Đại úy, ca sĩ Lê Hồng Tuân: Luôn khát khao cống hiến, thỏa sức sáng tạo
Trong 4 năm liền , 3 lần Đại úy, ca sĩ Lê Hồng Tuân (Lê Tuân) thuộc Nhà hát Ca Múa Nhạc CAND nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Ngay thời điểm Tết Nguyên Đán 2023 cận kề, ca sĩ Lê Tuân tiếp tục vinh dự là nghệ sĩ duy nhất của lực lượng CAND trong tổng số 63 nghệ sĩ cả nước được vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu năm 2022.
Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi, giọng ca đến từ xứ Nghệ này khiêm nhường nói rằng, vinh dự ấy không chỉ là kết quả từ những nỗ lực lao động nghệ thuật của cá nhân nghệ sĩ mà còn là cái duyên, sự may mắn.
Lê Tuân nói, việc anh gắn bó với lực lượng CAND cũng là một cái duyên, cơ hội đến khá bất ngờ. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Lê Tuân từng tham gia công tác tại một số đơn vị. Năm 2009, NSND Trần Đức Lợi, Trưởng Đoàn Ca Múa Nhạc CAND mời Lê Tuân cộng tác, tham gia Hội thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Kết thúc hội thi, NSND Trần Đức Lợi khen Lê Tuân có chất giọng tốt và khuyên anh tham gia đợt ứng tuyển vào Đoàn Ca Múa Nhạc CAND. Vốn thích mặc áo lính từ thời còn đi học, Tuân mạnh dạn thi và được tạm tuyển. Năm 2010, Lê Tuân chính thức mang quân hàm Thiếu úy.
Sau hơn 13 năm gắn bó với Đoàn Ca Múa Nhạc CAND (hiện nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc CAND), miệt mài với các chương trình biểu diễn theo nhiệm vụ của đơn vị, rong ruổi với các chuyến đi phục vụ cán bộ, chiến sĩ nhân dân cả nước, những cống hiến của ca sĩ, chiến sĩ Lê Tuân được ghi nhận qua nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Công chúng có một Lê Tuân trưởng thành, chín chắn và ngày càng bản lĩnh hơn trên sân khấu. Nhìn lại chặng đường đã qua, nam ca sĩ chia sẻ rằng, các nghệ sĩ trẻ yêu nghề như Lê Tuân luôn khao khát được thỏa sức lao động sáng tạo trên “cánh đồng nghệ thuật” để khẳng định mình. Mọi sự ghi nhận đều là niềm tự hào, là vinh dự dành cho người nghệ sĩ và có khi đến rất bất ngờ.
Trước đây, các nghệ sĩ trong lực lượng CAND ít có cơ hội đứng trên các sân khấu lớn nhưng biểu diễn trong các chương trình phục vụ nhiệm vụ của đơn vị, phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước rất nhiều. Nhiều chuyến đi rất vất vả nhưng lại mang đến những trải nghiệm, cảm xúc khó quên. Chuyến đi Trường Sa năm 2011 cùng đoàn công tác của Bộ Công an, Lê Tuân cùng anh chị em nghệ sĩ trong đoàn say sóng, nằm bẹp trên tàu. Nhưng khi đến đảo, sự háo hức khiến mệt mỏi tan biến. Đêm biểu diễn trên đảo Trường Sa lớn, các thành viên chuẩn bị âm thanh xong thì trời có dấu hiệu chuyển mưa. Lê Tuân được phân công mở màn biểu diễn, vừa hát được 2 câu, trời trút mưa xuống nhưng khán giả không trú mưa mà tự động quây thành vòng tròn quanh nghệ sĩ, vừa vỗ tay cổ vũ, vừa bắt nhịp hát theo.
Tại nhà giàn DK1, các nghệ sĩ rất cảm phục và xúc động trước cuộc sống của người lính giữa biển khơi còn kham khổ, cộng thêm nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình da diết trong họ. Có lẽ vì thế nên khi Lê Tuân hát “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt mà cả nghệ sĩ và cán bộ chiến sĩ ở đây đều đỏ hoe mắt… Với người nghệ sĩ, những tình cảm, sự cổ vũ như thế quý giá vô cùng. Đó là kỷ niệm, là điểm tựa để nghệ sĩ động viên mình tiếp tục vươn lên mỗi khi khó khăn trong cuộc sống.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, các nghệ sĩ – chiến sĩ trong lực lượng CAND có nhiều cơ hội phát huy khả năng của mình hơn trên các sân khấu lớn. Các chương trình nghệ thuật quy mô lớn như biểu diễn kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ nêu 6 điều dạy CAND tại Nhã Nam, Tân Uyên, Bắc Giang; kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng CSND… tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ phát huy sở trường của mình. Lê Tuân gần như không vắng bóng trong chương trình nào.
Đặc biệt, tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND, lần đầu tiên Lê Tuân được hát solo cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Với các ca sĩ, được đứng biểu diễn trên sân khấu lớn cùng dàn nhạc giao hưởng là cơ hội tốt để trường thành. Chương trình thành công, Lê Tuân càng được lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ mỗi khi có các chương trình nghệ thuật lớn.
Năm 2022, đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhà hát CAND tạo ấn tượng đặc biệt với tác phẩm “Người cầm lái” – vở nhạc kịch đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lê Tuân thể hiện hình tượng Bác Hồ thời thanh niên bôn ba tìm đường cứu nước và khi Người trở về nước, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lê Tuân thể hiện khoảnh khắc Người đọc mấy câu thơ khi trở về quê hương vô cùng thành công khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả khâm phục.
Trong vở diễn, Lê Tuân phải thể hiện tác phẩm Đường Kách Mệnh. Nội dung rất dài mà nghệ sĩ buộc phải diễn làm sao cho thật giống Bác, giống tinh thần của Người. Để thể hiện hình tượng Bác, nam ca sĩ tìm đọc rất nhiều tài liệu, kể cả tài liệu giấy và tư liệu hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp và cả những thói quen của Bác trong ăn mặc, tác phong, ứng xử hàng ngày, từ cử chỉ Người đưa tay lên chào, cách đánh máy chữ, những lúc đặt tay lên trán khi đăm chiêu suy nghĩ… Tất cả những quan sát ấy, Lê Tuân cố gắng tập luyện, đưa cả vào vai diễn. Tuân chăm chỉ tập luyện đến mức ngày công bố chuẩn bị công diễn vở nhạc kịch, Tổng đạo diễn – Thạc sĩ Tuyết Minh bày tỏ ngạc nhiên và tấm tắc khen mãi về khả năng học thuộc lời của nam ca sĩ.
Sau lần đầu tiên công diễn nhạc kịch “Người cầm lái” dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát CAND tại Hà Nội, Lê Tuân vẫn tiếp tục chau chuốt cho vai diễn. Trong đợt dự Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 đợt 2 tại Đắk Lắk năm 2022, vở diễn thành công ngoài mong đợi. Riêng Lê Tuân được trao 1 Huy chương Vàng cá nhân, 1 Huy chương Vàng cùng tốp múa, 1 Huy chương Bạc cùng tốp ca nam.
Chia sẻ về những thành tích đạt được, nhất là trong năm 2022, Lê Tuân cho biết, với các nghệ sĩ, được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ trong các chương trình nghệ thuật lớn là cơ hội để phát huy khả năng, kiến thức đã được đào tạo cũng như thành quả của những tháng ngày khổ luyện. Nghệ sĩ vui mừng, tự hào nhưng cũng đầy áp lực. Trong mỗi thành tích nghệ sĩ được ghi nhận, ngoài tài năng, nỗ lực của cá nhân còn là sự cố gắng cống hiến chung của tập thể đơn vị nên Lê Tuân luôn tự nhủ bản thân càng phải cố gắng chuyên nghiệp hơn, hoàn thiện bản thân hơn, để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của người nghệ sĩ – chiến sĩ Công an trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, không phụ sự tin tưởng của lãnh đạo, đồng nghiệp và khán giả yêu mến anh lâu nay.