Bài toán khó của Anh sau Brexit
Sau hơn 4 năm của những sự bất định sâu sắc khiến nền kinh tế điêu đứng và các nhà đầu tư mệt mỏi, Anh cuối cùng cũng rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Những gì xảy đến tiếp theo đều rất quan trọng với doanh nghiệp của đảo quốc sương mù, dù vậy, các chuyên gia đánh giá triển vọng không cao.
- Anh chính thức rời Liên minh Châu Âu
- Brexit là yếu tố gây nên những rạn nứt trong nội bộ EU
- Brexit đi đến hồi kết: EU nghẹn ngào tạm biệt nước Anh
- Tiến trình Brexit sang trang mới nhờ cái gật đầu của Hạ viện Anh
Anh đang bước vào giai đoạn chuyển giao kéo dài 11 tháng, thời điểm mà Thủ tướng Boris Johnson buộc phải đạt được các thỏa thuận với những đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Nếu không đạt được thỏa thuận, nền kinh tế vốn đang bị đình trệ của Anh sẽ chịu thêm nhiều tổn thất.
Nước Anh đã tách mình khỏi khối Liên minh hùng mạnh sau 40 năm là thành viên. Nhiệm vụ đầu tiên là quyết định xem mối quan hệ với EU sau này sẽ “gần gũi” đến mức nào khi hiện EU là thị trường mua đến một nửa hàng hóa xuất khẩu của London. Ông Johnson đang có ý định chuyển hướng khỏi khối trong tất cả các vấn đề pháp lý quan trọng, nhấn mạnh rằng ông muốn dành chỗ đàm phán các thỏa thuận thương mại với các cường quốc khác, như Mỹ.
Tuy nhiên, Anh càng tách rời khỏi EU thì càng khó giao dịch với các nước láng giềng khác như Pháp hay Đức. Nhiều công ty của Anh, bị ảnh hưởng nặng nề từ sự thiếu chắc chắn của Brexit, ít có khả năng chịu đựng các rào cản thương mại mới đe dọa đến chuỗi cung ứng và khiến sản phẩm cũng như dịch vụ của họ trở nên đắt đỏ hơn. Nhiều yếu tố khác cản đường việc đảm bảo các thỏa thuận thương mại với châu Âu hoặc Mỹ. Đội ngũ đàm phán của Anh được cho là ít kinh nghiệm và sẽ phải làm việc trong một thời gian biểu hết sức chặt chẽ.
Cựu Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch cho tờ Guardian biết rằng Anh “chưa từng đàm phán thương mại trong 40 năm qua”, vẫn chưa công bố các mục tiêu đàm phán với Mỹ và “thẳng thắn mà nói, chúng tôi chưa có băng thông để giải quyết việc này”.
Những gì xảy đến tiếp theo
Trong khi Anh cắt đứt các giao kèo với EU trong ngày 31-1, mối quan hệ về thương mại hai bên vẫn không thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài đến cuối năm 2020. Ông Johnson có thể yêu cầu gia hạn hạn chót, tuy nhiên, nhiều lần ông này hứa sẽ không làm như vậy.
Sự tính toán sai lầm có thể dẫn đến những cái giá đắt phải trả. Nếu London không đạt được một thỏa thuận với Brussels khi hạn chót đã điểm, nước này sẽ phải đối mặt với hàng loạt rào cản thương mại. Đây chính là “Brexit khó khăn” từ lâu là nỗi kinh hoàng với cộng đồng doanh nghiệp và khiến các CEO của các công ty như Airbus bay Nissan đưa ra cảnh báo về những hậu quả thảm khốc.
Các công ty của Mỹ, đầu tư đến 750 tỷ USD vào Anh và sử dụng hơn 1,5 triệu lao động Anh, cũng đang rất lo lắng. “Chúng tôi thúc giục Anh và EU có động thái sớm để các nhà đầu tư và xuất khẩu Mỹ có được sự minh bạch cần thiết để tiếp tục kinh doanh và tạo ra việc làm tại Anh”, Marjorie Chorlins, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Anh cho biết.
Mối đe dọa về các thuế quan đối với thương mại hàng hóa với châu Âu cũng là một động lực để London thúc đẩy đàm phán với Brussels. Bộ trưởng Tài chính Anh Sajib Javid, phát biểu tại Davos tuần trước, xác nhận rằng một thỏa thuận thương mại với châu Âu sẽ đạt được trước một thỏa thuận với Mỹ.
Dù vậy, một thỏa thuận thương mại toàn diện thường mất nhiều năm để đàm phán, không phải vài tháng, và nhiều chuyên gia cho rằng điều tốt nhất mà Anh có thể hy vọng đạt được trong năm nay là một thỏa thuận với châu Âu nhằm tạm ngừng áp thuế quan, nhưng lại dẫn đến các rào cản hành chính và pháp lý mới về xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết loại thỏa thuận “xương trần” có thể đạt được vào năm 2020 sẽ đồng nghĩa với rào cản ở biên giới và giảm khả năng tiếp cận châu Âu đối với ngành dịch vụ khổng lồ của Anh. Khu vực dịch vụ tài chính hùng mạnh của Anh, chiếm 7% nền kinh tế, gần như chắc chắn sẽ bị hạn chế trong tiếp cận thị trường EU.
Loại thỏa thuận hạn chế này thậm chí sẽ khiến chính phủ Anh đưa ra những lựa chọn khó khăn về mặt chính trị như liệu Anh có nên hạn chế quyền truy cập vào lãnh hải của mình cho các tàu đánh cá của EU hay không.
Một thỏa thuận với Mỹ cũng không dễ dàng
Mỹ, nước có thặng dư thương mại với Anh, sẽ không đưa ra một thỏa thuận đem lại lợi thế cho Anh mà không yêu cầu điều ngược lại. Các yêu cầu của Mỹ cũng sẽ vấp phải sự phản đối của dân chúng Anh, bởi chúng đồng nghĩa với việc thuốc men đắt đỏ hơn và tiêu chuẩn thực phẩm thấp hơn.
Mỹ cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc mở cửa thị trường Anh để xuất khẩu nhiều nông sản hơn, đồng thời, sẽ yêu cầu thay đổi quy tắc, dẫn đến việc Anh sẽ phải trả giá cao hơn cho dược phẩm.
“Anh sẽ không đi một con đường dễ dàng bởi mối quan hệ đặc biệt với Mỹ”, Sam Lowe, chuyên gia tại Trung tâm Cải cách châu Âu cho biết. “Nếu Anh chống lại yêu cầu của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và vệ sinh thực phẩm, thì việc ký kết một (hiệp định thương mại tự do) toàn diện có thể mất nhiều năm”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong chuyến đi đến London tuần này rằng hai bên có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trước khi năm 2020 kết thúc, dù rằng “sẽ có những vấn đề gây tranh cãi thực sự xung quanh lĩnh vực nông nghiệp”.
Ngoài ra, Quốc hội Mỹ, cơ quan phê duyệt các thỏa thuận thương mại tự do toàn diện, khó có thể trao cho Tổng thống Donald Trump một chiến thắng về thương mại trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Anh cũng từng đi ngược với chính quyền Mỹ hai lần về các vấn đề chính. Anh cho phép Huawei giúp xây dựng các mạng viễn thông ở tại nước mình và cam kết sẽ tiếp tục một loại thuế mới sẽ đánh vào các công ty công nghệ Mỹ.
Chính quyền Trump đã đáp trả với việc đe dọa áp thuế với xe sản xuất tại Anh, trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đặc biệt có ý nghĩa thế nào trong thương mại.
Sẽ ra sao nếu thất bại?
Tình trạng của ngành công nghiệp ô tô của Anh cho thấy tại sao các thỏa thuận hợp lý nhanh chóng lại quan trọng đến vậy.
Sản xuất xe hơi tại Anh đã giảm đến 14% trong năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất và thương mại xe (SMMT). Sự sụt giảm trong năm thứ 3 liên tiếp có thể xuất phát từ những rắc rối ở thị trường nước ngoài quan trọng, sự thay đổi từ các xe chạy dầu diesel của châu Âu, nhưng sự thiếu chắc chắn của Brexit cũng có đóng góp không nhỏ.
“Sự sụt giảm trong ngành sản xuất ô tô tại Anh đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn có ngành ô tô phát triển vì đây là động lực của thương mại, năn suất và việc làm”, Mike Hawes, CEO của SMMT, cho biết.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu từng xây dựng các nhà máy ở Anh lo ngại Anh không thể đạt được thỏa thuận với EU trong năm nay. Điều đó sẽ đe dọa chuỗi cung ứng của họ, làm gián đoạn sản xuất và làm xói mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng manh.
Theo thời gian, nhiều nhà sản xuất sẽ tìm cách chuyển các nhà máy ra khỏi Anh. Một số có thể từ bỏ xứ sở sương mù hoàn toàn.