Nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng
Cúm trái mùa, sốt xuất huyết gia tăng khi chưa vào mùa dịch, tay chân miệng cũng vào mùa sớm so với mọi năm.
Theo chuyên gia dịch tễ, người dân nên bỏ suy nghĩ rằng sốt xuất huyết diễn biến theo chu kỳ bởi nó không còn phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Nếu cứ giữ nguyên nếp nghĩ dịch sốt xuất huyết diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm, sẽ rất chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Điển hình là năm 2022 và 2023 đều là những năm có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao trong lịch sử ở Hà Nội.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bé trai 19 tháng tuổi ở Bắc Kạn trong tình trạng sốt cao liên tục. Trước khi nhập viện, bé trai đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, được làm xét nghiệm mắc cúm B. Tuy nhiên, điều trị 5 ngày ở tuyến dưới không đỡ, bệnh nhi ho và mệt nhiều, đi ngoài phân lỏng, có dấu hiệu suy hô hấp nên được chuyển tuyến lên Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Cháu bé được chẩn đoán viêm phổi nặng, cúm B, nhiễm khuẩn huyết, tuy nhập viện nhưng vẫn sốt cao liên tục, mệt tăng dần, phải thở oxy dòng cao. Kết quả xét nghiệm và cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm B có biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Thông thường, cúm thường gặp vào mùa đông xuân, nhưng hiện đã là mùa hè, vẫn gặp nhiều ca cúm trái mùa, thậm chí biến chứng tăng nặng.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba (Hà Nội), từ đầu năm đến nay tiếp nhận hơn 1.300 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm A và cúm B. Riêng tại Khoa Nhi, thời gian gần đây ghi nhận khoảng 50 ca mắc cúm/tuần. Không ít trẻ khi vào nhập viện đã bị biến chứng viêm phổi.
ThS.BS Chu Thị Thu Hà, Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba cho biết, nguyên nhân xuất hiện cúm trái mùa là do có sự cộng hưởng của tình trạng “nợ miễn dịch” sau thời gian trẻ ở trong nhà, giảm tiếp xúc với bên ngoài khi xảy ra đại dịch COVID-19 trước đó. Bên cạnh đó, có khả năng xuất hiện các biến thể mới của cúm. Thông thường, bệnh cúm diễn biến lành tính, nhưng với trẻ có sức đề kháng kém, có sẵn bệnh nền, khi nhiễm cúm dễ bị nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp.
Cùng gia tăng sớm là sốt xuất huyết. Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, ca mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26-27 (tháng 7 đến tháng 11). Tuy nhiên, tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 690 ca bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong khi đó, năm 2023, Hà Nội có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Còn trên toàn quốc, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại nhiều tỉnh, TP với số trường hợp mắc hằng năm hơn 100.000 người với nhiều ca tử vong. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 22 nghìn ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong.
TS Dũng cho biết, dự báo số ca mắc năm nay khó giảm hơn so với năm 2023 do thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, khả năng trên 90% là hiện tượng EINino sẽ kéo dài đến tháng 3/2024, sau đó giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6/2024. Điều này gây nên tình trạng nắng nóng và khô hạn gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Qua theo dõi các năm nhận thấy, những năm có hiện tượng EINino thì đều là những năm có ca mắc sốt xuất huyết cao. Cho tới thời điểm hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết còn cao hơn cả năm ngoái.
Nhiều năm nay Hà Nội luôn là địa phương có dịch sốt xuất huyết lưu hành cao. Nguyên nhân do Thủ đô có nhiều công trình xây dựng, đô thị hoá ngày một tăng, giao lưu đi lại nhiều, các khu trọ ở nội thành và ven nội đô rất lớn, nhiều lán trại tập trung khó kiểm soát, nhiều khu đất bỏ hoang chứa phế thải đọng nước không được xử lý đã tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết năm nay của Thủ đô vẫn có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Những năm trước, nhiều khu thuê trọ là nơi làm lây lan, bùng phát sốt xuất huyết. Việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hoá chất tại nhiều nơi còn khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, khiến dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, cả nước chuẩn bị bước vào cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dự báo số ca mắc và tử vong tiếp tục gia tăng nếu không chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, kêu gọi người dân tạo thói quen diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà hằng tuần, kể cả cơ quan, xí nghiệp, trường học…