Hành trình cao cả thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Anh về trong tiếng chiêng âm vang

Thứ Hai, 24/07/2017, 06:53
Đất nước hòa bình nhiều năm, cuộc sống đang đổi mới từng ngày, nhưng trên dải đất hình chữ S vẫn còn bao liệt sĩ nằm lại nơi chiến trường. Trong các nghĩa trang vẫn còn những ngôi mộ vô danh chưa tìm được người thân. Còn hàng nghìn gia đình đau đáu trong hành trình đi tìm thân nhân. Rong ruổi trên hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, những người lính trong các đội tìm kiếm quy tập ở khắp mọi miền Tổ quốc sẽ tiếp tục nỗ lực mang tin vui đến cho các gia đình thân nhân liệt sỹ…

Quê hương đón anh về               

Đúng 8h ngày 13-7-2017, lễ đón nhận và bàn giao hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Chiến được tiến hành trang trọng tại thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng Bộ Chỉ quy quân sự tỉnh Nghệ An tổ chức buổi lễ. Hài cốt liệt sỹ được phủ lá cờ đỏ thắm cùng lời tri ân xúc động đã khiến người thân, đồng đội không khỏi nghẹn ngào.

Lễ bàn giao hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Chiến.

47 năm trước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Văn Chiến đã trải qua nhiều chiến trường. Và rồi, nơi anh dừng lại là huyện Long Chẹt, tỉnh Xây Xổm Bun, nước bạn Lào, khi đang làm nhiệm vụ quốc tế 2 năm sau ngày nhập ngũ. 45 năm ngã xuống ở nơi xa Tổ quốc, có lẽ anh mong ngóng lắm ngày trở về quê hương, được nằm trong lòng đất mẹ. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mỹ, em ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Gia đình rất xúc động khi nhận được tin đã tìm được hài cốt của anh Chiến. Hôm nay lại được huyện, xã tổ chức bàn giao và đón nhận hài cốt của anh long trọng như vậy, chúng tôi rất tự hào về sự hy sinh của anh. Từ hôm qua tới giờ bà con chòm xóm, bạn bè sang hỏi thăm, chia vui rất nhiều”.

Trong ký ức của ông Mỹ, ngày anh Chiến lên đường đi bộ đội, ông mới có 10 tuổi. Anh Chiến là con trai thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Năm lên 9 tuổi thì mẹ mất, gia đình nghèo và đông anh em, anh không được đi học. Tháng 8-1970, anh nhập ngũ, vào đơn vị bộ đội đặc công C24, E866, mặt trận 31.

Nhắc tới anh, ông Mỹ nghẹn ngào: “Anh không về phép lần nào, cũng không một lá thư về cho gia đình. Gần 2 năm sau, chúng tôi nhận được giấy báo tử, nói rằng anh đã hy sinh ngày 9-1-1972 tại Lào”.

Khi nhận được tin anh mất, cả gia đình ông rất đau thương, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế họ không có điều kiện đi tìm. 45 năm anh lạnh lẽo nằm lại nơi núi rừng quanh năm sương mù ở nước bạn Lào, cả gia đình ông vô cùng xót xa. Khi hay tin đồng đội của anh đã tìm được mộ, cả nhà ông ôm nhau mà khóc.

Thế là từ hôm nay anh đã về với quê hương, về với cha mẹ, về với anh em bạn bè thuở ấu thơ. Đón anh về với đất mẹ là tiếng cồng vang vang trong nắng tháng 7 của người dân tộc Mường, của bao bạn bè, người thân ruột thịt và làng xóm thân thiết. Nỗi day dứt trong lòng người ở lại đã dịu đi rất nhiều.

Những buổi lễ đặc biệt

Luôn là không khí trang nghiêm, sự kính cẩn trước các liệt sỹ trong ngày trở về quê hương. Người đã khuất đã yên lòng khi được về với quê hương, được ở bên những người thân yêu. Người còn sống cũng không còn trăn trở, canh cánh bên mình ước nguyện chưa thực hiện được. Với những người lính đi tìm kiếm quy tập, mỗi lần bàn giao hài cốt liệt sỹ luôn là một buổi lễ xúc động nghẹn ngào.

Trước buổi lễ ở Chương Mỹ, Hà Nội, tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 12-7, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cũng đã bàn giao hài cốt liệt sỹ Lê Văn Kiệm ở thôn Bích Sơn, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn.

Trung tá Phạm Xuân Tám, Đội tìm kiếm quy tập của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tổ chức buổi lễ trang trọng và xúc động. Dù chiến tranh mất mát, nhưng gia đình liệt sỹ cũng đã cảm thấy ấm lòng khi đưa được người thân trở về và hơn thế nữa, sự hi sinh anh dũng của liệt sỹ đã trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ và địa phương.

Những chiếc xe biển đỏ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An lăn bánh rời Hà Nội, tiếp tục đưa hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Đá trở về xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang sau mấy chục năm biền biệt. Vẫn có các đồng đội đi theo liệt sỹ về quê hương. Và, dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả” bên ngoài thành xe như nhắc chúng ta không được quên những người con ưu tú hy sinh vì nghĩa lớn.

Ngày 13-7, trước vong linh liệt sỹ Hoàng Văn Đá, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và thân nhân liệt sỹ, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng phòng chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An nghẹn ngào: “Hôm nay các anh trở về, chúng ta cũng vơi bớt nỗi đau, tự hào vì phần nào đã thực hiện được lời hứa, đã đưa được anh trở về với quê hương. Giờ đây anh sẽ mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ, trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào tỉnh nhà và những người thân yêu nhất”.

Trong phút giây xúc động đó, chị Hoàng Thị Hải Mùi, em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá cho biết: “Một lần tình cờ tôi xem truyền hình phỏng vấn Anh hùng LLVTND Vi Đức Cường, nguyên Đại đội trưởng Đại đội đặc công C24 nơi anh tôi chiến đấu, tôi đã lặng đi. Đó là nút mở để gia đình tìm anh Vi Đức Cường – người cùng chiến đấu với anh tôi trên cao điểm 1433 thuộc khu vực Sầm Thông – Long Chẹng. Gia đình tôi quyết định sang nước bạn Lào tìm hài cốt anh mình với một quyết tâm cao nhất là tìm được mới thôi. Đến hôm nay chúng tôi đã hoàn thành được tâm nguyện”.

Từ năm 2012 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm quy tập được 11.444 hài cốt liệt sỹ. 33 năm qua, Đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm và quy tập được 12.027 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất nước bạn Lào. Trong đó có 1.664 hài cốt liệt sỹ xác định được họ tên, quê quán và đã bàn giao 921 hài cốt liệt sỹ về 34 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng mùa khô 2016-2017 đã tìm kiếm, quy tập được 104 hài cốt liệt sỹ, trong đó có 3 liệt sỹ xác định được họ tên và quê quán.


Viettel Bình Phước dành gần 1 tỷ đồng chỉnh trang mộ liệt sĩ

Ngày 23-7, ông Chu Hồng Quảng, Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Chi nhánh tỉnh Bình Phước (Viettel Bình Phước) cho biết, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hằng năm, từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã dành gần 1 tỉ đồng để tổ chức gắn lọ hoa và cắm hoa lên từng mộ liệt sĩ tại 5 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh theo Chương trình “Dâng hoa mộ liệt sĩ”.

Cũng theo ông Chu Hồng Quảng, trong giai đoạn vừa qua, Viettel Bình Phước đã làm tốt công tác chăm sóc giúp đỡ các gia đình chính sách với phương châm “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Chương trình mổ tim nhân đạo “Trái tim cho em”, Chương trình “Viettel vì cộng đồng”, Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khoẻ cộng đồng”, Chương trình “Vì em hiếu học”, Chương trình “Dâng hoa mộ liệt sỹ”... (Đức Trí)

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.