Lên Langbiang nghe tiếng chiêng người Lạch
Nhưng, tôi biết có một nơi, không gian văn hóa cồng chiêng đang được gìn giữ, phát huy, thậm chí người ta đã biết làm giàu, làm sang, từ loại nhạc cụ truyền thống này.
Thổn thức tiếng chiêng gọi bạn
Mặt trời chìm sâu xuống dãy Langbiang, phố thị Lạc Dương (Lâm Đồng) hiện ra dưới ánh đèn điện trong vắt, bao quanh là đồi núi, đẹp như tranh vẽ. Ngồi nhâm nhi vò rượu cần giữa thị trấn nhỏ nép mình dưới chân núi này, sự bình yên, nhịp sống khoan thai của bà con người Lạch (một nhánh của dân tộc K’ho) ùa về trong tôi.
So với cách đây gần 10 năm, thị tứ Lạc Dương đã thực sự chuyển mình, nhiều căn nhà khang trang mọc lên, đường sá trải nhựa phẳng lỳ. K’Thi vỗ vai tôi phân trần: “Phần lớn nhờ cồng chiêng cả đấy!..”.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. |
Không lâu sau, tiếng chiêng trầm hùng đâu đó từ phía xa xa theo gió thổi về. K’Thi giải thích: “Đó là tiếng chiêng gọi bạn hiền miền xuôi tới sinh hoạt văn hóa cồng chiêng tối nay với bà con người Lạch bọn mình!.. Uống chừng này thôi, mình còn phải đi biểu diễn nữa đó!..”. Bạn khiến tôi ngạc nhiên, người đàn ông gần 50 tuổi này cách đây gần chục năm là tay “nhậu quên trời đất”, nay đã biết tu chí làm ăn thế này rồi ư?!..
Phải rồi, ngay người bị coi là “nát rượu” như K’Thi bạn tôi đây, giờ cũng đã biết cách kiếm tiền rồi kia mà, không có lý gì người Lạch ở thị trấn này - đang sở hữu Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại (Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận năm 2005) - lại không biết kiếm tiền, làm giàu từ dịch vụ biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách.
Ngày nay, cồng chiêng đã làm thay đổi cả thị tứ nhỏ của bà con người Lạch nép mình dưới chân núi Langbiang. K’Thi cho biết, vào cao điểm mùa du lịch (từ tháng 4-9 hàng năm), CLB cồng chiêng nơi anh biểu diễn chưa bao giờ làm hết việc.
Tối nào cũng có tour từ các đơn vị tổ chức sự kiện cho khách du lịch từ Đà Lạt đưa vào. Để được thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng từ CLB của bạn tôi biểu diễn, các đơn vị lữ hành phải đặt trước cả tháng để đội sắp xếp, lên lịch phục vụ. Tối nay, tôi vinh dự được là khách mời của K’Thi sau gần 10 năm gặp lại.
19 giờ tối, từng đoàn xe khách từ Đà Lạt chở theo hàng trăm người chầm chậm tiến vào trung tâm thị tứ Lạc Dương. CLB cồng chiêng nơi K’Thi biểu diễn mang tên Tình Bạn, hôm nay đón du khách đến từ TP Hồ Chí Minh. Bên trong, một không gian văn hóa cồng chiêng rộng khoảng 250m
2 có sức chứa lên tới 200 người đã được sắp đặt sẵn chờ khách.
Những món ăn dân dã mang đậm chất Nam Tây Nguyên cũng đã được chuẩn bị bốc hơi nóng hổi. Đó là cơm nếp nắm, rau rừng luộc, xào, thịt nướng, muối ớt xanh… và không thể thiếu được những vò rượu cần lên men bằng lá cây rừng, nấu bằng nước suối lạnh đầu nguồn dòng Đa Nhim. Ở giữa, đống củi gỗ đã lên lửa, bập bùng cháy, nổ tí tách trước cái se lạnh của miền đất này, càng thôi thúc du khách hòa mình vào bữa tiệc cồng chiêng đêm nay.
Lễ khai mạc đêm hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, bắt đầu từ việc cầu gọi thần linh (Yàng) phù hộ cho bà con người thượng, anh em miền xuôi, có một cuộc sống an lành, bình yên bằng tiếng mẹ đẻ của người Lạch. Những vũ điệu hoang dã trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tập quán tín ngưỡng của cộng đồng người Lạch được 20 chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống lần lượt tái hiện sinh động quanh đống lửa đang bập bùng bốc cháy.
Cùng lúc đó, tiếng cồng chiêng dồn dập vang lên. Thanh âm ấy lúc nghe trầm hùng trong tiếng reo hò của cộng đồng khi những chàng trai tái hiện lễ đâm trâu để hiến tế thần linh ngày bỏ mả. Rồi khi lại nghe như là thổn thức trong lễ cầu sức khỏe.
Lúc như da diết ước mong trong ngày lễ phát rẫy trỉa bắp, phấn khởi, mừng vui trong ngày lễ mừng lúa mới ở các buôn làng Tây Nguyên. Tiếng cồng, tiếng chiêng cứ thế vang lên theo từng giai điệu, cung bậc cảm xúc của những nghi thức hoặc trò chơi khiến du khách không thể nào ngồi yên.
Chàng trai, cô gái người Lạch biểu diễn phục vụ du khách. |
Người Lạch còn, tiếng cồng chiêng còn
Bình minh đã vươn qua dãy núi Mây (mẹ), thị tứ Lạc Dương vẫn bồng bềnh trong khối sương sớm. Đứng trên đỉnh dãy Langbiang hùng vĩ, phóng tầm mắt về phía trung tâm thị trấn nhỏ của người Lạch, nổi bật trong làn sương mờ là những căn biệt thự xinh xắn. Mới sáng sớm, đâu đó trong thị trấn, tiếng cồng chiêng đã bập bùng vang lên. K’Thi bảo, đó chính là tiếng chiêng mà Kră Jăn Lao đang truyền lại cho những người trẻ tuổi biết cách chơi và cảm thụ.
“Bọn mình rồi cũng sẽ già và chết. Cần phải có người kế tiếp để lưu giữ những bản cồng chiêng này. Người Lạch mình còn thì tiếng cồng chiêng cũng phải còn!..”-K’Thi nói với tôi như thế.
Theo nghệ nhân Kră Jăn Plin, một người đã nhiều năm nay dành không ít công sức nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và cũng là “cha đẻ” đã khởi xướng ra dịch vụ biểu diễn cồng chiêng dưới chân núi Langbiang, với đại đa số bà con ở thị trấn nhỏ này, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn mang giá trị linh hồn của đời sống văn hóa, tâm linh trong cộng đồng của họ.
Âm thanh cồng chiêng là sợi dây kết nối cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với cộng đồng một cách linh thiêng và thế tục, cộng niệm và cộng cảm. Cồng chiêng đã trở thành một biểu tượng trong cuộc sống và lao động sản xuất của các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên.
Nếu như trước đây, tiếng cồng, tiếng chiêng chỉ xuất hiện trong những sự kiện trong đại của buôn làng, như lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, hay thôi nôi… thì nay, ở thị trấn nhỏ của người Lạch này, tiếng cồng chiêng xuất hiện hằng ngày, hằng đêm, những người biết chơi cồng chiêng cũng được mở rộng.
Điều đáng nói, Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận ngày nay người hưởng thụ không chỉ gói gọn trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Chính những CBL biểu diễn cồng chiêng ở thị tứ Lạc Dương đang đưa không gian văn hóa này đến với du khách trong và ngoài nước, làm giàu cho văn hóa cồng chiêng, làm giàu cho quê hương huyền thoại của nàng Lang và chàng Biang.
Hiện thị trấn Lạc Dương có hơn 10 CLB biểu diễn cồng chiêng. Trung bình mỗi CLB giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 người. Đây là nguồn thu nhập khá mỗi đêm trong khi ban ngày những người ở CLB cồng chiêng vẫn đi làm bình thường.
Chủ một CLB cồng chiêng dưới chân núi Langbiang cho biết, vào mùa du lịch, mỗi đêm anh thu về từ 1-3 triệu đồng sau khi đã trả công cho người biểu diễn và các chi phí khác là điều không quá khó. Những năm gần đây, trước sức cuốn hút mạnh mẽ từ hoạt động văn hóa cồng chiêng, ngày càng nhiều doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng liên kết với các CLB biểu diễn cồng chiêng dưới chân núi Langbiang để mở tour, đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến cồng chiêng.
Còn đối với người Lạch, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại - ngày nay không đơn thuần chỉ mang giá trị văn hóa, tâm linh như thời khởi thủy, mà còn góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi cuộc sống của phần lớn cộng đồng người Lạch dướ i chân núi Langbiang hùng vĩ này.
Sau một ngày rong ruổi nghe K’Thi say sưa nói về chuyện cồng chiêng, tôi tìm đường trở về phố thị Đà Lạt, còn bạn lại sắm sửa trang phục truyền thống chuẩn bị bước vào đêm biểu diễn…Từ phía xa xa, tiếng chiêng trầm hùng gọi bạn miền xuôi lên giao lưu đã ngân vang. K’Thi, bạn tôi, nói phải: Người Lạch còn thì tiếng cồng chiêng cũng phải còn!..