Nô nức đón lễ hội Óoc-Om-Bóc

Chủ Nhật, 29/10/2017, 07:33
Hằng năm, cứ vào ngày 14, 15 tháng 10 Âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng, phấn khởi đón lễ hội Óoc-Om-Bóc (còn gọi là lễ cúng Trăng hay đút cốm dẹp).

Lễ hội Óoc-Om-Bóc là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhất trong năm của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Trong lễ hội này, cúng Trăng là nghi thức chính - một sinh hoạt tín ngưỡng mang ý nghĩa “Tạ ơn - Cầu xin”. 

Ông Trần Cam ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng, cho biết về ý nghĩa của lễ hội cúng Trăng: “Từ xa xưa, đồng bào Khmer Nam Bộ khai khẩn đất hoang, dựng ấp lập xóm, chủ yếu sống bằng nghề nông, theo thời tiết hai mùa mưa nắng mà trồng màu và lúa nước. Hai mùa này ảnh hưởng quy luật tự nhiên theo chu kỳ của mặt Trăng quay quanh trái đất, nên để tưởng nhớ công ơn thần mặt Trăng điều hòa thời tiết, giúp ruộng rẫy trúng mùa, bà con lấy lúa nếp mới thu hoạch đem giã thành cốm dẹp làm lễ vật dâng cúng. Vì thế, Óoc-Om-Bóc còn gọi là lễ cúng Trăng hay lễ đút cốm dẹp; thể hiện lòng biết ơn của đồng bào Khmer…”.

Tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị chu đáo cho lễ hội Óoc-Om-Bóc năm 2017.

Lễ vật cúng Trăng gồm cốm dẹp, khoai lang, khoai môn, trái cây, bánh kẹo... được bà con trong phum, sóc chuẩn bị cả tháng, trước khi diễn ra lễ hội. Đồng bào Khmer lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Trăng. Tiếp theo là dựng cổng. Cổng được làm bằng hoa lá với 2 cây tre làm trụ và lá dừa làm vòm ngang. 

Phía trên cổng, bà con giăng một dây trầu 12 lá được cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng trúc, các lễ vật cúng Trăng được đặt ngay ngắn để tỏ lòng thành kính dâng tới thần mặt Trăng…

Ngoài lễ vật bắt buộc phải có là cốm dẹp, còn lại đều là nông sản do bà con tự trồng, như: dừa tươi, khoai môn, khoai mì, khoai lùn, chuối xiêm, thêm một số hoa quả và nước ướp hoa thơm (thường là 11 thứ). 

Công việc chuẩn bị lễ vật hoàn tất, vào đêm 14 hoặc 15 khi trăng lên cao (ngày chính của lễ hội), tất cả các thành viên trong gia đình ngồi trang nghiêm, chắp tay huớng về mặt Trăng. Vị cao niên được gọi là A Cha (người đức cao vọng trọng), đứng ra làm chủ lễ…

Ngày trước, lễ cúng diễn ra ở từng nhà, nhưng những năm gần đây, nhiều nơi tổ chức lễ cúng trong chùa với sự chứng kiến của các vị sư và đông đảo phật tử nhằm tăng thêm phần thiêng liêng, long trọng. 

Theo phong tục cổ truyền của đồng bào Khmer, nghi lễ cúng Trăng xong cũng là lúc các hoạt động phần hội được bắt đầu, đặc sắc nhất là hội đua ghe Ngo. 

Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển cả, cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ thần rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông. Ngoài ra phần hội còn nhiều hoạt động khác như chơi cờ ốc; bi sắt; múa Lăm-vông, thả đèn nước; hội chợ triển lãm; hội thi ẩm thực… 

Chuẩn bị cho ngày hội lớn năm nay, bà con người Khmer nuôi tôm ở TX Vĩnh Châu rất phấn khởi vì năm nay tôm phát triển tốt, bán được giá cao, số hộ nuôi có lãi tăng cao hơn mọi năm.

Óoc-Om-Bóc là dịp để đồng bào Khmer thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời là dịp để các dân tộc anh em cùng tìm hiểu, giao lưu văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đức Văn - C.X.
.
.
.