Thực hiện bút phê của Chủ tịch thành phố để làm trái pháp luật
- Vũ “nhôm”: Cái đau, cái nhục là cho các cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng
- Khu đất giá 4.800 tỷ đồng, Vũ "nhôm" mua chỉ 87 tỉ đồng
- Cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng lý giải về việc bán nhà đất công giá rẻ cho Vũ “nhôm"
Chiều 10-1, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh (SN 1955, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2006-2011) và Văn Hữu Chiến (SN 1954, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2011-2014) cùng 19 đồng phạm trong vụ thâu tóm nhà, đất công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 22.000 tỷ đồng tiếp tục phần tranh luận của các luật sư bào chữa với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố.
Viện kiểm sát: Các bị cáo biết sai những vẫn thực hiện
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng, mình chỉ bán nhà công sản, giao đất các dự án cho các công ty là đối tượng mua nhà và được giao đất (trong đó có công ty của Phan Văn Anh Vũ) chứ không có sự thống nhất, bàn bạc, tạo điều kiện cho Vũ được hưởng lợi từ việc mua nhà, giao đất các dự án. Ở chiều ngược lại, bị cáo Vũ cũng không thừa nhận có quan hệ với bị cáo Trần Văn Minh xin được tạo điều kiện mua các nhà, đất công sản và xin giao đất dự án.
Bào chữa cho các bị cáo, các luật sư cho rằng, bị cáo Vũ và các bị cáo khác (trong đó có em vợ của Vũ là bị cáo Nguyễn Quang Thành (SN 1980, cựu Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phát) thuộc nhóm các đối tượng trong quan hệ giao dịch dân sự, không kiên quan đến nhóm đối tượng quản lý Nhà nước. Và nếu có vi phạm trong các giao dịch dân sự này thì chỉ là điều cấm trong giao dịch dân sự... vì thế không thể quy kết, họ đồng phạm với cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. |
Bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. |
Đối với các bị cáo từng là cán bộ, công chức thuộc UBND TP Đà Nẵng, các luật sư bào chữa cho rằng, họ là các cá nhân trong tổ chức thống nhất là UBND thành phố và các Sở, Ban, ngành chức năng của thành phố, hoạt động theo luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân theo phân công nhiệm vụ và chức năng của mỗi bộ phận cấu thành. Khi thực hiện các hành vi vi phạm, họ thực hiện như một khâu, một công đoạn của trình tự, thủ tục mà không có sự bàn bạc, thống nhất nên không thể coi họ đồng phạm với cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh.
Đối đáp với các luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nêu quan điểm, cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan Nhà nước là những người được nhân dân ủy quyền, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, áp dụng pháp luật trong công tác quản lý, điều hành nên càng phải có ý thức chấp hành pháp luật cao. “Bị cáo Trần Văn Minh cho rằng, việc bị cáo ký văn bản ban hành không phù hợp với pháp luật, cho chuyên tên người nhận quyền sử dụng đất, cho giảm tiền sử dụng đất là sự sáng tạo, mang lại hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Luận điểm này là hoàn toàn không có cơ sở vì, hầu hết các bị cáo trong vụ án này khi thực hiện hành vi phạm tội đều thừa nhận chủ trương, chính sách chung cũng như các chỉ đạo trực tiếp bằng bút phê, công văn, quyết định liên quan trực tiếp đến các hành vi sai phạm cáo buộc bị cáo Minh làm trái pháp luật”, đại diện Viện kiểm sát nêu khẳng định.
Đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo khác mà các luật sư nêu ra rằng, chỉ tham gia các giao dịch dân sự, họ đều biết rõ đó là các quy định, quyết định trái pháp luật nhưng vì Chủ tịch thành phố chỉ đạo nên phải thực hiện. Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, tại tòa, Vũ khai, bị cáo chẳng những hiểu rõ các quy định của pháp luật về đất đai, luật kinh doanh bất động sản mà còn am hiểu tất cả pháp luật liên quan, vì bị cáo lập ra nhiều công ty kinh doanh bất động sản và đã kinh doanh từ nhiều năm.
“Chính vì biết rõ nên bị cáo Vũ và các công ty của Vũ lập ra không phải là đối tượng được mua nhà đất công sản, giao đất không qua đấu giá nên bị cáo đã bằng các phương thức vừa trực tiếp quan hệ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thời điểm đó để xin mua nhà, đất và bất động sản thông qua các công ty của Vũ là đối tượng được mua, được giao dất để tác động đến lãnh đạo UBND thành phố để được mua nhà và giao đất một cách trái pháp luật”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Trong vụ án này, đại diện Viện kiểm sát đồng tình với ý kiến của một số uật sư sư nêu ra, các bị cáo thuộc UBND thành phố làmột tổ chức thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau, được phân công, phân nhiệm thành từng bộ phận có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, tổ chức và hoạt động theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, có sự phối hợp trong công việc, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, thực hiện công vụ theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ, mỗi bộ phận và cá nhân có thể chỉ thực hiện một hoặc một số thao tác trong quá trình được phân công, phân nhiệm.
Nhưng cũng chính tổ chức ấy là điều kiện để tạo nên sự thống nhất về hành vi và sự tiếp nhận ý chí chung và ý chí của người lãnh đạo cao nhất UBND thành phố lúc đó là là bị cáo Trần Văn Minh.
“Sự thống nhất về mặt ý chí giữa các bị cáo ở chỗ, họ đều nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, hoặc có trường hợp không muốn nhưng vẫn phải thực hiện gây hậu quả nghiêm trọng Vì thế các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện trái pháp luật” đại diện Viện kiểm sát khẳng định.
Theo đại diện Viện kiểm sát, từ năm 2002- 2010, Phan Văn Anh Vũ thành lập 5 công ty đều do Vũ bỏ vốn kinh doanh, chỉ đạo toàn bộ hoạt động. Các công ty của Vũ về hình thức và trên danh nghĩa thì có các cổ đông góp vốn. Nhưng thực chất, các cổ đông khác không có vốn góp mà chỉ đứng tên trên danh nghĩa và tham gia các hoạt động theo sự chỉ đạo của Vũ, để Vũ thực hiện thâu tóm nhiều nhà, đất công sản và các dự án đất như cáo trạng đã truy tố. Điều này được chứng minh bằng lời khai các thành viên góp vốn.
Nhóm các bị cáo là cán bộ tham mưu thuộc UBND TP Đà Nẵng là những người trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố trong việc bán nhà, đất công sản, giao đất các dự án đều khai về việc giữa bị cáo Vũ và bị cáo Minh có quan hệ với nhau trong quá trình Vũ và các công ty của Vũ xin mua nhà, xin giao đát dự án và được bị cáo Minh chỉ đạo tạo điều kiện trái quy định của pháp luật.
“Do đó có đủ cơ sở khẳng định, giữa các bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo khác trong vụ án đã có sự câu kết, thống nhất cùng nhau thực hiện tội phạm. Sự câu kết, thống nhất cùng thực hiện tội phạm của các bị cáo thể hiện thông qua phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm, tính có hệ thống của các hành vi phạm tội diễn ra liên tiếp trong một thời gian dài, có chung nhận thức chủ quan, chung ý chí và mục đích của việc thưc hiện tội phạm”, đại diện Viện kiểm sát nói.
Các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ đề nghị xem xét quyền lợi
Trước đó, đại diện các công ty, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đề nghị HĐXX xem xét bảo vệ quyền lợi của họ. Đại diện Công ty TNHH Minh Hưng Phát cho biết “Sau khi nhận chuyển nhượng, công ty đã đầu tư xây dựng các tài sản trên đất. Nếu không có sự đồng ý của UBND TP Đà Nẵng thì công ty không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh thương mại.
Các bị cáo tại phiên xử. |
Việc huy động vốn đầu tư của công ty rất khó khăn, nếu HĐXX quyết định kê biên tài sản thì sẽ gây tổn thất nhiều cho các bên. Vì vậy, công ty đề nghị HĐXX xem xét, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công ty, các đối tác của công ty cũng như các bên tham gia dự án”.
Liên quan đến Dự án Phú Gia Compound (20.093m2, địa chỉ tại số 126 Ông Ích Khiêm, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), luật sư Hải Âu (bảo vệ quyền lợi cho Công ty TNHH Hùng Vạn Phúc) đề nghị HĐXX quan tâm đến quyền lợi của bên thứ ba vì hiện nay trên mảnh đất đã hình thành tài sản của hàng trăm nhà đầu tư khác. Hơn nữa, việc mua bán chuyển nhượng đất của công ty là đúng đắn, ngay tình.
“Trong bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên theo hướng giao UBND TP Đà Nẵng trách nhiệm giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình liên quan đến dự án này. Mong HĐXX xem xét, phân định rõ đối tượng thu hồi là quyền sử dụng chứ không phải dự án”luật sư Âu nói.