu hướng dẫn đến tận người dân để thực hiện kê khai phục vụ thu thập thông tin dân cư…

Thượng tá Phạm Thanh Hoàng - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Quảng Bình cho biết; đến nay toàn tỉnh Quảng Bình đã thu thập được 1.001.448 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 99,7%). Công an các huyện, thành phố, thị xã đã kiểm tra, phúc tra được 1.001.448 phiếu (tỷ lệ 100%), trong đó số phiếu đúng thông tin là 865.479 phiếu (chiếm tỷ lệ 86,4%), số phiếu sai, thiếu thông tin là 135.969 phiếu (chiếm 13,6%).

Hiện nay, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn đang tiếp tục phúc tra lại kết quả đã kiểm tra, phúc tra để đảm bảo tính chính xác của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để có được kết quả thực sự ấn tượng trên, Công an Quảng Bình đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhiều cách làm mới và nhiều cán bộ, chiến sỹ được giao nhiệm vụ đã dành nhiều thời gian “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng phiếu thông tin về dân cư”.

Công an Cà Mau đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân

Cùng với Công an cả nước, từ ngày 1/1/2021, Công an tỉnh Cà Mau triển khai cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử (CCCD) cho người dân trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, cán bộ chiến sỹ (CBCS) Công an tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện việc cấp CCCD theo đúng tiến độ đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những ngày sau Tết, lượng người đến làm CCCD tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), cũng như tại Công an các huyện, thành phố rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ, chỉ tiêu đề ra, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an các địa phương bố trí cán bộ đảm bảo đủ số lượng đáp ứng yêu cầu; đảm bảo cơ sở vật chất, máy móc, vật tư, trang thiết bị, biểu mẫu để cấp CCCD. Bình quân mỗi ngày có trên 200 lượt người dân đến cơ quan Công an để làm CCCD.

Theo Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục nỗ lực tập trung cao độ cho thực hiện dự án cấp CCCD bảo đảm đúng tiến độ theo lộ trình của Bộ Công an đề ra; bảo đảm người dân có CCCD thực hiện các giao dịch cần thiết, góp phần thực hiện hiệu quả đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý về ANTT, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…(V.Đức – M.Đương)

Dương Sông Lam
.
.