Có một Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giữa đời thường
- Hành trình về quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày đầu năm mới
- Thừa Thiên – Huế: Tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
- Khánh thành tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Một lần, tôi hỏi bà Nguyễn Thanh Hà, trưởng nữ của Đại tướng xem trong ký ức của bà, khoảnh khắc nào Đại tướng hạnh phúc nhất? Không cần suy nghĩ nhiều, bà kể lại lần cùng Đại tướng về thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Bình năm 1961, khi Đại tướng không làm việc với ban chủ nhiệm, mà tìm về một gia đình vừa thoát khỏi cảnh bần cố nông. Đoạn hội thoại giữa một Đại tướng với hai vợ chồng bần cố nông hôm ấy vẫn được bà Hà nhớ chính xác đến từng câu:
- Thế nào, trong gia đình ta có cái gì nào? Tài sản có gì cho xem chơi nào?
- Hai vợ chồng, một cái nhà, một nồi 1, một nồi 2, một mâm thau chén bát, một cái giường, một cái phản. Ngoài chuồng có 1 gà mẹ 10 con, lợn thì có chuồng rồi nhưng chờ lợn Hợp tác xã đẻ sẽ bán cho 2 con.
- Nhà có 2 vợ chồng, tại làm sao có 1 giường, 1 phản, thế tối ngủ chung hay ngủ riêng?
- Báo cáo ngủ riêng, vì có mang 8 tháng rồi.
- À thế thì được. Cầm lọ dầu bao giờ vợ đẻ thì dùng.
Vừa thuật lại cuộc nói chuyện này, bà Hà vừa chia sẻ: "Họ nói chuyện y hệt những người nông dân với nhau vậy. Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như lần ấy, và tôi nhìn thấy trong tận cùng của ba vẫn là một người nông dân, một anh cố nông được Đảng đổi đời, cũng như vợ chồng anh cố nông kia vậy".
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (đầu tiên phía trước), Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương thăm ruộng lúa tăng vụ của Hợp tác xã Quyết Tiến, xã Quảng Trung, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, tháng 3 năm 1963. |
Một lần khác, khi tôi về lại Tòng Bạt - nơi có câu chuyện "Đại tướng thi vật tay với thanh niên" nổi tiếng một thời, nghe những người từng chứng kiến hoặc tham gia cuộc thi có một không hai ấy kể những kỷ niệm của mình về Đại tướng thì cái nhận định "họ nói chuyện y hệt những người nông dân với nhau" mà bà Hà đưa ra lại được chứng minh rõ rệt. Ông Dương Văn Viện - người khi ấy là Bí thư đoàn Thanh niên Tòng Bạt bảo: "Năm 1961, bác mặc quần kaki vàng, áo sơ mi trắng cộc tay về với chúng tôi. Cả áo và quần đều cũ. Sau khi làm việc tại đình Thái Bảo và tại nhà một người dân thì bác đề nghị anh em chúng tôi thi vật tay. Trước khi bắt đầu, bác bảo: "Cứ vô tư nhé".
Người đầu tiên vật tay với Đại tướng là anh Nguyễn Văn Ký, kiện tướng gánh một tạ hai, con chim đầu đàn của "trai gái Đại Phong" Tòng Bạt. Ai cũng nghĩ, một Nguyễn Văn Ký trẻ trung, giàu sức vóc sẽ dễ dàng chiến thắng một người mái tóc đã hoa râm. Vậy mà chỉ trong thoáng chốc, cánh tay của người thanh niên tuổi hai mươi đã bị cánh tay người tóc hoa râm hạ gục. Rồi người thứ hai, người thứ ba..., người thứ mười, tất cả đều bị hạ gục y như thế. Rất thẳng thắn, chúng tôi hỏi ông Trần Thế Sao - một trong mười trai Đại Phong, người thứ ba vật tay cùng Đại tướng:
- Liệu có cái chỉ đạo nào từ lãnh đạo địa phương về việc "không được thắng Đại tướng" không?
Ông Sao giãy nảy:
- Làm gì có cái chỉ đạo nào như vậy. Thời ấy chúng tôi trẻ, hồn nhiên và hiếu thắng lắm.
- Ông nhớ có chính xác không?
- Chính xác chớ! Mà giả dụ, ngay cả khi có chỉ đạo như vậy thì tôi cũng chẳng dễ nghe theo. Phải thi đấu hết sức để thắng được Đại tướng chứ. Thắng Đại tướng một lần, thanh niên tụi tôi hồi đó ai chẳng thích.
- Nhưng lạ nhỉ? Mười thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh vẫn không thắng nổi một người 50 tuổi?
- Đấy! Vấn đề nằm ở chỗ ấy đấy! Sau khi lần lượt "hạ gục" mười người chúng tôi, Đại tướng bảo: "Các cậu đừng nghĩ cứ dùng sức là được. Mình thấy cách ngồi, thế ngồi của các cậu không đúng, nên dẫu có sức khoẻ mà vẫn không phát huy được. Lần sau, các cậu phải ngồi nghiêng, ngồi đúng thế!".
Rồi ông Sao nhấn nhá:
- Khi bác bảo "vào vật tay với tôi", thấy bác bình thản như không. Ngồi gần, quan sát, tôi thấy tay bác thật ra không to đâu, nhưng ngăm đen và rắn chắc, rắn chắc như sắt đá".
Ngay cả khi trực tiếp nghe ông Viện, ông Sao kể lại câu chuyện này, đến tận bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn có chút lấn cấn, khó tin. Mười chàng trai thực sự không ai thắng được một người vốn có số tuổi gấp rưỡi tuổi mình chăng? Nhưng xét cho cùng, một chút lấn cấn, khó tin ấy không phải điều quan trọng. Bởi bất luận sự thật có như thế nào chăng nữa thì ấn tượng lớn nhất ở đây không phải là chuyện ai thắng, ai thua, mà là một nhà lãnh đạo lớn của Quân đội lại có thể gần dân tới mức dường như giữa hai bên không tồn tại bất cứ một khoảng cách nào.
Vị tướng ngồi vật tay với thanh niên Tòng Bạt năm xưa bây giờ đã được dựng tượng và thờ phụng trong đình làng Tòng Bạt. Một ngày cuối tháng 12-2016, khi thắp hương trong ngôi đình này, trong đầu tôi cứ vân vi một dòng suy nghĩ: có phải vị tướng ấy đã được Thánh hoá trong lòng nhân dân Tòng Bạt hay không? Và có phải bây giờ, mỗi khi thắp hương trong ngôi đình cổ kính, đối diện với bức tượng một "Đại - tướng - nhân - dân", lãnh đạo và nhân dân Tòng Bạt vừa thành tâm tưởng niệm tới vị tướng năm xưa, vừa có những chiêm nghiệm và hy vọng về những vị "tướng - nhân - dân" của hôm nay, ngay trong thực tại này?
Phẩm chất nông dân, nhưng là nông dân miền Trung, chứ không phải nông dân miền Bắc hay nông dân miền Nam được thể hiện rất rõ ở con người Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nó được thể hiện trong cách ăn, cách mặc, cách nói chuyện, cách vui - buồn, và đặc biệt là cách ông ứng xử, đối đáp với những người xung quanh.
Ngay cả khi ông đã mang hàm Đại tướng thì những người xung quanh ông, từ người lái xe, cô phục vụ đến những người nông dân chân lấm tay bùn ngoài đồng ruộng đều có cảm giác ông rất gần gũi với mình. Và đấy là một sự gần gũi bản thể, chứ không phải là một sự gần gũi dàn dựng, càng không phải một sự gần gũi diễn xuất.
Ông gần gũi với nông dân, hiểu nông dân tới mức trong một lớp học nọ, khi thấy những nhà lãnh đạo vốn xuất thân từ nông dân cứ học hoài học mãi vẫn không hiểu khái niệm "biện chứng" là gì thì ông đã bất ngờ đứng lên thay thầy giáo giảng bài.
Và ông giảng cái khái niệm "biện chứng" rất khoa học - rất Tây phương kia bằng đúng ngôn ngữ của một người nông dân Việt Nam chính hiệu: "Các cậu cứ hình dung thế này, trước đây các cậu thấy khoai nó cõng cơm, nhưng bây giờ lại thấy cơm nó cõng khoai, đấy, biện chứng là thế đấy. Hay trước đây ở quê mình, các cậu thấy mấy cô gái toàn mặc quần rách, nhưng bây giờ đã mặc quần đen áo trắng rồi, đấy, biện chứng nó là như thế".
Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu, người tham gia lớp bồi dưỡng chính trị này chia sẻ với tôi: "Khi giảng viên bất đắc dĩ Nguyễn Chí Thanh đứng lên, giảng về biện chứng bằng ngôn ngữ của "khoai" và "cơm" thì tất cả hiểu ngay. À, hoá ra biện chứng nó là thế, là sự phát triển, thay đổi của sự vật hiện tượng, là lượng biến thành chất...".
Nếu không là nông dân - một ông tướng nông dân đích thực, một người có thể "đo" bụng nông dân bằng chính "bụng" mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ không thể giảng về "biện chứng" với những con người có xuất thân là nông dân một cách đơn giản nhưng lại hiệu quả và thấm thía đến như thế được.