Bất ngờ với quốc gia "thọ nhất thế giới" vào năm 2040

Thứ Tư, 17/10/2018, 18:17
The Guardian ngày 16-10 đưa tin, nghiên cứu mới nhất của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khoẻ (IHME) tại Mỹ đã chỉ ra rằng, Tây Ban Nha sẽ vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới vào năm 2040. 
Tới năm 2040, Tây Ban Nha sẽ "vượt mặt" Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Ảnh: Alamy. 

Theo Tiến sĩ Christopher Murray, Giám đốc của IHME thì người Tây Ban Nha được dự đoán sở hữu tuổi thọ trung bình vào khoảng 85,8 vào năm 2040, nhờ chế độ ăn uống khoa học. 

"Trong khi mối đe dọa lớn nhất đối với sức khoẻ con người là béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, rượu, bia và thuốc lá, thì người Tây Ban Nha lại có được lợi thế nhờ chế độ ăn Địa Trung Hải gồm rau xanh, cá và các loại hạt", ông Christopher cho biết. 

Nghiên cứu của IHME đồng thời chỉ ra rằng, Nhật Bản - quốc gia nhiều năm giữ vị trí "quán quân" trong danh sách các nước có tuổi thọ cao nhất thế giới sẽ tạm dừng ở vị trí thứ nhì với độ tuổi 85,7.

Nguyên nhân dẫn tới việc Madrid "vượt mặt" Tokyo là bởi người dân nước này, đặc biệt là đàn ông Nhật Bản hút thuốc nhiều hơn và tỉ lệ béo phì cũng tăng cao. 

Tiến sĩ Christopher Murray tin tưởng rằng, sức khoẻ hay tuổi thọ con người sẽ được cải thiện đáng kể nếu các chính phủ áp dụng các chính sách hỗ trợ đời sống người dân và hạn chế thuốc lá. 

Là một siêu cường với những công nghệ hiện đại cùng điều kiện sống vô cùng lý tưởng, nhưng vị trí của nước Mỹ trong nghiên cứu này giảm 20 bậc, từ 43 xuống 64 với tuổi thọ trung bình đạt 79,8. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm đáng kể này là do nhiều ca tử vong do lạm dụng thuốc giảm đau có tính gây nghiện. 

Được biết, khu vực châu Phi là nơi được dự đoán là có tuổi thọ thấp nhất thế giới. Quốc gia được xếp hạng thấp nhất là Lesotho, dự kiến người dân nước này chỉ đạt tuổi thọ trung bình 57,3 vào năm 2040. 

Cộng hòa Trung Phi, Zimbabwe và Somalia có tuổi thọ trung bình lần lượt là 58,4; 61,3 và 63,6. Nhóm IHME cảnh báo tỷ lệ gia tăng người mắc bệnh HIV/AIDS tại "lục địa đen" chính là nguyên nhân giảm tuổi thọ.

Tiến sĩ Christopher Murray cho rằng, sức khoẻ hay tuổi thọ của con người đều có thể cải thiện được nếu như chính phủ các nước đề ra các chính sách hạn chế thuốc lá, chú trọng vào cung cấp nguồn nước sạch và chế độ ăn uống hợp lý cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

N.U
.
.
.