Quyết “xoá sổ” xe quá tải bằng hệ thống cân tự động

Thứ Bảy, 13/11/2021, 10:00

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên phạm vi toàn quốc. Theo các chuyên gia, nếu hệ thống cân tự động được triển khai đồng bộ thì sẽ loại bỏ tiêu cực, góp phần công khai, minh bạch trong xử lý xe quá tải…

Ngày 12/11, thông tin từ Thanh tra giao thông (TTGT), Sở GTVT Hải Dương cho biết, đơn vị đang tiến hành các thủ tục theo quy định để xử lý trường hợp lái xe ôtô đầu kéo chở quá tải trọng, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng.

Cụ thể, vào ngày 11/11, Tổ công tác của TTGT Sở GTVT Hải Dương phát hiện xe ôtô đầu kéo BKS 98C-206.23 kéo theo rơ moóc BKS 98R-007.58 lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn qua xã Liên Hồng (TP Hải Dương) có dấu hiệu vi phạm tải trọng nên tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, khi dừng xe, tài xế lại không hợp tác, không xuất trình giấy tờ liên quan, đồng thời đóng cửa cabin và nằm ngủ. Tổ công tác phải cắt cử lực lượng trông giữ phương tiện từ đêm tới  sáng hôm sau.

Đến 7h cùng ngày, Tổ công tác phối hợp với lực lượng CSGT tiếp tục làm việc với lái xe. Mặc dù vậy, lái xe chỉ khai tên là Đạo và xuất trình một phiếu xuất kho của Công ty CP Xi măng Xuân Thành số 13660031525, loại hàng là xi măng PCB40 trọng lượng 50 kg/bao với số lượng 700 bao, tương đương với 35 tấn. Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong và đưa xe ôtô đầu kéo 98C-206.23 cùng toàn bộ hàng hoá về bãi tạm giữ do lái xe không hợp tác.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lợi dụng cơ quan chức năng phân tán lực lượng phòng, chống COVID-19, xe quá tải bùng phát trên nhiều tuyến đường trên địa bàn cả nước. Đặc biệt tại các địa phương có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, các cảng nhỏ, bến thủy nội địa. Tính riêng tháng 10/2021, lực lượng chức năng kiểm tra hơn 3.300 xe, trong đó có 335 xe vi phạm, tước hơn 80 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 2,5 tỉ đồng.

Thực tế, từ trước năm 2013, tình trạng xe chở hàng quá tải gia tăng, nhiều xe quá tải hơn 100%, có nhiều trường hợp vượt 250% khiến hệ thống đường bộ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, tai nạn giao thông gia tăng. Hệ lụy xe quá tải gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho xã hội và ngân sách Nhà nước do phải bỏ tiền ra để sửa chữa, xây dựng mới cầu đường. Từ tháng 4/2014 đến tháng 8/2016, khi liên Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%. Từ năm 2017, kế hoạch phối hợp kết thúc, xe quá tải bắt đầu tái diễn, xuất hiện nhiều trên các đoạn quốc lộ, đường bộ địa phương, một số đoạn đường cao tốc, khu vực có công trình xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản.

Trước thực trạng đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa vào thí điểm 2 bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78+830 trên QL5 vào hoạt động thí điểm kiểm soát tải trọng xe trên QL5. Chỉ sau một thời gian ngắn, số lượt xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn hơn 49 lần (từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%). Số lượt xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân gần 50 lần, từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 3,6 lượt xe/ngày. Đây là hệ thống cân tự động tốc độ cao đầu tiên của Việt Nam, có độ chính xác cao, ổn định, hệ thống cân không cần thao tác vận hành và can thiệp của con người, cho ra kết quả cân nhanh từ 3 - 15 giây và kiểm soát được 100% số lượt.

7-2.jpg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe.

Đặc biệt, hệ thống cân này sẽ loại bỏ được tình trạng tiêu cực. Lái xe, chủ xe không gặp được người trực tiếp xử lý do không có lực lượng chức năng không phải trực tiếp ra đường để dừng xe. Đặc biệt, phần mềm do nhiều đơn vị kiểm soát, không thể can thiệp nên không có chuyện can thiệp vào kết quả xử lý. Dữ liệu các xe vi phạm được truyền về phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục, đơn vị quản lý, vận hành trích xuất và chuyển kết quả cân đối với những xe vi phạm cho lực lượng chức năng “phạt nguội”.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục đang xây dựng đề án nhân rộng ra toàn quốc, trước mắt sẽ ưu tiên các tuyến quốc lộ trọng điểm có lưu lượng lớn xe quá tải với 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2022 - 2025), sẽ ưu tiên các đường cao tốc đang xây dựng như tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc có nhiều xe quá tải như Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Ninh Bình, Hải Phòng - Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các đoạn quốc lộ có nhiều xe tải lưu thông, như một số đoạn QL1, QL5, QL6, QL20, QL51, QL91, đường Hồ Chí Minh…

Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2035, sẽ triển khai trên các đoạn quốc lộ còn lại, đường cao tốc mới và các đoạn đường bộ nối khu vực cảng, kho bãi, mỏ vật liệu, mỏ quặng. Tại dự thảo trình Bộ GTVT về quản lý và hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe, trong đó nội dung chính là điều chỉnh trạm kiểm tra tải trọng xe tự động và trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, làm cơ sở pháp lý để thực hiện. Sẽ sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ đối với các trạm do các Cục quản lý đường bộ khu vực và các Sở GTVT đầu tư. Đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT sẽ do nhà đầu tư thực hiện và được tính toán vào phương án tài chính của dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đây là thiết bị hữu hiệu trong kiểm soát xe quá tải. Việc kiểm soát xe quá tải từ khi sử dụng cân xách tay, cân cố định và đến nay áp dụng công nghệ mới kiểm soát được các phương tiện chở quá tải ở tốc độ cao trên đường. Công nghệ cân tự động tốc độ cao giúp giảm tác động của con người, công khai minh bạch trong xử lý xe quá tải.

Nhật Uyên
.
.
.