Sau Tết, nhiều cơ sở khám bệnh chật như nêm

Thứ Bảy, 04/02/2023, 10:08

Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, các bệnh viện của Hà Nội và bệnh viện tuyến trung ương, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đều tăng mạnh.

Ngoài các bệnh hay gặp vào mùa xuân như cúm, thuỷ đậu… còn có bệnh viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính do thời tiết giá rét kéo dài, đặc biệt là nhiều người mắc các bệnh mãn tính do ăn uống "quá tải" trong những ngày Tết khiến cơ thể mệt mỏi, huyết áp, tim mạch bất ổn đã phải đến viện.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Tim Hà Nội vào sáng 3/2, bệnh nhân đến khám rất đông. Tại khu vực làm thủ tục khám và lấy máu, các ghế ngồi chật kín, nhiều bệnh nhân phải đứng. Hơn 9h sáng, số khám bệnh ở đây đã lên tới hơn 300. Theo các bác sĩ, sau kỳ nghỉ Tết, người dân bắt đầu trở lại Hà Nội học tập và làm việc, người bệnh ở các tỉnh lên thăm khám cũng tăng. Người dân đến khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội chủ yếu là các bệnh về tim mạch, khám bệnh mãn tính theo BHYT.

4-4.jpg -0
Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Bà Phạm Thị Hoa (72 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đi từ 7h sáng tới khám cho biết: "Sau nghỉ Tết, tôi thấy mệt mỏi, hay chóng mặt, hay khát nước, lo lắng nên sáng nay con chở đến đây khám". Sau khi thăm khám lâm sàng, bà Hoa được bác sĩ chỉ định đi xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tim. "Chưa có kết quả nhưng tôi vốn mỡ máu cao, chắc Tết ăn uống thả phanh nên chỉ số có thể cao hơn. Vừa rồi đo huyết áp thì bác sĩ bảo cao", bà Hoa cho biết.

Anh Bùi Minh Hải (Tây Hồ, Hà Nội) bị ho, hắt hơi, sổ mũi 4 ngày không đỡ đến khám cho biết: "Từ sáng viện đã rất đông, tôi xét nghiệm máu mà phải chiều mới có kết quả". Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài đến khám tim mạch và bệnh mãn tính là chủ yếu, nhiều người đến khám có kết quả nhiễm cúm A và B.

Tại Bệnh viện Đức Giang và Thanh Nhàn, bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị sau Tết đều tăng. Bà Phạm Thị Mùi (65 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai) đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám cho biết: "Tôi đau đầu, nhức mỏi người, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, nghĩ bị cúm nên tự ở nhà điều trị. Sau vài ngày thi ho khan, càng lúc càng nặng, mỗi lần ho đau quặn bụng. Hôm nay đến khám, chụp Xquang tim phổi, kết quả bị viêm phế quản". Bà Mùi được kê đơn kháng sinh và điều trị ngoại trú.

Còn Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chỉ trong 3 ngày sau Tết, ghi nhận 3.000 người tới khám, chủ yếu là bệnh huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, gan mật, gút. BS Phí Hải Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết, sở dĩ nhiều người đến khám là bởi sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo, ít chất xơ, ít vận động dẫn tới tăng cân, làm gia tăng các bệnh rối loạn chuyển hoá, tim mạch. Đặc biệt, dịp Tết cũng khiến nhiều người sử dụng rượu bia nhiều dẫn đến các bệnh về đường tiêu hoá như chảy máu dạ dày, viêm loét dạ dày, tăng men gan…

Rét kéo dài qua Tết, đặc biệt có thời điểm lạnh sâu vào trước Tết dẫn tới nhiều người bị đột quỵ, tim mạch, đặc biệt là người già khi nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân đến khám và điều trị tăng khoảng 30% so với thời điểm trước Tết. Theo bác sĩ Phan Việt Sinh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, nguyên nhân là do những ngày Tết, sự quản lý theo dõi, chăm sóc người bệnh cao tuổi của gia đình và của chính người bệnh cũng bị lơ là, không thường xuyên và chặt chẽ như ngày thường. Người bệnh cao tuổi tham gia nhiều hoạt động vui vẻ cùng con cháu, nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ dẫn tới bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch… dễ trở nặng đột ngột.

Đặc biệt, thời tiết thất thường, nhiều đợt lạnh sâu khiến người già có bệnh nền và trẻ nhỏ khó thích nghi, dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là những người có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì dễ viêm phổi nặng, nguy kịch.

Thời tiết lạnh cũng làm gia tăng các ca đột quỵ. Chỉ riêng 7 ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Bạch Mai đã có 1.816 lượt người vào viện, tăng cao gấp 2 lần so với cùng kỳ các năm trước, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ nặng. Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trời lạnh là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Cùng với thời tiết, dịp Tết nhiều người lười vận động, tập thể thao hơn, ăn uống mất kiểm soát hơn, đây cũng là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, mùa xuân là mùa phấn hoa phát tán, nấm mốc phát triển, các vi sinh vật gây bệnh cũng tăng số lượng do thời tiết nồm ẩm, gây ra rất nhiều bệnh như: Bệnh đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, thuỷ đậu… nên người có cơ địa dị ứng và tiền sử mắc các bệnh về hô hấp phải cẩn trọng để không mắc bệnh. Đặc biệt, ra Tết, các lễ hội kéo dài, mọi người đi du xuân phải chú ý trong ăn uống để tránh ngộ độc thực phẩm; uống rượu phải xem nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tránh uống phải rượu rởm gây ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.

Với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, BS Phí Hải Anh khuyến cáo, cần đi khám định kỳ theo lịch hẹn, kịp thời phát hiện những bất thường để điều trị, tránh chuyển biến nặng.

Trần Hằng
.
.
.