Ghi ở đảo khao lề thế lính Hoàng Sa

Thứ Năm, 24/08/2017, 14:18
Từ Cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, sau hơn nửa giờ đồng hồ đi tàu cao tốc, giữa trập trùng sóng nước, trước mắt chúng tôi đã hiện ra hòn đảo xinh đẹp Lý Sơn - nơi được cả nước biết tới với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và nổi danh với đặc sản tỏi "cô đơn" 1 nhánh. 

Cuộc sống bình dị của người dân nơi đây, sự bình yên về an ninh, trật tự (ANTT) đã để lại trong chúng tôi những cảm xúc đặc biệt khi đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đảm bảo an ninh du lịch

Tiếp chuyện với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thọ Thanh, Trưởng Công an huyện đã giới thiệu khái quát về Lý Sơn là huyện đảo nằm về hướng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (tính từ Cảng Sa Kỳ), là địa bàn trọng điểm, giữ vị trí chiến lược về quốc phòng của tỉnh Quảng Ngãi và quân khu V, diện tích tự nhiên 10,32km2, dân số hơn 22.910 người. Huyện đảo có 3 xã, trong đó 2 xã An Vĩnh, An Hải nằm trên đảo lớn, xã An Bình thuộc địa phận đảo nhỏ.

Do được thiên nhiên ưu đãi, cảnh đẹp hoang sơ, môi trường trong sạch, nơi đây đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam. Nhất là vào thời điểm tháng 3 âm lịch, Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Người dân Lý Sơn thường truyền nhau câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Công an huyện Lý Sơn thường xuyên tuần tra ven biển đảm bảo an ninh, trật tự.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức từ hơn 400 năm nay nhưng những năm gần đây, buổi lễ mới thu hút được hàng nghìn người dân hội tụ về Lý Sơn, coi đó như một lễ hội của lòng yêu nước, giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay, Lý Sơn còn là 1 trong 16 khu bảo tồn biển Việt Nam được xác lập và thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ trên phạm vi 7.925ha.

Không bỏ lỡ dịp may được đến đảo đúng mùa biển lặng, chúng tôi được lãnh đạo Công an huyện giới thiệu về đảo bằng chuyến đi thực tế. 

Chưa tới 5h sáng, Trung tá Nguyễn Thành Phát, Phó trưởng Công an huyện dùng xe máy chở tôi vòng quanh đảo và điểm dừng chân đầu tiên là cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới. Dù mới mờ sáng, chúng tôi đã bắt gặp nhiều du khách đến chờ để được ngắm cảnh mặt trời mọc nhô lên từ biển tuyệt đẹp, đón chào một ngày mới an lành, hạnh phúc. 

Đi trên con đường xuyên qua những ruộng tỏi đang mùa thu hoạch, anh Phát tiếp tục giới thiệu từng địa danh nơi chúng tôi đi qua, gắn với các địa điểm du lịch nổi tiếng như Cổng Tò Vò - nơi có thể ngắm cảnh hoàng hôn trên đảo, Hòn Mù Cu, Đỉnh Thới Lới, hang Câu và điểm du lịch tâm linh Chùa Hang...

Trong chuyến đi thăm đảo Bé - nơi được ví như Maldives của Việt Nam, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình quanh đảo trên xe máy và hướng dẫn viên du lịch chính là Trưởng Công an xã An Bình Huỳnh Văn Nhất. Năm 2014, đảo Bé được gọi là đảo 3 không, không nước ngọt, không điện, không phương tiện đi lại nên vẫn giữ nét hoang sơ.

Anh Nhất cho biết, từ cuối năm 2016 đảo đã có điện, đi tàu từ đảo Lớn ra đảo Bé mất 15 phút, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến. Trên đảo hiện không có khách sạn, nhà nghỉ. Năm 2016, toàn đảo Bé chỉ xảy ra 2 vụ trộm cắp tài sản và đánh nhau...

Chiều tối, theo chân tổ công tác Công an huyện tuần tra quanh đảo, đi dọc con đường từ khu Đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải về đến trụ sở Công an huyện cảm giác thật thư thái. 

Dọc đường, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy để ven đường không khóa cổ mà cũng không ai trông coi. Lãnh đạo Công an huyện đảo cho biết, ở Lý Sơn, nhiều năm qua không xảy ra trọng án, người dân có thể để xe ôtô, xe máy dọc đường trên đảo mà không lo bị mất. 

Năm 2016, toàn đảo chỉ xảy ra 23 vụ với 41 đối tượng phạm pháp hình sự, những vụ việc xảy ra hầu hết chỉ là đánh bạc nhỏ lẻ, trộm cắp vặt và sử dụng ma túy. Hiện đảo có 106 cơ sở cho thuê lưu trú với các hình thức khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ Home stay. Có thời điểm, trong một ngày, đảo đón hơn 2.000 lượt khách quốc tế và trong nước.

Các vị có uy tín trong Tộc họ Nguyễn Quang kể cho tác giả về triển khai phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và cách sản xuất, thu hoạch đặc sản Tỏi.

Hạnh phúc nảy mầm từ những điều bình dị

Nhìn vóc dáng chắc khỏe, nước da rám nắng, tôi đoán Trung tá Nguyễn Thành Phát là người dân miền biển. Thật bất ngờ khi Trung tá Nguyễn Thành Phát nói anh chính là người con của dòng tộc họ Nguyễn, một trong những dòng tộc lớn sinh sống trên đảo. 

Anh Phát cho biết, anh được sinh ra và lớn lên tại đảo, gia đình anh đã gắn với Lý Sơn được 7 đời. Chính vì thông thuộc địa bàn, phong tục tập quán nên anh Phát có nhiều thuận lợi trong giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT trên đảo, việc gì khó đều có nhân dân giúp đỡ.

Câu chuyện xúc động về Thượng tá Phạm Kết, Phó trưởng Công an huyện, người được coi là "cây cao bóng cả" đã để lại ấn tượng khó quên. Thời điểm năm 1993, huyện đảo Lý Sơn mới được thành lập, tách ra từ  huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, anh Kết được điều động ra đảo công tác. 

Trong chuyến đến thăm nhà một cán bộ của huyện anh đã gặp và đem lòng yêu một cô giáo là người đảo Lý Sơn. Chuyện tình đẹp đã kết thúc có hậu khi họ tổ chức một đám cưới giản dị ngay trên đảo. Anh đã coi đảo là quê hương thứ 2 của mình, nguyện sống và chiến đấu cho tới khi nghỉ hưu tại đảo.

Thời gian lưu lại đảo, chúng tôi đã đến thăm Tộc họ Nguyễn Quang ở xã An Hải, một trong những tộc họ lớn nhất, đông dân nhất trên Đảo Lý Sơn, có nhiều đóng góp trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. 

Tại Nhà thờ tổ đường Nguyễn Quang, vị Tộc trưởng Nguyễn Kỉnh và những người có uy tín trong tộc họ đã đón tiếp chúng tôi qua lời kể từ hồi ức sống động về nghi thức của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tri ân những người đã đi cắm mốc lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, trong đó có người của dòng tộc Nguyễn. Ba năm liền tộc họ Nguyễn Quang được Công an huyện tặng giấy khen về xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Những việc làm bình dị của người dân nơi đây đã tiếp nối truyền thống cha anh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dệt nên bài ca bất tử về giữ chủ quyền thiêng liêng của đất nước nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. 

Anh Hiếu
.
.