Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 – 23-1-2016):

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn với chính sách đại đoàn kết dân tộc

Thứ Hai, 18/01/2016, 08:10
Năm 1963, do yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới, lãnh đạo Bộ Công an cho phép Bộ Tư lệnh Công an vũ trang (BTL CAVT) mở trường đào tạo sĩ quan Công an vũ trang (gọi tắt là Trường sĩ quan Công an vũ trang) tại Tùng Thiện, Sơn Tây bây giờ. Đồng chí Trung tá Chu Đốc được bổ nhiệm quyền Hiệu trưởng. 

Tiêu chuẩn đặt ra để chọn học viên đào tạo sĩ quan rất chặt chẽ. 351 học viên, trong đó có 95 đồng chí thuộc các dân tộc thiểu số được vào học. Lớp học bế giảng, cả 351 học viên đều tốt nghiệp sĩ quan và đều được phong cấp hàm thiếu úy. Sau khi nghe Bộ Tư lệnh và nhà trường báo cáo tình hình, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã hài lòng về kết quả lớp học, ký bằng phong cấp hàm thiếu úy cho các sĩ quan tốt nghiệp, đồng thời có những chỉ thị cụ thể về nhiệm vụ cho nhà trường.

Riêng Bộ trưởng chỉ có một yêu cầu: “Bộ Tư lệnh bố trí cho tôi thăm anh em sĩ quan thuộc các dân tộc thiểu số vừa tốt nghiệp vào một buổi tối trong tuần này”.

Hồi ấy đơn vị còn nghèo lắm. Cả Cục Chính trị chỉ có duy nhất một máy tăng âm nhưng cũng “ậm ừ” lúc nói lúc không! Đồng chí phụ trách âm thanh lo đến sốt vó. Cứ chốc chốc lại thổi vào “mi cờ rô” gỗ cộc cộc, đếm một hai ba bốn… Rồi lại gõ cộc… cộc… Và tôi lại càng lo vì được Báo Công an vũ trang giao cho viết một tin quan trọng do đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị giao nhiệm vụ “Cố gắng ghi chép đầy đủ buổi nói chuyện của Bộ trưởng để làm tài liệu truyền thống học tập…”. Chết nỗi, cả đơn vị không có một máy ghi âm nào! Đành phải tốc ký.

Bộ trưởng đến, không có nghi thức rườm rà. Các sĩ quan người dân tộc thiểu số ăn mặc rất nghiêm chỉnh, sao sáng lấp lánh trên cầu vai, tất cả đều đứng dậy: “Chúc Bộ trưởng khỏe” và vỗ tay hồi lâu. Với tác phong giản dị, thân mật và linh hoạt, Bộ trưởng ra hiệu cho anh em ngồi xuống rồi lần lượt bắt tay những đại biểu ngồi ở dãy ghế đầu. Đồng chí hỏi thăm tình hình sức khỏe, tình hình học tập và nói vui: “…Hôm nay việc thi cử đã nhẹ vai, nhưng nhiệm vụ mới của các đồng chí lại bắt đầu nặng gánh…”. Rồi câu chuyện của Bộ trưởng không có đề cương chuẩn bị trước, cứ dần dần đi vào nội dung chậm rãi, truyền cảm rất dễ hiểu, dễ nhớ.

…Tôi có đọc báo cáo của nhà trường, được biết các đồng chí học tập đạt kết quả tốt. Đó là điều đáng hoan nghênh. Tuy vậy, các đồng chí cũng còn những lo lắng, băn khoăn. Trước khi các đồng chí đi nhận công tác mới, tôi muốn nhắc một số ý kiến: Đảng ta trong quá trình vạch ra cương lĩnh của Đảng về cách mạng Việt Nam, về đường lối chính sách của Đảng, thì chính sách dân tộc là một vấn đề lớn. Nó xuất phát từ tình hình thực tế là nước ta có nhiều dân tộc và các dân tộc đã có quan hệ lịch sử, chính trị, kinh tế rất mật thiết từ lâu đời.

Trong lịch sử nước ta có truyền thuyết rằng, bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng và nở ra 100 con, bà cho 50 người lên núi và 50 người xuống đồng bằng… Đó là chuyện cổ tích, là dã sử nhưng rất đẹp và rất có ý nghĩa. Bản thân câu chuyện nói lên sự hình thành và quan hệ anh em ruột thịt của các dân tộc trong nước ta: “Các dân tộc trên đất Việt Nam là anh em cùng một mẹ…”.

Qua mấy ngàn năm, bọn phong kiến, đế quốc dùng mọi thủ đoạn chia để trị. Chúng làm cho dân tộc này thù ghét dân tộc kia, dân tộc lớn đàn áp dân tộc nhỏ rồi đi đến thù hằn nhau, đánh nhau, chia rẽ nhau để nó dễ thống trị, bóc lột.

…Chính sách của Đảng ta là đoàn kết dân tộc, bình đẳng giữa các dân tộc, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, để cho miền núi tiến kịp miền xuôi, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cùng nhau xây dựng một đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

…Chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng không những đối phó với tình hình hiện nay, mà còn phải đối phó với tình huống xấu hơn nữa. Chúng ta phải có quyết tâm cao, quyết tâm chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng. Vì chúng ta tin rằng thắng lợi cuối cùng nhất định thuộc về các dân tộc Việt Nam ta. Các đồng chí phải làm cho đơn vị mình, cho dân tộc mình quán triệt quyết tâm này… Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, chúng ta đã đuổi được thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương… bây giờ chúng ta phải quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…

…Cuối cùng, nhờ các đồng chí chuyển lời của các đồng chí lãnh đạo Bộ và của tôi hỏi thăm và chúc sức khỏe, chúc sản xuất tốt, công tác thắng lợi, tới gia đình, tới đơn vị của các đồng chí và tới tất cả đồng bào các dân tộc trong các bản mường. Chúc các đồng chí khỏe mạnh, nâng cao lòng tự hào, tự cường dân tộc, có quyết tâm cao để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ và của nhân dân, của dân tộc đã giao cho”.

Từ buổi ấy đến nay, đã hơn 40 năm qua. Đồng chí Hiệu trưởng, Đại tá Chu Đốc đã qua đời. Những sĩ quan trẻ ngày ấy giờ có người nghỉ hưu, có người hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Riêng tôi còn trân trọng giữ được văn bản gốc, có thể nói là “độc nhất vô nhị” về bài nói chuyện của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn – bản viết tay của tôi, và quý hóa nhất là có bút tích sửa chữa của Bộ trưởng bằng chữ đỏ, chữ rất đẹp, rất rõ ràng. Năm tháng sẽ qua đi nhưng nội dung của nó đã vượt tính thời sự để sống mãi với thời gian…

Nhân dịp lực lượng Công an nhân dân tròn 60 tuổi, tôi đã cân nhắc mãi và trao bản gốc cho Bảo tàng CAND. Chẳng là bao, nhưng cũng góp phần làm phong phú thêm kho tư liệu về cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng có uy tín cao trong toàn lực lượng CAND, người đã chăm lo, tổng kết kinh nghiệm công tác Công an, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CAND mà nay chúng ta đang kế thừa và phát triển.

Đại tá Trần Liêu (Nguyên Tổng biên tập Báo CAND)
.
.