Công an hưu trí Nam Định với cuộc sống đời thường

Thứ Ba, 07/08/2018, 09:16
Rời công việc chuyên môn về nghỉ hưu theo chế độ, về với đời thường, họ cùng cán bộ, chính quyền và bà con nơi cư trú tiếp tục cống hiến, làm công tác đoàn thể, xã hội cơ sở; đóng góp công sức, trí tuệ, là điểm tựa về kinh nghiệm và tinh thần, truyền lửa nghề cho thế hệ đi sau.

Trong chiến đấu, họ mưu trí, dũng cảm, đoàn kết cùng nhau lập chiến công vì bình yên cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Rời công việc chuyên môn về nghỉ hưu theo chế độ, về với đời thường, họ cùng cán bộ, chính quyền và bà con nơi cư trú tiếp tục cống hiến, làm công tác đoàn thể, xã hội cơ sở; đóng góp công sức, trí tuệ, là điểm tựa về kinh nghiệm và tinh thần, truyền lửa nghề cho thế hệ đi sau.

Những tấm lòng thiện nguyện

Rẽ vào ngõ 659, đường Trường Chinh, chúng tôi có mặt ở tổ dân phố 29B phường Hạ Long. Khu vực này tập trung trên 150 hộ với nhiều thành phần khác nhau, từ những hộ kinh doanh đến các gia đình lao động nằm sâu trong xóm nhỏ, thậm chí vẫn còn một số hộ nghèo và cận nghèo. 

Điều kiện khu dân cư có phần đa dạng, đòi hỏi những cán bộ làm công tác cơ sở ở đây phải thật kinh nghiệm, khéo léo, hài hòa trong ứng xử, đồng thời có uy tín với bà con chòm xóm cũng như chính quyền địa phương.

Tìm đến nhà bác Đặng Huy Ngọc, Phó bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, chúng tôi chứng kiến những khâu cuối cùng để hoàn thành 2 chõ xôi trước khi mang phát từ thiện cho người nhà và bệnh nhân điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Vừa nhanh tay đơm xôi giúp bác gái, bác Ngọc vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện làm thiện nguyện của gia đình bác và những người bạn cùng hàng xóm xung quanh.

Từ nấu xôi đến phát cháo, dù trong nhà tự làm hay chung tay góp sức với những tấm lòng hảo tâm khác, bất kể thời tiết nắng mưa, cứ đúng lịch đã thống nhất với các bệnh viện, gia đình bác lại có mặt. 

Mấy tuần vừa rồi trời liên tục mưa to, chính vào lúc có ý kiến phân vân giữa việc tiếp tục duy trì hay tạm hoãn, bác Ngọc là người đã “lên dây cót” tinh thần chỉ bằng một câu nói: lúc thuận lợi làm là bình thường, khi thời tiết khắc nghiệt mình vẫn làm được mới đáng quý. 

Vậy là dưới cơn mưa chiều tầm tã, cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định vẫn thấp thoáng bóng dáng hai người đứng phát xôi như đã hẹn. Của ít lòng nhiều, có lẽ chính những việc làm thiện nguyện bền bỉ của gia đình bác đã cộng hưởng với kinh nghiệm từ hơn 30 năm chiến đấu trong lực lượng Công an, làm nên uy tín cho người cán bộ hưu trí ấy trên chặng đường công tác ở cơ sở.

Từng là Cảnh sát khu vực và Phó Trưởng Công an phường Hạ Long suốt 23 năm liền, có lẽ bác Ngọc là một trong những người am hiểu nhất về địa bàn này. Thế nên ngay sau khi nghỉ chế độ, bà con khu phố đã thống nhất cao trong việc đề cử bác làm Tổ trưởng dân phố kiêm Phó bí thư chi bộ, đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Công việc tưởng chừng chỉ xoay quanh chuyện họp hành, thu tiền đóng góp, thông báo, tổ chức ký cam kết hay giải quyết mâu thuẫn nhỏ lẻ trong nhân dân, song thực ra để làm được điều đó là cả sự kiên trì và nhiệt tình với công tác xã hội của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như bác Ngọc. 

Và còn một chi tiết bất ngờ nữa, đó là toàn bộ số tiền phụ cấp được nhận từ công việc này, bác đều dành để góp phần duy trì những chõ xôi thiện nguyện của gia đình vào thứ 7 mỗi tuần!

Các cán bộ Công an hưu trí tỉnh Nam Định thắp hương viếng mộ liệt sĩ CAND nhân ngày 27-7.

Chuyện những cán bộ Công an hưu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Lần đầu gặp bác Phạm Thị Tơ, có lẽ không ai nghĩ bác đã bước vào tuổi 70, bởi tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán tôi luyện từ 36 năm công tác trong lực lượng Công an vẫn hiện hữu. 

Là cựu cán bộ An ninh kinh tế, từng tích cực tham gia công tác hội và phong trào thanh niên, lại kinh qua nhiều vị trí công tác từ  văn thư, kế toán cho đến trinh sát nằm vùng, dường như không khó khăn nào có thể khiến người phụ nữ ấy chùn bước sờn lòng. 

Nhận sự tín nhiệm của bà con, bác tham gia cấp ủy, phụ trách đoàn thể ở khu dân cư rồi từ đó phát triển dần từ phong trào phụ nữ sang công tác Mặt trận và hiện là Phó bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 28 của phường Trần Tế Xương.

Cũng cần phải nói thêm rằng, khu dân cư này trước đây là một địa bàn phức tạp, ít người dám lai vãng bởi tập trung nhiều đối tượng nghiện hút. Từ một tổ dân phố yếu kém, gần như không có đảng viên sinh hoạt, dưới nỗ lực của những cán bộ cơ sở đầy tâm huyết như vợ chồng bác Tơ, khu vực này đã dần thay da đổi thịt, từng bước vững mạnh đi lên. 

Bác trai Đinh Tấn Cử cũng là cán bộ Công an hưu trí, 14 năm tham gia làm Tổ trưởng dân phố từ những ngày khó khăn - cán bộ cơ sở còn chưa có phụ cấp, hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. 

Kinh nghiệm hàng chục năm công tác giúp hai bác hiểu rằng, con người là gốc rễ của mọi vấn đề. Thế nên bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, các bác vẫn kiên chí bền lòng với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, đã cảm hóa thành công nhiều người lầm lỡ trên địa bàn khu dân cư, giúp họ buông bỏ quá khứ, quyết tâm làm lại cuộc đời. 

Anh Đ, người từng một thời nghiện ngập, nay đã đoạn tuyệt với ma túy và có công ăn việc làm ổn định nuôi sống gia đình, có thể coi là minh chứng cho hiệu quả của những việc các bác đã làm.    

Câu chuyện của bác Ngọc hay bác Tơ, bác Cử, chỉ là ba trong gần 60 câu chuyện của những hội viên CLB Công an hưu trí tỉnh Nam Định hiện đang tham gia công tác xã hội tại địa phương. 

Có bác là đại biểu hội đồng nhân dân, bí thư chi bộ, có bác làm tổ trưởng, tổ phó kiêm bảo vệ dân phố, cũng có bác tham gia công tác Mặt trận, hội phụ nữ, hăng hái đi đầu trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, phong trào thể dục thể thao... 

Chiếm tỷ lệ gần 10% tổng số hội viên của CLB, đây có thể coi là những thành viên đại diện cho sự nhiệt huyết của các hội viên CLB Công an hưu trí tỉnh nhà với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự từ cơ sở. 

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác và chiến đấu, về sống giữa đời thường, thông qua công tác đoàn thể, xã hội, không chỉ là tiếng nói thể hiện mong muốn, nguyện vọng của quần chúng, các bác còn trở thành cầu nối đưa Đảng, chính quyền đến gần với nhân dân; đưa các văn bản, nghị quyết, chỉ thị đi vào cuộc sống thường nhật, cũng là cánh tay nối dài của lực lượng công an. Thông qua các bác, hình ảnh người Công an cách mạng hiện lên thật nhân văn, gần gũi. 

Cũng thông qua các bác, người dân có cái nhìn đúng đắn hơn về lực lượng Công an, để rồi từ đó hiểu và giúp đỡ Công an nhiều hơn, cung cấp những thông tin quan trọng góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tuổi cao chí càng cao

Sau nhiều năm cống hiến, đến nay, dù đã được Nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng bằng cách này hay cách khác, các bác vẫn tiếp tục có những đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Có người nhiệt tình với phong trào đoàn thể, sôi nổi hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao. Có người gắn bó với công việc không tên của những cán bộ cơ sở. Cũng có người lựa chọn tiếp tục tham gia làm công tác an ninh trật tự trong một điều kiện mới, hoàn cảnh mới, vị trí mới.

Câu chuyện của Đại tá Vũ Mạnh Tường, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Chi hội trưởng Chi hội 3 - CLB Công an hưu trí tỉnh) là một ví dụ. 

Ai cũng biết đến người thủ trưởng đã cùng cán bộ, chiến sĩ chung sức đồng lòng, nếm mật nằm gai, lập bao chiến công, để rồi lần đầu tiên mang về danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đơn vị. Nhưng ít ai biết, có những chuyên án vẫn đang dang dở ở thời điểm Đại tá Tường bàn giao công việc để nghỉ chế độ. 

Không ai khác, chính bác là người khi đồng đội cần vẫn tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến. "Gừng càng già càng cay", bằng trực giác và kinh nghiệm, bằng nhãn quan nghề nghiệp, bác nhiều lần đưa ra nhận định xác đáng, góp phần giúp đơn vị cũ phá án thành công.

Nói về đóng góp của lực lượng Công an hưu trí tỉnh Nam Định, nói về câu chuyện của những cựu cán bộ Công an khi nghỉ hưu, về với khu phố, xóm làng, sẽ là khuyết thiếu nếu không nhắc đến một nhân vật. 

Bác là người nghĩ nhiều, làm nhiều cho quê hương, cho cộng đồng. Và dù nói gì, làm gì, người Công an ấy cũng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Những việc làm của bác tuy có nhiều phương thức thể hiện khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một quan điểm, đó là "việc gì có lợi cho dân, cho nước thì nhất định làm". 

Việc làm xuất phát từ cái tâm, cái trí của một vị Thiếu tướng Anh hùng đã để lại cái nhìn thiện cảm về người cán bộ Công an sống nhân văn, nhân đức, nghĩa tình thủy chung, vẹn tròn trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Nam Định. 

Xin khép lại bài viết này bằng những câu thơ thể hiện quan điểm sống của bác, cũng là quan điểm chung của những người đồng chí đồng đội từng một thời mang trên mình màu áo và trọng trách của người Công an cách mệnh:

Sống cho thanh thản suốt đời,

Vui mùa xuân đến ngang trời én bay.

Sống nghĩa nhân chẳng đổi thay,

Khỏe như tùng bách càng say tình đời.

Chỉ cần còn có thể, các cán bộ Công an hưu trí tỉnh Nam Định sẽ còn tiếp tục cống hiến!


Ngọc Thương
.
.