Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn:

Đồng chí Trần Quốc Hoàn qua hồi ức của con gái

Thứ Sáu, 15/01/2016, 07:59
Một chiều đầu năm 2016, sắp đến Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 – 23-1-2016), tôi có dịp trò chuyện với con gái cố Bộ trưởng - Đại tá Nguyễn Thị Minh Lợi, nguyên Phó Cục trưởng, Tổng cục V.


Phong cách giản dị dễ mến, chị Lợi đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi thân tình. Trong cuộc trò chuyện, mỗi khi nhắc tới gia đình mình, về người cha thân yêu, ký ức ùa về sống động đầy tự hào trong chị.

Mở đầu câu chuyện, khi tôi hỏi sao cố Bộ trưởng họ Trần còn chị lại họ Nguyễn, chị Lợi giải thích, cha mình sinh ngày 23-1-1916, tên là Nguyễn Trọng Cảnh, quê ở thôn Dương Liễu, xã Nam Dương, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ Tĩnh, nay là  xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong quá trình hoạt động, ông dùng nhiều tên như Ba, Thành, Chính, Quốc... còn tên Trần Quốc Hoàn là tên ông dùng chính thức sau này. Còn mẹ chị tên là Trần Thị Lộc, cái tên Lê Song Toàn là do chính bố chị đặt cho khi bà hoạt động cách mạng. Năm 1945-1946, bà là cô gái Hà Thành trẻ trung xinh xắn lần đầu biết ông khi đó là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Ông đã trực tiếp gặp mặt, chọn giao nhiệm vụ đầu tiên cho bà trong mạng lưới điệp báo.

Gia đình cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (ảnh tư liệu).

Chính ông đã dày công hướng dẫn bà làm quen với những công việc của người điệp báo. Trong một lần, kế hoạch bắt cóc tên tay sai của địch không thành, lúc thoát vòng vây của địch, bà chạy về tới nơi, trình bày với Bí thư Xứ ủy lòng đầy lo lắng vì không hoàn thành nhiệm vụ. Ông không trách mắng mà còn chia sẻ, động viên bà tiếp tục công tác. Bà rất cảm phục, đầy tin tưởng với người chỉ huy của mình. Và cũng từ đây, bà dành trọn trái tim và cuộc đời mình cho ông. Khi ông bà thành thân (19-8-1946), toàn dân đang chuẩn bị cuộc kháng chiến cứu nước chống thực dân Pháp lần nữa với niềm tin vững chắc sẽ thắng lợi vẻ vang, chính vì thế ông bà dự định có 4 con và sẽ đặt tên là Thắng, Lợi, Vinh, Quang, nhưng sau chỉ có 3 nên người con trai út - em chị Lợi được ghép tên thành Vinh Quang. Chị Lợi nói: “Ông bà giải thích rằng, nếu tên cả gia đình ghép lại sẽ là: Hoàn - Toàn - Thắng - Lợi - Vinh - Quang. Và đúng vậy, năm 1954, gia đình ông bà và 3 con về lại Hà Nội rực rỡ cờ hoa ngày Kháng chiến Hoàn - Toàn - Thắng - Lợi - Vinh Quang”.

Chị Lợi tâm sự: “Ngay từ khi còn bé, ba chị em đã được bố quan tâm, dạy dỗ phải biết yêu lao động, sống tự lập, khiêm tốn và giản dị, hòa đồng với mọi người"… Chính vì vậy, chúng tôi đều ý thức được điều đó trong suy nghĩ, trong từng hành động của  mình sau này”. Chị kể cho tôi nghe chuyện, hồi đó theo phong trào tăng gia, sản xuất được giúp đỡ của các cô, chú trong cơ quan bố, mỗi mùa hè chị Thắng và chị Lợi đã hào hứng trồng cà rốt ở vườn sau nhà số 1 Trần Bình Trọng để cải thiện thêm cho bữa ăn gia đình và làm mứt Tết. Các chị còn miệt mài rọc giấy, dán từng chiếc phong bì nhỏ làm túi đựng thuốc, nhận đan thuê gấu áo len … “Chính từ các việc nhỏ ấy, chị em chúng tôi mới thấm thía việc ông bà khuyến khích, chỉ bảo nhẹ nhàng “phải tự lao động vất vả mới thấy quý đồng tiền và biết chi tiêu hợp lý”. Vì vậy, khi sơ tán (năm 1964), cả ba chị em tuy còn nhỏ (chị Thắng 16 tuổi, Lợi 14 tuổi, em Quang 11 tuổi) nhưng đều làm quen ngay với việc tự lo cho cuộc sống của mình lẫn việc chưa làm lần nào khi ở thành phố như lấy củi, gánh nước, mò hến, nấu cơm bằng củi, bằng rơm  …khiến ông bà yên tâm và rất tự hào” - chị Lợi xúc động nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Thị Minh Lợi trò chuyện với tác giả.

Khi tôi hỏi về nét chữ rất đặc biệt của cố Bộ trưởng lưu lại trong các tài liệu, chị cho biết, ông từng kể hồi bé đi học thầy giáo rèn viết chữ rất nghiêm, không ít lần ông bị thầy lấy thước đánh vào tay vì chữ xấu. Từ năm 1936 đến cuối năm 1940, khi ông trốn ra Hà Nội tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ được Đảng bố trí vào làm công nhân máy in Falcon trong phân xưởng máy in typô ở Nhà in Viễn Đông (IDEO), làm ở ban quản trị của các báo Bạn dân, Thời thế, Hà thành thời báo rồi về viết báo, in báo, các tài liệu bí mật của Đảng ở cơ quan in báo Giải phóng (sau đổi thành báo Cờ Giải phóng). Ông nói khi sửa lỗi, ông thường cố gắng nắn nót viết chữ thật đẹp, thật rõ ràng vì mình viết chữ xấu không đọc được là làm khó cho anh em, phải cố gắng viết đẹp để anh em dễ đọc ra mà sửa theo, không bị nhầm lẫn, sai sót mới đảm bảo được nội dung chính xác và tiến độ xuất bản báo. Chính điều đó đã giúp ông rèn luyện có được nét chữ cứng cáp, chân phương, rõ ràng và đẹp như đã thấy trong các tài liệu. Chị Lợi vừa cười vừa nói vui:  “Chị Thắng chữ cứng cáp như chữ của ông, mình thì chữ tròn như quả trứng gà còn chữ của Quang thì xấu lại còn sai chính tả nữa chẳng giống ông tý nào”.

Từ chuyện báo chí, chị Lợi lại nói về văn hóa đọc sách mà cố Bộ trưởng đã “truyền lửa” cho các con ngay từ khi còn tấm bé. Thường thì tiền lương ông đưa hết cho bà để chi tiêu trong gia đình. Ông vẫn có một khoản tiền tiết kiệm nhỏ do nhuận bút từ viết báo, sách, giảng bài… Khi các con có thành tích cao trong học tập hay làm việc tốt, ông lại động viên bằng cách trực tiếp đưa con ra hiệu sách ở phố Cầu Gỗ mua sách. Khi về, đôi lúc mấy cha con ghé qua Thủy Tạ để thưởng cho các con ăn kem Bờ Hồ. Đó là những kỷ niệm in đậm mà suốt đời chị không thể quên.

Chị Lợi nói, khi cha mất đi, một trong những điều quý nhất ông để lại cho các con chính là kho sách gồm rất nhiều thể loại từ tác phẩm của các vĩ nhân, sách chính trị, lịch sử, tâm lý đến sách khoa học kỹ thuật. Điều in đậm vào tiềm thức của chị là tuy ông không được học nhiều (hòa bình lập lại ông còn đi học bổ túc văn hóa ở Hội trường Nguyễn Cảnh Chân) nhưng ai cũng thấy ở ông tính ham học hỏi, cầu thị, mọi lúc mọi nơi trên mọi lĩnh vực, nhất là khoa học – kỹ thuật. Có gì không hiểu, ông lại mời chuyên gia, những người am hiểu về lĩnh vực đó đến để giảng giải cho ông và trao đổi kỹ về những vấn đề để có thể phục vụ hiệu quả nhất cho công tác Công an. Có lẽ chính vì vậy, ông đã tập hợp trí tuệ và biến nó thành hiện thực tất yếu của xã hội ngày nay, đó là trường đại học, là máy tính - tin học, là khoa học hình sự, là phòng cháy chữa cháy, viễn thám, kỹ thuật nghiệp vụ… với sự phát triển không ngừng trong lực lượng CAND.

Nói đến đây, giọng chị Lợi trầm xuống. Năm 1968, chị đã bí mật đi tuyển quân với mong muốn được ra tiền tuyến trực tiếp đánh giặc nhưng ông vẫn kiên quyết đưa chị đi học về kỹ thuật tại Liên Xô. Khi tiễn chị đi học ở nước ngoài, ông dặn: “Đất nước sắp giải phóng rồi, nếu không chuẩn bị một lớp cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản từ hôm nay thì sau này không thể ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước được, như vậy chúng ta sẽ tụt hậu, con cần phải ra đi…”. Lúc đó chị đang rất giận cha nên không hiểu hết ý nghĩa "vì lợi ích trăm năm trồng người". Rồi chị lại cười tươi nói: “Em có biết không, chị cũng có một bộ quân phục, mũ và trang bị đầy đủ của bộ đội giải phóng đấy. Ngay tối 29-4-1975, bố chị đã ở Hố Nai (Đồng Nai) - cửa ngõ Sài Gòn, sáng 1-5-1975, ông đã ở Tổng Nha Cảnh sát quốc gia của chế độ Sài Gòn để trực tiếp chỉ đạo; còn chị thì ngày 1-5-1975 đã ở Biên Hòa (Đồng Nai) và sáng 3-5-1975 vào tới Sài Gòn, sáng 1-6-1975, mẹ chị cũng vào miền Nam sau đó và cả nhà đều mặc quân phục bộ đội  - thật là một tháng 5 đầy kỷ niệm không thể nào quên”.

Qua hồi ức của chị Lợi, tôi hiểu thêm một khía cạnh khác của vị Bộ trưởng đức độ, tài năng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, đã hy sinh rất nhiều cuộc sống riêng tư. Ông đã thổi bùng ngọn lửa đam mê học hỏi kiến thức kỹ thuật nghiệp vụ mới để phục vụ đất nước, xã hội từ chính việc nuôi dạy những người con của mình. Nhờ ảnh hưởng từ ông mà sau này cả ba người con đều công tác liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật nghiệp vụ trong lực lượng CAND, lập thêm nhiều chiến công thầm lặng, tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình.

Anh Hiếu
.
.