Số ca tử vong do COVID-19 giảm, đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Thứ Bảy, 25/09/2021, 07:35

Để giảm số ca tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của mô hình bệnh viện đa tầng. Đặc biệt, việc tập trung mô hình này trong một khu vực không những giúp đỡ bệnh viện tuyến dưới trong công tác huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực điều trị, mà còn rút ngắn việc vận chuyển bệnh nhân chuyển nặng được nhanh chóng, kịp thời...

Trong 3 tuần trở lại đây, số ca tử vong do COVID-19 ở nước ta có xu hướng đi xuống, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh từ hơn 300 ca tử vong một ngày đã giảm xuống còn hơn 200 ca và ngày 24/9 còn 140 ca. Đây là kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ trong điều trị thời gian qua, đặc biệt là lập các trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 tại nhà để người bệnh nhẹ, không triệu chứng không chuyển nặng; nỗ lực kiểm soát ở tầng điều trị 1, 2 để bệnh nhân không chuyển nặng, nguy kịch; cũng như sự hết mình cứu chữa người bệnh nguy kịch vượt qua "cửa tử" của các thầy thuốc ở tầng điều trị cao nhất.

Hiệu quả từ mô hình điều trị đa tầng

Nếu như trong tháng 8, số ca tử vong ở nước ta thường trên 300 ca/ngày, như ngày 20/8 có 390 ca (TP Hồ Chí Minh có 312 ca); ngày 31/8 là 440 ca thì sang giữa tháng 9, số ca tử vong đã giảm hơn. Ngày 1/9 cả nước có 364 ca tử vong; ngày 3/9 có 338 ca (TP Hồ Chí Minh có 250 ca). Khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca tử vong tại các tỉnh đang bùng phát dịch giảm, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh. Theo Bộ Y tế, ngày 24/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên trang cdc.kcb.cn ghi nhận 230 ca tử vong, trong đó TP Hồ Chí Minh có 140 ca, Bình Dương 30 ca, Đồng Nai 15 ca… Tính đến hết ngày 21/9, Việt Nam đã có tổng số 17.545 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Số ca tử vong do COVID-19 giảm, đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” -0
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hùng.

Làm việc với Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện dã chiến số 16 (do Bệnh viện Hùng Vương phụ trách) và Trạm Y tế lưu động tại phường 11, quận Phú Nhuận vào sáng 22/9, Đoàn Công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh nhận định, có nhiều tín hiệu khả quan trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện dã chiến số 16 cho biết, hiện hai bệnh viện đang điều trị cho gần 1.200 bệnh nhân, trong đó tại Trung tâm Hồi sức tích cực của Bạch Mai có 360 bệnh nhân nặng, tại Bệnh viện dã chiến số 16 có hơn 800 bệnh nhân, chủ yếu là sản phụ mắc COVID-19, với khoảng 20 - 30 sản phụ nhập viện/ngày.

PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết, công tác điều trị tuần qua đã có những tín hiệu khả quan với số lượng bệnh nhân tử vong giảm. Đây là tầng điều trị cao nhất trong tháp 3 tầng của TP Hồ Chí Minh, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch từ các bệnh viện dã chiến tầng 2 chuyển lên.

Tương tự, Bệnh viện Hùng Vương khi tiếp quản điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng cao nhất cho các thai phụ, trung bình một ngày có 100 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện. Còn tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức cũng đã điều trị cho khoảng hơn 800 bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình và nặng. Trong đó, đã có hơn 300 bệnh nhân xuất viện, khoảng 250 bệnh nhân đang được điều trị tích cực với con số nguy kịch luôn giao động từ 30 - 40 ca. Trung tâm có khoảng 100 ca đã cai được oxy và khoảng 50 bệnh nhân đang chờ các xét nghiệm để đủ điều kiện ra viện. BS Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, tới nay tỷ lệ tử vong đã giảm, số bệnh nhân ra viện cũng nhiều.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Có lẽ, tới thời điểm này chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống. Để đạt được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố, của ngành y tế nói chung thì sự nỗ lực của các thầy thuốc trong các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở tầng 2 là hết sức quan trọng".

Để giảm số ca tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của mô hình bệnh viện đa tầng. Đặc biệt, việc tập trung mô hình này trong một khu vực không những giúp đỡ bệnh viện tuyến dưới trong công tác huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực điều trị, mà còn rút ngắn việc vận chuyển bệnh nhân chuyển nặng được nhanh chóng, kịp thời. Ở tầng 2, các bác sĩ đã được "cầm tay chỉ việc" từ các chuyên gia, kết nối khám, chữa bệnh từ xa để học hỏi kinh nghiệm, đào tạo chẩn đoán sớm các dấu hiệu nặng của bệnh nhân COVID-19, có can thiệp và chuyển tuyến kịp thời. Nhờ đó, nhiều ca bệnh đã không bị chuyển biến nặng và nguy kịch, giảm được tỷ lệ tử vong.

Hy vọng lớn từ điều trị F0 tại nhà

Vào thời điểm dịch bùng phát mạnh ở tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều F0 ở TP Hồ Chí Minh đã rơi vào tuyệt vọng khi gọi xe cứu thương không được, hoặc gọi đến trạm y tế phường cũng không có nhân viên đến nhà. Bệnh nhân chỉ còn cách tự cách ly tại nhà, cầu cứu bác sĩ online hướng dẫn uống thuốc, một số người được các nhóm thiện cung cấp bình oxy, nhưng nhiều người diễn biến nặng nhanh đã tử vong hoặc tử vong trên đường đến viện. Để giảm tải cho các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến, chiến lược điều trị F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà đã được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, đã mang lại tín hiệu khả quan.

Số ca tử vong do COVID-19 giảm, đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” -0
Điều trị cho các bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức (TP Hồ Chí Minh).

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thành lập 440 Trạm y tế lưu động và cung cấp gói thuốc an sinh cho các F0 điều trị tại nhà. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế quân y đã chi viện cho TP Hồ Chí Minh, đến làm việc tại các trạm y tế lưu động này. Nhờ có đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và tình nguyện viên, rất nhiều bệnh nhân F0 điều trị tại nhà đã được theo dõi và điều trị khỏi bệnh; bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc có bệnh nền được kịp thời chuyển đến các cơ sở điều trị COVID-19.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh triển khai chăm sóc F0 tại nhà bằng mô hình kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu ngoại viện, việc làm này đã củng cố tinh thần, đáp ứng y tế, giúp mỗi F0 an tâm vượt đại dịch. Song song với mô hình trạm y tế lưu động của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai mô hình "Chăm sóc F0 tại cộng đồng" do Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đề xuất, bước đầu đã có những kết quả khả quan tại quận 10, quận 8…

Hai "nguyên tắc vàng" mà mô hình hướng đến là đưa F0 ra khỏi nhà khi có chuyển biến xấu và cấp cứu kịp thời nhất. Cá nhân mỗi F0 được kết nối thường xuyên để thực hiện linh hoạt nhiều biện pháp tư vấn, chăm sóc một cách toàn diện. PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, phụ trách mô hình cho biết: F0 ở nhà thường có tâm lý lo lắng không biết nên làm gì khi bệnh chuyển nặng. Mô hình bao gồm 2 đội. Đội 1 chăm sóc trực tuyến qua điện thoại, online. Đội 2 cấp cứu ngoại viện. Cả hai đội có mối quan hệ khăng khít nhau. Khi những nhân viên chăm sóc qua điện thoại phát hiện yếu tố nguy cơ trở nặng của F0 nào đó tại nhà thì sẽ lập tức báo đến đội cấp cứu ngoại viện. Đội cấp cứu chia ra thành các nhóm với 3 xe cấp cứu được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết. Khi nhận được thông tin ca F0 oxy tụt, khó thở… từ đội 1, thì đội 2 lập tức cho xe xuất phát đến nhà để đón F0 tới Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận 8 số 1 sơ cấp cứu ngay.

Nhờ mô hình này và mô hình trạm y tế lưu động đã góp phần rất lớn trong công tác điều trị, chăm sóc F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh, giảm các ca bệnh nặng, kéo theo giảm tử vong.

Phạm Việt Hùng (Học viện CSND)
.
.
.