Cựu chủ tịch VN Pharma: Không nhớ. Không biết, không rõ…
- Triệu tập gần 200 người trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai vụ VN Pharma
- Công bố kết luận thanh tra vụ VN Pharma tại Cục Quản lý Dược
- Còn nhiều ẩn khuất trong vụ VN Pharma
- Những chuyện lạ ở phiên tòa phúc thẩm vụ án VN Pharma1
- HĐXX vụ VN Pharma: Bị cáo đẩy những bệnh nhân ung thư vào con đường cùng9
Gần 200 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập, tuy nhiên, theo điểm danh của thư ký phiên tòa, rất nhiều người vắng mặt, trong đó có ông Trương Quốc Cường (Thứ Trưởng Bộ Y tế).
Ra tòa cùng Nguyễn Minh Hùng còn có Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) cùng 10 bị đồng phạm khác cùng bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng giữa năm 2013, Hùng và Cường phối hợp mua thuốc H-Capita (dùng chữa một số loại ung thư). Do chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên Hùng đã chỉ đạo làm giả hồ sơ để đề nghị cấp phép. Tổng cộng đã có 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập về (chưa đưa ra thị trường). Tham gia vào quá trình này có nhiều người vi phạm ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên, Hùng và Cường bị xác định là chủ mưu.
Nguyễn Minh Hùng và các bị cáo tại tòa |
Chiều cùng ngày, HĐXX bắt đầu xét hỏi 12 bị cáo trong vụ buôn bán thuốc chống ung thư giả tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Chủ tọa phiên tòa làm rõ trách nhiệm vai trò của từng cá nhân trong vụ án. Bị cáo Hùng là người đầu tiên trả lời thẩm vấn. Với vai trò là Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc VN Pharma nhưng Hùng liên tục trả lời HĐXX ba không: không nhớ, không biết, không rõ…
Tuy nhiên ông Hùng thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo này trình bày Công ty VN Pharma thành lập vào ngày 25-10-2011, có trụ sở tại quận 10, TP.HCM với chức năng là kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc và các thiết bị y tế.
Các đồng phạm của Nguyễn Minh Hùng |
Trở lại vụ nhập lô thuốc H- Capita: “Trước đó, công ty bị cáo đã mua một lô thuốc nội có thành phần khá giống với thuốc H-Capita 500mg và số thuốc này được tiêu thụ rất nhanh nên bị cáo mới quyết định nhập lô thuốc H-Capita 500mg. Để được nhập khẩu thuốc ngoại vào Việt Nam thì cần xin giấy phép nhập khẩu thuốc và giấy phép lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cơ quan đủ thẩm quyền cấp những giấy trên là do Cục quản lý dược”, bị cáo Hùng khai.
Năm 2012, Võ Mạnh Cường (cùng bị truy tố với vai trò chủ mưu) biết công ty VN Pharma là công ty kinh doanh về dược nên tới công ty chào hàng. Và lô thuốc H-Capita 500mg cũng do Cường mời Công ty VN Pharma với giá 0,9 USD/viên.
“Bị cáo Cường cung cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita 500mg Caplet và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho công ty Helix Pharmaceuticals Inc là bản chính và được hợp thức hóa lãnh sự Việt Nam tại Canada. Đồng thời, bị cáo Cường cũng cung cấp thuốc mẫu, hình ảnh nhà máy tại Canada nên bị cáo hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, bị cáo không có căn cứ đối chiếu, kiểm định lại”, bị cáo Hùng thừa nhận.
Do phía đối tác Công ty Helix Canada cung cấp hồ sơ quá lâu nên Hùng bàn với Cường thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Lúc thuê dược sĩ Thông thì bị cáo không biết việc làm của mình là sai trái, tới phiên tòa phúc thẩm lần trước thì mới nhận thấy những sai phạm của mình. Khi xin giấy phép của Cục quản lý dược thì bị cáo không biết rõ quy định của pháp luật. Những thủ tục nhập khẩu thuốc thì sẽ có phòng nghiên cứu làm và do bị cáo quyết định.
Khi HĐXX đặt vấn đề tại sao Công ty Helix Canada là nhà sản xuất dược nhưng thiếu tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Bị cáo Hùng cho biết bản thân thiếu hiểu biết về luật Dược nên đã để xảy ra sơ sót trong quá trình làm hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu thuốc.
Cựu chủ tịch VN Pharma còn cho biết, khi thị trường có thông tin sản phẩm này không đạt chất lượng thì bị cáo đã yêu cầu dừng cung cấp sản phẩm ra thị thường, đồng thời gửi mẫu qua Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thuốc. Tuy nhiên, Viện Kiểm nghiệm trả lời do lô thuốc chưa có chất chuẩn nên không có căn cứ để kiểm nghiệm.
Cuối tháng 8/2017, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1. Các bị cáo bị truy tố tội danh “Buôn lậu” và “Làm giả giấy tờ”. Khi đó, bị cáo Hùng và Cường cùng nhận mức án 12 năm tù giam về tội “Buôn lậu”, các bị cáo còn lại nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) đến 5 năm tù.
Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10/2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án, yêu cầu điều tra xét xử lại.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 30/9.