Mỹ hài lòng với những nỗ lực của Qatar
- Qatar cáo buộc UAE tấn công mạng
- Ai Cập ngừng chính sách miễn thị thực với công dân Qatar
- Khối Arab coi nhẹ thỏa thuận chống khủng bố Mỹ - Qatar
- Qatar đòi các nước Arab bồi thường nhiều tỉ USD vì lệnh cấm vận
- “Đánh hội đồng” kinh tế Qatar và những trục liên minh mới
Phía Mỹ rất hài lòng với những nỗ lực này và Qatar cũng đã thể hiện thiện chí muốn ngồi lại với 4 nước Arab Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, để đàm phán, thảo luận các yêu cầu.
Phát biểu với báo giới trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Oman Yusuf bin Alawi bin Abdullah tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Tillerson bày tỏ hi vọng “4 nước Arab sẽ xem xét việc dỡ bỏ phong tỏa đối với Qatar như một dấu hiệu thiện chí”, đồng thời chỉ ra rằng: “Sự phong tỏa này thực sự tác động tiêu cực nhiều nhất đến người dân Qatar. Sẽ là dấu hiệu tích cực nếu cả 4 nước dỡ bỏ phong tỏa đối với Qatar. Tôi hy vọng họ sẽ xem xét một cách nghiêm túc”.
Cùng ngày, UAE cũng bày tỏ hoan nghênh đối với sắc lệnh sửa đổi luật chống khủng bố mà Qatar đưa ra hôm 20-7, rằng đó là một bước đi đúng hướng nhằm đối phó nghiêm túc với những kẻ khủng bố.
Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nhấn mạnh, việc gây sức ép về mặt ngoại giao và kinh tế đã bắt đầu thu được kết quả, đồng thời hy vọng Qatar sẽ thay đổi toàn bộ định hướng.Việc sửa đổi luật chống khủng bố được thực hiện chưa đầy một tuần sau khi Qatar ký một thỏa thuận với Mỹ nhằm củng cố các biện pháp chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ tài chính cho khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ (phải) và Quốc vương Oman trong buổi gặp ngày 21-7. Ảnh: Getty Images |
Cũng trong ngày 21-7, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani nhấn mạnh, đã đến lúc phải đưa người dân Qatar ra khỏi những sự khác biệt về chính trị giữa các chính phủ, đồng thời khẳng định phía Qatar sẵn sàng đối thoại, tuy nhiên mọi giải pháp phải tôn trọng chủ quyền của Qatar.
Quốc vương cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực từ phía Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng Arab.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng ngày tái khẳng định Ankara sẽ làm mọi cách tốt nhất để giải quyết vấn đề giữa “những người anh em ở khu vực vùng Vịnh”.
Theo giới chuyên gia, Mỹ cần thận trọng hơn nữa khi giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này. Sự chia rẽ hiện tại trong nội bộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump – mà trong đó 2 thành viên then chốt của nội các là Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đang kêu gọi thỏa hiệp và hòa giải, trong khi các thành viên trong ban cố vấn của Tổng thống lại thúc ép ông đứng về phía Saudi Arabia và UAE gây ra mối nguy hiểm không thể chấp nhận được đối với các lợi thế chiến lược của Washington.
Các tuyên bố không nhất quán của ông Trump đứng về phía Saudi Arabia và UAE có nguy cơ chia rẽ các nước Arab phía Nam vùng Vịnh, đẩy Qatar về phía Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, gây mất tập trung vào việc giải quyết mối đe dọa thực tế của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.
Chúng cũng làm xói mòn ảnh hưởng và uy tín của Mỹ trong khu vực, và “trói buộc” Mỹ vào những cuộc ganh đua và tranh cãi đã tồn tại từ lâu giữa các nước phía Nam vùng Vịnh tại thời điểm mà Mỹ có những ưu tiên chiến lược cao hơn cần giải quyết.
Ba nhóm lợi ích chiến lược chung có liên quan. Đứng đầu là cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và chủ nghĩa khủng bố. Mỹ, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, mọi quốc gia Arab phía Nam vùng Vịnh – và cả Iran, Iraq và các nước Arab khác cần nhận ra rằng, một nỗ lực tập thể là cần thiết để tiến hành một cuộc chiến dài hạn chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, và rằng, bất kỳ thất bại nào của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay Al Qaeda có thể chỉ là một thắng lợi có hạn và tạm thời.
Điều này có nghĩa là vẫn cần tăng cường sự hợp tác trong việc chống khủng bố, ủng hộ các nước khác và những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy các phong trào và các lực lượng ôn hòa chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Lợi ích chiến lược then chốt thứ hai là nhu cầu chung đối với các chính sách an ninh của các nước Arab ở vùng Vịnh, Mỹ và châu Âu mà tạo ra một sức mạnh răn đe hiệu quả đối với Iran.
Đồng thời, Mỹ, Saudi Arabia và UAE cần nhận ra rằng, Qatar và Oman đều đúng khi tiếp tục chìa tay ra với các phần tử “ôn hòa” hơn trong Chính phủ Iran và rằng việc răn đe Iran không có nghĩa là biến nước này thành ác quỷ hay xa lánh người dân Iran.
Lợi ích then chốt thứ ba đối với sự hợp tác giữa các nước Arab vùng Vịnh phía Nam giữa Mỹ, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và các nước Arab khác là tìm ra các cách định hình tương lai của Iraq và Syria, cuối cùng là tương lai của Yemen và Libya.
Đây là 4 nước rất khác nhau, nhưng họ đều cần phải tìm ra con đường nào đó tiến tới giải quyết xung đột mà sẽ mang lại sự ổn định nội bộ lâu dài, sự phục hồi và sự vận động về phía phát triển. Cần phải làm vậy theo các cách mà giải quyết các lợi ích khác nhau của các phe phái đang tranh giành tại những nước này.
Đây là tất cả những khu vực mà ở đó Mỹ có những lợi ích chiến lược rõ rệt khi làm việc với tất cả các đồng minh của họ tại vùng Vịnh và thế giới Arab, cũng như các nước bên ngoài. Đây cũng là những khu vực mà ở đó Saudi Arabia và UAE có thể giữ vai trò an ninh then chốt, Qatar có thể là nguồn viện trợ then chốt và là nơi mà sự thỏa hiệp, chứ không phải thống trị, có thể làm được nhiều nhất để mang lại các lợi ích an ninh cho mọi quốc gia liên quan.
Điều này có vẻ là cách tiếp cận của hai ông Tillerson và Mattis và rõ ràng đó là cách tiếp cận đúng đắn. Sự tập trung hạn hẹp vào một khía cạnh của lợi ích chiến lược của Mỹ và một yếu tố hạn hẹp của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo chỉ có thể kết thúc ở chỗ phá hoại các lợi ích của Washington và chia rẽ các nước Arab vùng Vịnh theo những cách mà cuối cùng sẽ phục vụ cho lợi ích của các phong trào như IS và Al Qaeda.