Rừng ở Hoài Ân bị tàn phá nghiêm trọng

Thứ Ba, 20/10/2015, 18:54
Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Hoài Ân vô cùng bức xúc trước tình trạng nhiều cánh rừng ở 2 khu vực Đá Lếch (Trại Thành) và hố Bầu Lâu, xã Bok Tới được phân cấp chức năng phòng hộ và sản xuất bị nhiều đối tượng chặt phá để trồng rừng kinh tế.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Hoài Ân và chính quyền xã Bok Tới kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Đổ xô đi phá rừng

Qua thông tin phản ánh của người dân, trung tuần tháng 10/2015, PV đã có dịp “mục sở thị” tại khu vực rừng Đá Lếch thuộc khoảnh 4, tiểu khu 171 (xã Bok Tới) - điểm nóng về tình trạng rừng bị chặt phá trái phép. Tại đây, theo quan sát của chúng tôi, cả vùng rừng rộng hàng chục ngàn mét vuông đã bị phát rong. Nhiều loại cây rừng có đường kính 10 - 15 cm đều ngã rạp, nằm chỏng chơ dưới mặt đất.

Cách đó không xa, ở khu vực hố Bầu Lâu, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 171 nhiều cánh rừng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tất cả các loại cây rừng lớn, nhỏ đều bị đốn hạ không thương tiếc. Điều đáng nói, sau khi chặt phá, các đối tượng này đã nhanh tay xử lý thực bì và tiến hành trồng keo lai. Bằng mắt thường, PV ước tính khu vực rừng bị phá rộng hàng ngàn mét vuông. “Tôi không hiểu vì sao chuyện người dân đổ xô vào rừng chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra công khai, nhưng chính quyền địa phương lại không hay biết. Đến lúc xắn tay vào kiểm tra, rừng đã bị chặt phá sạch rồi”, một người dân ở xã Bok Tới, bức xúc nói.

Theo tìm hiểu, khu vực rừng bị phá do UBND xã Bok Tới quản lý. Đáng nói hơn, tình trạng phá rừng này đã diễn ra trong thời gian khá dài, song điều lạ, chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm huyện Hoài Ân đứng chân tại địa bàn lại không hay biết. Đến khi UBND tỉnh nhận được đơn khiếu nại của người dân địa phương phản ánh và có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các ngành chức năng liên quan vào cuộc kiểm tra thì thực trạng này mới tạm lắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Líp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bok Tới, cho biết: “Rừng ở khoảnh 2 và khoảnh 4, tiểu khu 171 bị một số đối tượng ở làng T5 chặt phá vào khoảng giữa tháng 7/2015. Qua tìm hiểu bước đầu, chúng tôi nhận thấy các đối tượng này phá rừng nhằm mục đích lấy đất trồng rừng kinh tế; đồng thời, lên kế hoạch dựng trại lập làng tại đây. Sau khi nắm thông tin, địa phương đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân cùng các cơ quan liên quan tiến hành xác minh, điều tra làm rõ các đối tượng có hành vi phá rừng để làm nương rẫy, kịp thời ngăn chặn không để phát sinh thêm”.

Rừng ở khoảnh 4, tiểu khu 171 đã bị các đối tượng phá rừng triệt hạ.

Sẽ xử lý nghiêm

Trước thực trạng rừng ở khu vực Đá Lếch và hố Bầu Lâu bị người dân chặt phá; ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Kiểm lâm huyện Hoài Ân cùng UBND xã Bok Tới vào cuộc kiểm tra, xử lý. Qua kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, đã có gần 3,5 ha rừng ở khoảnh 4, tiểu khu 171 bị chặt phá. Riêng ở khoảnh 2, tiểu khu 171 có 6.192m2 diện tích rừng bị triệt hạ, trong số này, có 4.650m2 đã được trồng keo trái phép.

“Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hoài Ân phải khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu các đơn vị này, phải cử lực lượng bám sát địa bàn, khoanh vùng những khu vực bị phá không để người dân sử dụng để trồng keo, bạch đàn hoặc sử dụng vào mục đích khác”, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cho biết.

Sau khi chặt phá rừng ở khoảnh 2, tiểu khu 171 đối tượng phá rừng tiến hành xử lý thực bì và trồng keo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Lộc, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, thông tin: đến nay, chúng tôi đã xác định được 2 đối tượng là Đinh Văn Láp và Đinh Văn Thìn (trú làng T5, xã Bok Tới). Đinh Văn Láp đã tham gia chặt phá rừng ở khoảnh 4, tiểu khu 171 với chức năng quy hoạch phòng hộ. Riêng Đinh Văn Thìn trực tiếp phá 6.192m2 rừng ở khoảnh 2, tiểu khu 171, rừng thuộc trạng thái IIA, phân cấp chức năng sản xuất. Sau đó, cho ông Lâm Khương (ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) thuê để trồng keo. Hiện nay, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật. “Ngoài đối tượng 2 đối tượng kể trên, bước đầu chúng tôi còn nắm bắt tham gia phá rừng ở tiểu khu còn có khoảng 50 - 60 đối tượng khác cũng có hành vi chặt phá rừng tại đây. Hiện tại địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập chứng cứ đầy đủ để xử lý theo pháp luật. Đầu tháng 11/2015, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm vụ việc này”, ông Lộc cho biết thêm.

Hoàng Nguyên
.
.
.