Brexit là yếu tố gây nên những rạn nứt trong nội bộ EU

Chủ Nhật, 02/02/2020, 08:30
Theo nhận định của giới phân tích, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, có thể sẽ là yếu tố làm thay đổi cán cân vị thế các nước thành viên của EU, quá đó gây nên những rạn nứt trong nội bộ khối này.


Không phải là sự kết thúc

Đúng 23h ngày 31-1 (giờ GMT - 6h ngày 1-2 - giờ Hà Nội), Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã chính thức rời EU, chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này. Như vậy, sau 1.317 ngày kể từ cuộc trưng cầu ý dân, nước Anh đã thực hiện được ý nguyện của cử tri là “Ra đi” và bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng.

Trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU, nhưng không còn tiếng nói hay đại diện trong các thể chế chính trị của EU. Các nghị sỹ Anh tại Nghị viện châu Âu (EP) phải “khăn gói” về nước, Anh không còn ghế trong các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU cũng như không còn người của mình trong vô số các cơ quan kỹ thuật của khối...

Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chào mừng thời điểm Anh chính thức rời EU. Ảnh: Reuters

Cũng trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, Anh sẽ phải đàm phán với EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận xác định mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Với việc hai bên đều mong muốn đạt được một thỏa thuận toàn diện, bao gồm tất cả các khía cạnh trong quan hệ song phương, nhưng bất đồng vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực, dự báo là các cuộc đàm phán giữa Anh và EU để đi đến một thỏa thuận sẽ khó khăn không kém quá trình đàm phán để nước Anh ra khỏi EU.

Một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Xứ sở sương mù Boris Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu… một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự”.

Trước đó, trong bài phát biểu cuối cùng tại EP, Thủ lĩnh đảng Brexit Nigel Farage  cho rằng việc Anh rời khỏi EU đã đem lại nhiều lợi ích: “Không cần phải đóng góp tài chính, không còn Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), không còn các chính sách chung về đánh bắt cá, không còn bị coi thường, không còn bị bắt nạt”. Trong khi đó, về phía truyền thông, đa số các tờ báo Anh coi đây là một sự kiện lịch sử mở ra một trang sử mới cho nước Anh.

Tờ “Tin nhanh hàng ngày” (Daily Express) giật hàng tít phấn khích “Chúng ta đã làm được” và cho rằng sắp tới sẽ là một thời đại có nhiều đổi mới và thay đổi cho nước Anh. Tương tự, trang Nhất tờ “Thư tín hàng ngày” (Daily Mail) là dòng chữ “Bình minh mới cho Vương quốc Anh”. Một số tờ báo khác thì đi sâu hơn vào các diễn biến sẽ đến sau Brexit.

Tờ “Thời đại” (The Times) đăng lên trang Nhất bài phân tích cho rằng Thủ tướng Boris Johnson muốn thiết lập một mối quan hệ mới với EU theo mô hình Canada, tức là tự do trao đổi hàng hoá nhưng không đi kèm dịch vụ.  Tờ “Thời báo Tài chính” nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế thì nhận định “Vương quốc Anh rời EU với cảm xúc lẫn lộn giữa lạc quan và tiếc nuối” đồng thời cho rằng, nước Anh cần sớm đề ra chiến lược đàm phán thương mại với EU nếu muốn tất cả kết thúc trong năm 2020.

Bước ngoặt lớn cho EU

Rõ ràng, đến thời điểm này, Brexit không còn mang lại những căng thẳng, mệt mỏi. Đêm trước khi diễn ra sự kiện này, các nghị sĩ châu Âu và Anh đã cùng nhau hát vang bài hát “Auld Lang Syne” để nói lời từ biệt. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố “châu Âu sẽ nhớ nước Anh” và Vương quốc Anh vẫn mãi là một phần đặc biệt của châu Âu.

Trong một bài báo viết chung trên tờ Nhật báo Frankfurt xuất bản ngày 30-1, cả 3 lãnh đạo cao nhất của EU là bà Von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch EP David Sassoli cũng khẳng định, sẽ tìm mọi cách để xây dựng một quan hệ chặt chẽ với Vương quốc Anh như một đồng minh, đối tác và bạn bè thân thiết.

Tuy nhiên, phía sau tất cả những tuyên bố đầy cảm thông và thiện chí từ phía châu Âu, Brexit là một thất bại lịch sử của EU, khi những bất cập trong quản trị của khối này đã tạo ra những chia rẽ không thể hàn gắn giữa các thành phần công dân khác nhau trong khối. Đây là một cú sốc địa chính trị lớn với các tác động lâu dài về chiến lược đối với EU.

Điều này phần nào được thể hiện trong bài phát biểu tối 31-1 trên truyền hình quốc gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông coi đây là một ngày buồn với châu Âu: “Đây là một cú sốc và là một lời cảnh báo lịch sử cần phải được mọi quốc gia thành viên châu Âu lắng nghe và suy nghĩ bởi lẽ lần đầu tiên trong 70 năm, một quốc gia rời bỏ EU. Đây là một ngày buồn, chúng ta không thể phủ nhận điều đó”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định “đây là bước ngoặt lớn cho EU” nhưng cảnh báo các cuộc đàm phán sắp tới về quan hệ tương lai giữa Anh và EU sẽ không dễ dàng, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu thống nhất cách tiếp cận trong quan hệ với Vương quốc Anh.

Trong khi đó, theo nhận định của giới phân tích, Brexit có thể sẽ là yếu tố làm thay đổi cán cân vị thế các nước thành viên của EU, qua đó gây nên những rạn nứt trong nội bộ khối này. Sự ổn định tại ít nhất 16 khu vực thuộc EU (và các vùng lãnh thổ liền kề) có thể chịu tác động trong trung và dài hạn sau Brexit và những căng thẳng nảy sinh do đó trong lòng châu Âu chắc chắn sẽ khiến EU suy yếu nghiêm trọng.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị, Brexit sẽ dần thay đổi cán cân chính trị trong EU, gia tăng vai trò trung tâm của Đức trong lĩnh vực kinh tế, làm nổi rõ hơn những bất đồng giữa Paris và Berlin, đồng thời khoét sâu rạn nứt giữa khu vực Nam và Bắc Âu. Hơn thế nữa, những chia rẽ nội bộ EU và căng thẳng kinh tế-chiến lược hậu Brexit tiềm tàng giữa EU và Mỹ, giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng suy yếu hơn.

Trên thực tế, EU và NATO vẫn luôn được xem là hai cấu trúc song song giúp duy trì hòa bình cho châu Âu suốt một thời gian dài. Một số nhà sử học lo ngại rằng, một EU suy yếu sẽ tạo điều kiện để chủ nghĩa dân tộc dân túy gia tăng tại nhiều nước thành viên, và dẫn đến ý định ly khai của một số cộng đồng thiểu số tại những quốc gia này.

Giáo sư Beatrice Heuser, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Glasgow, nhấn mạnh sự suy yếu của EU nhiều khả năng sẽ khiến NATO càng trở nên yếu kém hơn, và từ đó gia tăng cơ hội cho các đối thủ khác. Sắc tộc và lịch sử là hai yếu tố được nhiều quốc gia tận dụng ngày càng nhiều để gia tăng ảnh hưởng (và đôi khi là cả quyền lực chính trị) tại các nước EU láng giềng và những khu vực khác, vì vậy một EU chia rẽ về mặt chính trị chắc chắn sẽ càng củng cố xu hướng này.

Giáo sư Conan Fischer, một chuyên gia về lịch sử châu Âu hiện đại tại Trường Đại học St Andrew, tác giả cuốn “A Vision of Europe” (tạm dịch: Tầm nhìn châu Âu), bình luận: “Sự suy yếu của EU sẽ làm gia tăng nguy cơ chủ nghĩa dân tộc dân túy cánh hữu thu hút được thêm nhiều sự ủng hộ trên lục địa”. Đồng quan điểm, Giáo sư về chủ nghĩa dân tộc Roger Griffin, làm việc tại Trường Đại học Oxford Brookes, bình luận: “Brexit có thể khích lệ hơn nữa chủ nghĩa dân túy cánh hữu tại châu Âu và làm suy yếu mục tiêu xây dựng một lục địa ổn định, dựa trên bản sắc châu Âu chung”.

Trong khi đó, Giáo sư Conan Fischer nói: “Sự hiện diện của Anh tại châu Âu là nhân tố then chốt giúp duy trì ổn định và an ninh tại lục địa. Vì vậy, điều quan trọng là truyền thông phải thúc đẩy nhận thức sâu sắc về điều này”.

Về phần mình, Giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia về châu Âu tại Đại học Oxford, nhấn mạnh: “Có một thực tế là 3 cường quốc Tây Âu gồm Anh, Đức và Pháp – đều là thành viên EU – đã giúp châu Âu vận hành một cách hiệu quả trong nhiều thập kỷ. Sự ra đi của Anh khỏi tam giác này nhiều khả năng sẽ thay đổi sự cân bằng tinh tế giữa các quốc gia và khiến liên minh suy yếu… Hơn thế nữa, sau Brexit, nếu căng thẳng nảy sinh giữa Anh và EU, Anh sẽ tìm cách chia rẽ và thao túng châu Âu, một viễn cảnh càng khiến lục địa này rạn nứt nhiều hơn”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.