Nữ Tổng giám đốc lừa đảo góp vốn, chiếm đoạt 8 tỷ đồng

Thứ Năm, 23/11/2017, 08:29
Ngày 22-11, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở Hà Nội và một số địa phương khác.

Đề nghị truy tố 2 bị can gồm Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi, trú tại phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Khoáng sản luyện kim Hà Nội (Công ty Khoáng sản) và Phan Minh Đức (42 tuổi, ở tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Khai khoáng và Thương mại Thủ đô (Công ty Thủ đô) về tội danh trên.

Qua các mối quan hệ xã hội, ông Hồ Trần Lập quen biết với Nguyễn Thị Hồng, khi đó đang là Tổng giám đốc Công ty Khoáng sản và được Hồng đề nghị góp vốn hợp tác, thực hiện hợp đồng xuất khẩu đồng kim loại sang Liên bang Nga. 

Theo thỏa thuận, Công ty Khoáng sản sẽ mua đồng kim loại của Công ty Thủ đô để bán cho Công ty Vulcan- Sigma LLC Company, do ông A.A Redozubov làm Tổng giám đốc (gọi tắt là Công ty Vulcan).

Thực hiện hợp đồng trên, vào ngày 7-8-2012, Công ty cổ phần Đầu tư Hồ Trần Việt Nam, do anh Hồ Trần Hưng (con trai ông Hồ Trần Lập) làm giám đốc đã ký hợp đồng liên danh với Công ty Khoáng sản về việc hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu đồng kim loại. 

Trong quá trình hợp tác, để tạo lòng tin với ông Lập, Hồng đã đưa cho nạn nhân bản nháp Hợp đồng số 09/HMM/VS đề ngày 27-9-2012 (hợp đồng đầu ra) giữa Công ty Khoáng sản và Công ty Vulcan, tài khoản mở tại một ngân hàng có trụ sở tại Liên bang Nga do ông Alexander Lazazenko làm đại diện và bản nháp tín dụng thư của ngân hàng này bảo lãnh 20.700.000 USD. 

Theo Hồng trình bày thì đây là hợp đồng đầu tiên ký kết với Công ty Vulcan nhưng Nguyễn Thị Hồng chưa gặp Tổng giám đốc Công ty Vulcan; việc đàm phán, ký kết Hợp đồng số 9 chỉ thực hiện qua email giữa 2 công ty và qua một người đàn ông mà Hồng biết là Việt kiều Anh, người của Công ty Vulcan.

Đối tượng Nguyễn Thị Hồng. 

Kết quả xác minh ông Alexander Lazazenko không phải là đại diện của ngân hàng tại Nga. Ông Alexander Lazazenko khẳng định bản nháp tín dụng thư của ngân hàng và một số giấy tờ khác do Hồng cung cấp là giả mạo. Cùng ngày 1-10-2012, Công ty Khoáng sản và Công ty Thủ đô ký hợp đồng mua bán sản phẩm đồng thành phẩm, giá trị gần 413 tỷ đồng. 

Theo đó, Công ty Thủ đô sẽ giao 2.200 tấn đồng cho Công ty Khoáng sản tại kho Yên Viên (có địa chỉ tại Gia Lâm, Hà Nội). Công ty kiểm định khối lượng và chất lượng là Vinacontrol sẽ kiểm định độc lập hàng hóa; Công ty Khoáng sản đặt cọc 8 tỷ đồng cho Công ty Thủ đô trong 3 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

Mặc dù kho Yên Viên là kho hàng của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (Công ty Vinacomin) và không có việc Công ty Vinacomin ký hợp đồng mua bán, hợp đồng cho Công ty Thủ đô thuê nhưng ngày 5-10-2012, Nguyễn Thị Hồng Vân vẫn đưa ông Lập đến kho hàng tại Yên Viên để kiểm tra. Đối tượng hứa hẹn Công ty Thủ đô và Công ty Khoáng sản sẽ mua đồng kim loại của Công ty Thủ đô để bán cho Công ty Vulcan. 

Do tin tưởng vào những tài liệu do Nguyễn Thị Hồng cung cấp, cũng như được Hồng trực tiếp dẫn đi xem kho hàng nên ông Lập đã đồng ý thế chấp tài sản của gia đình (căn nhà ở ngõ 310, đường Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) và đề nghị ngân hàng giải ngân 8 tỷ đồng cho Công ty Thủ đô.

Sau khi nhận được 8 tỷ đồng, Phan Minh Đức, Giám đốc Công ty Thủ đô đã chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản của cháu ruột của Nguyễn Thị Hồng, là Đinh Thị Nhạn. Sau đó, Phan Minh Đức đã chuyển thêm cho Hồng 1,3 tỷ đồng.

Để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Hồ Trần Lập, Hồng còn có thủ đoạn rất tinh vi để qua mắt nạn nhân. Ngày 11-10-2012, Hồng đưa đại diện ngân hàng đến kho Yên Viên để xem đồng kim loại. Sau đó, Hồng đề nghị ngân hàng ký vào biên bản xác nhận hàng hóa (nội dung Công ty Thủ đô đã tập kết đủ 2.000 tấn đồng thành phẩm tại kho Yên Viên). 

Theo Hồng trình bày, mục đích là để các đối tượng trong và ngoài nước tin tưởng là phía Công ty Khoáng sản đã có hàng hóa và có căn cứ để phía ngân hàng bên Nga mở tín dụng thư. Sau đó, Hồng chuyển biên bản xác nhận hàng hóa này cho Công ty Thủ đô để Đức ký, đóng dấu, chuyển lại cho Hồng... 

Để hợp thức hóa số tiền hơn 6,3 tỷ đồng đã nhận của Đức, Hồng đã tự lập phiếu chi khống và nhiều lần đòi Đức hơn 1,6 tỷ đồng nhưng Đức khất lần. Đến năm 2014, Đức trả Hồng được thêm 300 triệu đồng, số còn lại thì đến nay chưa hoàn tất.

Bằng việc đưa ra những tài liệu, thông tin liên quan đến việc ký hợp đồng, xuất khẩu đồng với phía đối tác nước ngoài, với số tiền lớn và tạo dựng việc ngân hàng của nước ngoài bảo lãnh để tạo niềm tin, Hồng đã chiếm đoạt số tiền lớn của gia đình ông Lập. 

Với sự giúp sức của Đức đã gây thiệt hại về tài sản cho nạn nhân. Vụ án thêm một lần nữa là bài học cho các doanh nghiệp và cá nhân trong việc ký kết các hợp đồng làm ăn.

Minh Khoa- Xuân Mai
.
.
.