Lập chốt gác ngăn chặn nạn “cát tặc” trên sông

Thứ Tư, 03/06/2020, 07:22
Từ cuối năm 2019, thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Công an TP Chí Linh phối hợp với các đơn vị gồm Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông triển khai các chốt chống khai thác cát trái phép và khoáng sản trên địa bàn.


Tiếng động cơ to dần rồi tắt lịm... Giữa mặt sông loang loáng nước, chiếc cano tiến lại gần bờ rồi dừng hẳn trước cây cầu bắc ven sông. Neo chiếc cano thật chặt, Đại úy Hoàng Trọng Thư, Cảnh sát khu vực Công an phường Đồng Lạc, TP Chí Linh (Hải Dương) và các thành viên trong chốt chống khai thác cát và khoáng sản trái phép Nhân Huệ lên bờ. Nhiều tháng ở địa bàn, nước da của Đại úy Hoàng Trọng Thư sạm đen vì rám nắng.

Căng mình ở “điểm nóng”

Từ cuối năm 2019, thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Công an TP Chí Linh phối hợp với các đơn vị gồm Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông triển khai các chốt chống khai thác cát trái phép và khoáng sản trên địa bàn.

Chốt kiểm soát tại xã Nhân Huệ, thuộc TP Chí Linh cũng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ thời điểm đó. Gọi là chốt chứ thực chất đó là căn phòng rộng chừng 6m2, lớp mái proximăng..., được tổ công tác thuê lại để thực hiện việc phòng, chống khai thác cát trái phép trên sông.

Trong căn phòng chỉ đủ  chỗ ngủ cho khoảng 3 người, những nhu cầu tối thiểu nhất như chỗ tắm giặt, nhà vệ sinh cũng chẳng có. Lúc nói chuyện với tôi, một người phải ngồi ngoài, bởi trong không đủ diện tích. Vất vả là thế nhưng nhiều tháng nay 24/24h, các thành viên của chốt thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Không có nơi sinh hoạt, nấu nướng, ban ngày họ nhờ bà con nấu cho mỗi suất cơm 30 nghìn đồng còn ban đêm thì phải tự túc nên bữa ăn chủ yếu là mỳ tôm...

Một ca tuần tra của chốt phòng, chống khai thác cát và khoáng sản trái phép tại xã Nhân Huệ.

Đại úy Hoàng Trọng Thư là người duy nhất của Công an TP Chí Linh được cử đi học lái cano nên bất kể ngày nắng hay đêm mưa, anh sẵn sàng làm nhiệm vụ. Hằng ngày, các chốt đi cano trên sông; cứ 2 tiếng một lần rồi tuần tra trên các tuyến đường đê. Địa bàn thành phố Chí Linh có hệ thống đường thủy đa dạng với tuyến sông Kinh Thầy, sông Thương, sông Thái Bình qua nhiều địa bàn giáp ranh với các địa phương khác, xa nơi ở của người dân, nên công tác phối hợp tuần tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép gặp không ít khó khăn.

Có một kỷ niệm mà đến giờ Thượng úy Đồng Tố Vinh, Phó trưởng Công an phường Cổ Thành, TP Chí Linh, thành viên của chốt chống khai thác cát trái phép còn nhớ mãi. Đó là vào ngày 25 Tết Nguyên đán vừa qua, như thường lệ, tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến sông. Khi họ vừa ra đến giữa sông thì chiếc cano bất ngờ bị chết máy do xăng có dính nước.

Khởi động mãi không nổ, mà vào thời điểm đó không gọi được ai kéo vào bờ. Nếu có tàu lớn đi qua sóng đánh hoặc đâm phải thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng. Lúc đó, anh em đã nghĩ ra sáng kiến là thay phiên nhau chèo, đẩy cano vào bờ. Hôm đó, suýt chút nữa thì họ mất Tết. Rồi vào đêm 30 Tết, các đồng chí thuộc chốt tổ chức đi tuần tra một lúc thì mưa to, gió lớn. Chiếc cano dù được neo chặt nhưng mưa quá to, có nguy cơ bị lật bất cứ lúc nào nên các thành viên của chốt thay phiên nhau giữ cano suốt đêm trong cái lạnh tê tái...

Đây cũng là đêm 30 đáng nhớ khi những cơn mưa đá trút xuống, các thành viên của chốt đón giao thừa tại vị trí làm nhiệm vụ, trong ánh đèn flat của những chiếc điện thoại bởi điện lưới sau cơn mưa to cũng bị mất... Lúc đó, anh em tranh thủ gửi lời chúc Tết những người thân trong gia đình rồi động viên nhau làm nhiệm vụ.

Những khúc sông đã bình yên trở lại, không còn cảnh người dân bức xúc, cứ nửa đêm lại mang đèn pin ra để xua đuổi các tàu khai thác cát trái phép. Từ khi có chốt, người dân xã Nhân Huệ cũng cảm thấy yên bình hơn. Chúng tôi rời chốt Nhân Huệ khi trời đã xế chiều, dọc triền sông, những vụ ngô đang vào dịp thu hoạch, xanh mướt cả triền đê; những chuyến phá ngược xuôi, tất cả toát lên sự yên bình, no ấm.

Quản lý chặt đầu vào và đầu ra

Đó chỉ là một trong các chốt phòng, chống khai thác cát và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Hiện nay, Công an tỉnh Hải Dương đã duy trì 4 chốt, mỗi điểm chốt có 8 cán bộ, chiến sỹ tiến hành tuần tra 24/24h tại các xã Nam Hưng, An Sơn (Nam Sách); phương Nhân Huệ, Đồng Lạc (TP Hải Dương). Công an huyện Tứ Kỳ cũng thành lập chốt công tác tại khu vực bãi soi, giáp ranh giữa xã Đại Sơn- Tứ Kỳ và xã Thanh Hải, Thanh Hà để tập trung tuyên truyền, vận động, đẩy đuổi, ngăn chặn và bắt giữ các trường hợp vi phạm.

 Xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa bàn, Công an tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch 2275/KH-CAT-PV01 về tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát và khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã được các Phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố hưởng ứng nhiệt tình. Căn cứ vào đặc điểm của địa bàn đã xây dựng, triển khai các kế hoạch và phương án hoạt động.

Danh sách các đối tượng liên quan phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật được dựng lên, bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân, sử dụng, tiêu thụ, khai thác khoáng sản; kinh doanh bến bãi, vận chuyển khoáng sản; các đối tượng là chủ thầu các dự án thuê đất bãi ven sông để trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có biểu hiện móc ngoặc với đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; các nhóm đối tượng có biểu hiện sử dụng vũ lực để tranh giành tuyến, địa bàn trong hoạt động bến bãi, kinh doanh, vận chuyển, khai thác khoáng sản, đối tượng bảo kê cho hoạt động trên...

Trên cơ sở rà soát, các đơn vị đã phân công cụ thể cho các tổ công tác quản lý từng nhóm đối tượng để phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh bắt giữ nếu có hoạt động vi phạm; tổ chức nắm, theo dõi và quản lý chặt đầu vào, đầu ra để phòng ngừa các hành vi vi phạm...

Với những nỗ lực và kết quả đạt được, sau hơn 5 tháng thực hiện kế hoạch, Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ tổng số 179 vụ; tang vật thu giữ là 27.157 m2 cát, 86  m3 đất và trên 3 tấn than; thu nộp ngân sách gần 500 triệu đồng. Các vụ khai thác cát trái phép tại các điểm nóng thuộc địa bàn TP Chí Linh và huyện Nam Sách đã giảm cơ bản.

Trong đó, đáng chú ý là trên tuyến sống Thái Bình thuộc địa phận xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, lực lượng thường trực chốt phòng, chống khai thác cát trái phép đã phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng thường trú tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đang khai thác cát trái phép. Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách đã khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra theo quy định của pháp luật về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Đây cũng là vụ án đầu tiên Công an tỉnh khởi tố, điều tra để đưa ra xử lý hình sự đối tượng vi phạm pháp luật về khai thác cát trên địa bàn tỉnh, có tác động rất lớn răn đe các đối tượng khác.

Một trong những bí quyết thành công của Công an tỉnh Hải Dương, theo chia sẻ của Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh đó là kế hoạch được xây dựng trên cơ sở khảo sát đầy đủ, kỹ lưỡng thực tiễn tình hình khai thác cát trái phép đang diễn ra trên địa bàn. Từ đó, đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Công an, đặc biệt là công tác nghiệp vụ cơ bản, nhằm phát hiện, quản lý chặt các loại đối tượng; tổ chức biện pháp quản lý chặt đầu vào (đối tượng khai thác); chặt đầu ra (đối tượng tiêu thụ) và quản lý toàn bộ hoạt động vận chuyển cát trên địa bàn, không để lọt, sót khoáng sản không rõ nguồn gốc tự do lưu thông.

Đồng thời, trên thực địa đã tổ chức các chốt canh gác 24/24h nhằm phòng ngừa, đẩy đuổi phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đó còn là việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong đó có lực lượng CAND; việc huy động cán bộ, chiến sỹ đơn vị vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời và chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.

Xuân Mai
.
.