Vì sao tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 vẫn có thể tử vong?

Thứ Tư, 24/11/2021, 09:50

Những ngày gần đây số ca F0 ở TP Hồ Chí Minh liên tục tăng. Mỗi ngày thành phố đều có hơn 1.000 ca mắc mới được công bố, riêng ngày 22/11 số ca mắc mới là 1.547 trường hợp.

Số ca nhập viện vẫn cao hơn số ca xuất viện; số ca nặng, tử vong tăng; đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh nền, trên 50 tuổi. Ngày 17/11 có 42 ca tử vong, ngày 18/11 có 55 ca, ngày 19/11 có 42 ca, ngày 20/11 là 50 ca, ngày 21/11 có 59 ca tử vong…

tiem_vacxin_1-1637722474856.png
Nhân viên y tế cung cấp thuốc điều trị F0 tại nhà.

Về cấp độ dịch theo báo cáo kết quả đánh giá ngày 22/11 của UBND TP Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã ở cấp độ 2. Đối với cấp quận, huyện và TP Thủ Đức có 11/22 địa phương cấp độ 1 (quận 1, 4, 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi); 11/22 địa phương cấp độ 2 (quận 3, 5, 10, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè). Trong đó, có 2 quận tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 5, quận Phú Nhuận (cấp 1 lên cấp 2).

So với tuần trước, có 4 quận giảm cấp độ dịch là quận 11, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi (cấp 2 xuống cấp 1), huyện Cần Giờ (cấp 3 xuống cấp 2). Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn, có 150/312 địa phương ở cấp độ 1, 157/312 địa phương cấp độ 2, 5/312 địa phương cấp độ 3 (phường 15 và phường 13 thuộc quận 10; xã An Thới Đông và xã Bình Khánh thuộc huyện Cần Giờ; Thị trấn Nhà Bè). Số ca nhiễm, F0 nhập viện, tử vong tăng trong thời gian gần đây.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, từ ngày 19 - 21/11, TP Hồ Chí Minh có 151 trường hợp tử vong. Trong đó có 18 ca mắc bệnh nền, 75% trường hợp chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, xét đến yếu tố cộng đồng, khi số F0 tăng cao, khoảng 15% - 20% ca nhiễm sẽ có diễn tiến nặng, chủ yếu tập trung ở người cao tuổi hoặc có bệnh nền, trong đó 5% có nguy cơ tử vong. Sở Y tế khuyến cáo, mỗi người dân cần nêu cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Bộ Y tế xin cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir. Sáng 22/11, Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế thành phố trước 5.000 liều. Theo Chánh văn phòng Sở Y tế, hiện TP Hồ Chí Minh vẫn còn 2.000 liều Molnupiravir trong kho, một số cơ sở y tế tại địa phương vẫn còn dư số thuốc trên trong đơn vị. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển thuốc theo nhu cầu của TP Hồ Chí Minh. Liên quan đến kiến nghị của TP Hồ Chí Minh về rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7, Chánh văn phòng Sở Y tế thông tin, đề xuất này dựa trên cơ sở hơn 81% trường hợp tiêm đủ liều vaccine đều không có triệu chứng khi nhiễm COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính sau 7 ngày và những ngày tiếp theo.

“Việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ góp phần gia tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là giảm quá tải khu cách ly trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 của TP Hồ Chí Minh còn cao”, bà Mai cho biết. Tại TP Hồ Chí Minh còn có tình trạng người dân tự xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng không thông báo cho ngành y tế, người dân bị F0 liên hệ nhưng y tế phường không đến. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm lý giải, do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân sự; đường dây nóng hoạt động chưa được thông suốt nên đã có tình trạng này xảy ra. Sở Y tế đã chấn chỉnh kịp thời và hỗ trợ các địa phương tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động để tiếp cận F0 nhanh nhất có thể.

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cũng cho biết, không phải tất cả F0 đều được cấp phát các túi thuốc, chỉ người có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thì được cấp túi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không được cấp thuốc thì F0 vẫn có quyền lợi khác nếu khai báo cho ngành y tế, ví dụ như người bệnh được chăm sóc và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm; F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền...

Bất kỳ sự chủ quan, lơ là nào đều đem đến những nguy cơ. Do vậy, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, nhất là biện pháp 5K.     

Nguyễn Cảnh
.
.
.