Thúc đẩy hợp tác du lịch ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 2016

Thứ Sáu, 19/02/2016, 16:23
Ngày 19- 2 tại Kiên Giang, đã diễn ra Hội nghị triển khai Kế hoạch hợp tác phát triển Du lịch ba địa phương An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang, nhằm tổng kết các hoạt động trong năm 2015 và thảo luận về phương hướng triển khai hiệu quả các hoạt động trong 2016. 

Hội nghị được tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (gọi tắt là Dự án EU-ESRT, do Liên minh Châu Âu tài trợ).

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang đã tổng kết những kết quả đạt được, thuận lợi và khó khăn trong quá trình hợp tác của ba tỉnh trong năm 2015. Đồng thời, kế hoạch hợp tác trong năm 2016 cũng được trình bày tại Hội nghị, trong đó tập trung vào những nội dung dành cho “Năm Du lịch Quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long” với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”.

Tiếp đó, với tư cách đơn vị hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển du lịch tại ba địa phương, Dự án EU-ESRT đã trình bày nội dung về phát triển sản phẩm du lịch khu vực 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang), đánh giá nhu cầu lao động du lịch khu vực 3 tỉnh ĐBSCL và hoạt động hỗ trợ Quản lý điểm đến của Dự án EU-ESRT tại 3 tỉnh ĐBSCL năm 2016.

Trong giai đoạn 2013 - 2015, Dự án EU-ESRT đã tích cực hỗ trợ khu vực ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong năm lĩnh vực chính gồm: Hình thành và đưa Tổ chức Quản lý điểm đến đa thành phần vào hoạt động, Phát triển đối thoại công-tư và tăng cường vai trò của các Hiệp hội Du lịch tỉnh, Phát triển sản phẩm Du lịch có trách nhiệm, Quảng bá điểm đến vùng, Đào tạo và tập huấn tăng cường năng lực.

Từ những kết quả đó, Dự án cũng xác định những thách thức chủ yếu đối với sự phát triển bền vững, lâu dài của Du lịch ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chính là việc chưa có được một cơ quan điều phối du lịch chính thức, chưa có một quỹ hoạt động hợp tác chung của khu vực, các hoạt động marketing truyền thống cũng như e-marketing chưa phát triển và chưa có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ở cấp vùng. Theo đó, Dự án EU-ESRT đề xuất các địa phương cần xây dựng một cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn nữa, thiết lập một nguồn quỹ hoạt động chung về du lịch và tăng cường đối tác công-tư trong khu vực. 

Trong năm 2016, Dự án EU-ESRT cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổ công tác về marketing của Tổ chức Quản lý điểm đến xây dựng một kế hoạch marketing hoặc một chiến dịch xúc tiến nhằm tăng cường các sản phẩm du lịch chung của vùng; xây dựng cơ chế đối tác công-tư và kế hoạch quản lý điểm đến cho Phú Quốc; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020; hỗ trợ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch địa phương xây dựng, phê duyệt và phổ biến bản đồ tuyến du lịch (phiên bản điện tử) lồng ghép các Quy tắc ứng xử Du lịch có trách nhiệm cho du khách và doanh nghiệp; xây dựng năng lực về Quản lý Khách sạn cho các cơ sở 4-5 sao; tổ chức các khóa đào tạo quản lý Du lịch có trách nhiệm …

Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU-ESRT đã bàn giao bộ Báo cáo và bản đồ kỹ thuật phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực cho đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của ba địa phương. Đây được xem là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương sử dụng trong hoạt động hoạch định và phát triển du lịch của địa phương nói riêng và của khu vực nói chung trong thời gian tới.

Trân Trân
.
.
.