Di tích Chùa Cầu tiếp tục đối mặt với tình trạng ô nhiễm
- Lúng túng trùng tu di tích chùa Cầu Hội An
- Không cho quá 20 khách đi qua Chùa Cầu một lượt
- Giải cứu nước bẩn ở Chùa Cầu (Hội An)
Chùa Cầu là biểu tượng của Hội An, là di tích lịch sử thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, trải qua 4 thế kỷ cùng với tác động của con người và thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp từng ngày. Nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột ở phần thân cầu bị mục, nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt, cong vênh.
Mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc… xuống cấp trầm trọng. Hội An hiện đang thực hiện gia cố tạm tại các vị trí dưới đáy thân Chùa Cầu, kê giá gỗ chống đỡ để tránh nguy cơ đổ sập di tích, đồng thời điều tiết, hạn chế lượng khách tham quan mỗi lượt tại di tích Chùa Cầu để chờ phương án trùng tu tối ưu.
Đáng quan tâm, trong khi Chùa Cầu đang đối mặt mới tình trạng xuống cấp thì hiện nay di tích này cũng đang “nghẹt thở” khi phải hứng chịu ô nhiễm trầm trọng. Nhất là khi trời nắng nóng, dòng nước chảy qua dưới chân Chùa Cầu đen kịt, kèm theo một lượng rác thải, bốc mùi hôi thối.
Chị Nguyễn Thị Hà, người dân sống gần Chùa Cầu cho biết, thời gian gần đây, dòng nước chảy qua dưới chân Chùa Cầu đục màu, có chất nhờn, kèm theo một số lượng rác thải sinh hoạt và bốc mùi hôi rất khó chịu. Du khách đến tham quan Chùa Cầu hầu như ai cũng lắc đầu ngao ngán.
Tìm hiểu được biết, ngày 20-8-2014, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu.
Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Công ty Nihon Suido Consultant và Công ty CP Kỹ thuật môi trường và Xây dựng – Ceen là đơn vị tư vấn lập dự án; với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ yên Nhật. Trong đó, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỷ yên (khoảng 228 tỷ đồng), còn lại do TP Hội An đối ứng.
Ngày 1-11-2018, nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu chính thức đi vào hoạt động, với công suất xử lý 3.000-5.000m³/ngày đêm. Tuy nhiên, kênh nước chảy dưới chân Chùa Cầu chỉ hết mùi hôi được vài tháng thì nay lại tái diễn tình trạng ô nhiễm khiến du khách phải nín thở mỗi khi qua đây.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An khẳng định, ô nhiễm tại Chùa Cầu đã giảm được 80% so với trước đây. Nước ra khe Ồ Ồ (khe nước chảy dưới chân Chùa Cầu) có 3 vùng nước thải: khu Cẩm Hà, khu Tân An và khu Cẩm Phô.
Hiện nay 3 khu này đã được đưa vào thu gom và xử lý tại Nhà máy Cẩm Phô, công suất khoảng 3.200m³/ngày, đêm. Tuy nhiên, sau khu nhà máy vẫn còn một tuyến đường Phan Chu Trinh và khu vực xóm Dinh chưa có hệ thống thu gom, một lượng nước đổ xuống cống Phan Chu Trinh theo ra Chùa Cầu gây ô nhiễm.
Chính quyền Hội An đã lập phương án sắp tới sẽ xây dựng hố thu gom, bơm ngược lại nhà máy để xử lí. Hiện nay đang khảo sát, nếu bơm ngược được để xử lí sẽ chấm dứt luôn. Giờ chỉ xanh xanh, bợn bợn vì còn một lượng nước thải khoảng 100m³ ngày...
Ngoài việc kết nối chưa triệt để, ông Sơn cho biết thêm, một nguyên nhân khiến nước bốc mùi tại khu vực Chùa Cầu là do vừa rồi gặp sự cố.
Hệ thống thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải Cẩm Thanh bị bể đường ống khu vực trạm bơm Chùa Cầu do áp lực, do lâu năm nhựa bơm nhiều lần bị vỡ, nên buộc phải bơm áp lực bơm toàn bộ nước thải ra khe Chùa Cầu để sửa chữa thay ống inox nên nước khu vực dưới chân Chùa Cầu cũng bị đục, hôi thối.
“Bây giờ đã xử lí triệt để rồi, lượng nước bơm ra Chùa Cầu nằm tại hồ đó nên lí do vẫn hôi là vậy”, ông Sơn giải thích.