Kỷ vật đặc biệt và tinh thần quốc tế cao cả của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
- Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn với chính sách đại đoàn kết dân tộc
- Đồng chí Trần Quốc Hoàn- Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam
- Những luận giải sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
- Đồng chí Trần Quốc Hoàn qua hồi ức của con gái
Tôi là một nữ chiến sĩ Cảnh vệ, thường xuyên đi bảo vệ tân khách và bảo vệ các cuộc mít tinh hội nghị. Đơn vị tôi lúc đó là Đội 6, Cục Cảnh vệ (K10) nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
Vào cuối năm 1965 tôi được giao nhiệm vụ đi bảo vệ tiếp cận một nữ lãnh tụ của một Đảng Cộng sản nước bạn. Đó là bà Alicia-Ramizet, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Venezuela. Bảo vệ khách trong điều kiện Đoàn sang thăm bí mật, thời gian kéo dài từ tháng 12-1965 đến hết tháng 10-1966. Đoàn sang thăm Việt Nam với mục đích học tập kinh nghiệm chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích của Việt Nam. Nhận nhiệm vụ, tôi xác định đây là vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm lớn mà lãnh đạo Cục Cảnh vệ đã tin tưởng giao phó.
Bà Alicia-Ramizet và nữ cảnh vệ Nguyễn Thị Ngọc Đoàn. |
Tôi nhận rõ nhiệm vụ quan trọng, nhanh chóng chuẩn bị hành trang với quyết tâm phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách trong suốt quá trình làm việc và thăm đất nước Việt Nam.
Một hôm vào đầu năm 1966, tôi nhận được tin báo từ Phòng Nghiên cứu Tổng hợp Cục Cảnh vệ: “Đồng chí Đoàn chuẩn bị về gặp Bộ trưởng”. Tôi vừa mừng vừa lo, không biết có vấn đề gì mà Bộ trưởng dù rất bận do hoàn cảnh thời chiến vẫn dành sự quan tâm?
Đúng lịch, tôi đến gặp Bộ trưởng tại ngôi nhà số 1 Trần Bình Trọng (nay là Bảo tàng Công an nhân dân). Trái với những lo lắng ban đầu, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn mở đầu câu chuyện với tình cảm thân mật, gần gũi như người thân trong nhà. Sau ít phút thăm hỏi sức khoẻ và tình hình, Bộ trưởng đã nói rõ về tính chất của đoàn khách mà tôi đang bảo vệ và sự quan tâm của Trung ương Đảng ta đối với đoàn này. Tôi đã báo cáo tóm tắt tình hình và hoạt động của đoàn khách. Bộ trưởng lắng nghe, động viên và căn dặn tôi: “Cháu phải bảo vệ thật tốt đoàn khách trong điều kiện chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Hàng tháng về gặp chú để báo cáo rõ tình hình”. Sau đó, Bộ trưởng gọi đồng chí thư ký mang ra một khẩu súng ngắn loại nhỏ, tự tay giao cho tôi và nói: “Cái này sẽ giúp cháu trong công tác thuận lợi hơn”. Cầm khẩu súng nhỏ mạ kền sáng loáng, tôi vô cùng xúc động, bất ngờ bởi Bộ trưởng bận trăm công ngàn việc mà vẫn dành sự quan tâm đến công tác của một nữ Cảnh vệ như tôi. Mặc dù được Cục Cảnh vệ trang bị đầy đủ phương tiện công tác và trong sinh hoạt, nhưng kỷ vật đặc biệt nói trên cùng những lời căn dặn của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cho thấy, ông hiểu rất tường tận những khó khăn, thuận lợi của công tác cảnh vệ (nói chung), nhiệm vụ của một nữ chiến sĩ Cảnh vệ, bảo vệ tiếp cận, chiến đấu độc lập xa đơn vị, trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại như tôi (nói riêng).
Ngoài học tập lý thuyết tại Hà Nội, đoàn khách nước ngoài còn đi thăm các vùng chiến sự, tham quan thực tế, dã ngoại thực tập tại các đơn vị địa phương có cơ sở chiến tranh du kích tiêu biểu trong thời kỳ chống Pháp, như tại Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình...
Trong một lần đi thăm Quảng Ninh vào đêm 18-4-1966, kế hoạch bảo vệ Đoàn đã được chuẩn bị chu đáo. Khi Đoàn đến ngã ba đường số 18, gần nhà máy điện Uông Bí vào khoảng 21h, tôi chợt nghe tiếng máy bay rất gần đã hô to: “Dừng xe tắt điện!”. Tôi nói với khách: “Avion” và mời khách ra khỏi xe để tìm nơi trú ẩn. Chỉ trong nháy mắt máy bay đã gầm rú trên bầu trời, pháo phòng không của ta bắn lên tới tấp, sáng rực cả vùng trời. Không kịp đi thêm được nữa, tôi ôm bà khách nằm xuống và nằm đè lên lưng che cho khách. Bom địch nổ liên tiếp phía nhà máy điện, pháo của ta bắn trả dữ dội, đất đá rơi rào rào. Bỗng nhiên một cục đá rơi vào lưng tôi khá đau nhưng lúc đó vì sự an toàn của khách nên tôi vẫn gắng chịu đựng và tiếp tục ôm lấy bạn. Bà khách lo lắng gọi tôi liên tiếp Đoàn! Đoàn! Tôi trả lời em bình thường để khách yên tâm. Ngớt tiếng bom, tôi đỡ bà khách dậy, kiểm tra, đồng thời hỏi mọi người trong đoàn có ai bị thương không và mời tất cả lên xe nhanh chóng rời khỏi mục tiêu. Nhưng ngay sau đó, chiếc xe bị chặn lại bởi một hố bom làm hỏng đường tung toé, xe không thể qua được. Bốn cán bộ trong đoàn bị thương nhẹ được vào điều trị trong bệnh viện, riêng bà khách được bảo vệ an toàn.
Tôi thật không ngờ, câu chuyện trên đường bảo vệ đoàn khách quốc tế đó lại được chính bà Alicia-Ramizet báo cáo với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và một số đồng chí lãnh đạo Trung ương. Rồi được đăng trên báo Granma của Cuba với niềm tự hào của cô gái Công an Việt Nam trong chiến tranh. Ngày 19-5-1966, tôi vinh dự được Bộ Công an trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích: Đã dũng cảm bảo vệ an toàn cho khách quốc tế trong lúc máy bay địch oanh tạc.
Với tôi, đó đơn giản là nhiệm vụ của người chiến sĩ Cảnh vệ. Nhưng ấn tượng sâu sắc về tác phong lãnh đạo sâu sát, thấm đượm tình người và tinh thần quốc tế cao cả của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thì chưa bao giờ phai.