Quyền bệnh nhân trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thứ Hai, 24/10/2022, 11:50

Nhiều nội dung của Dự thảo Luật đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi và chỉnh lý, bổ sung như hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân, hành vi đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Đáng chú ý là việc quy định và bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh ...

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, sau đó thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Nghiêm cấm thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng và chính sách phát triển hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung chính sách thu hút nhân tài cho ngành y. “Dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân, hành vi đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền” – Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho biết.

Làm thế nào để người bệnh không mang ngoại tệ ra nước ngoài chữa bệnh -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng dự thảo Luật đã có quy định cấm các hành vi nhằm mục đích trục lợi trong khám bệnh, chữa bệnh tại khoản 12 Điều 7. Trong đó bao gồm cả hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi. Quy định người đại diện, người đến thăm hoặc người chăm sóc của người bệnh phải chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 17 của dự thảo Luật. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng đã quy định cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.

Dự thảo dự án Luật cũng quy định rõ các hình thức xã hội hóa. Đặc biệt, chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết…

Kiến nghị bổ sung quy định tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn. Trong khi đó, nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị. Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập.

"Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì điều kiện thiết bị hiện đại hơn. Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh và hy vọng những bất cập về cơ chế quản lý trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này.

Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi một số nội dung, bao gồm quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng cho hay, hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Làm thế nào để người bệnh không mang ngoại tệ ra nước ngoài chữa bệnh -0
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp.

Liên quan đến quy định về tự chủ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết, trong 121 Điều nhưng cụm từ “tự chủ” chỉ được đề cập một lần tại Điều 106, đó là chi của ngân sách cho tự chủ, trong khi đó vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu cho rằng cần có một chương, một mục riêng về cơ chế tự chủ, bởi tự chủ giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng chúng ta nên quy định theo hướng y tế công lập là y tế nền tảng để chăm lo cho người yếu thế; y tế ngoài công lập là động lực để phát triển ngành y tế.

Cần bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Điều 108 của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh để đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, khả thi theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương trên cơ sở nghiên cứu thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh như về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo… Vì vậy, đại biểu cho rằng, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân cần được thực hiện theo quy quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất.

Làm thế nào để người bệnh không mang ngoại tệ ra nước ngoài chữa bệnh -0
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu tại phiên họp.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, cần tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho bệnh nhân.

Về quyền của người bệnh được quy định tại Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Bình Phước) đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần. Thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh như quy định tại Khoản 1, Khoản 2.

Phương Thuỷ
.
.
.