COVID-19 phá mọi kỷ lục ở châu Âu và Mỹ, Việt Nam thêm 6 ca nhiễm
- Thêm 4 ca mới, Việt Nam ghi nhận 91 trường hợp mắc COVID-19
- 96 bệnh nhân tại khoa Truyền nhiễm là F2 của hai điều dưỡng nhiễm COVID-19
- 5 người tiếp xúc gần BN35 dương tính COVID-19 trốn cách ly "về nhà"
Ngày 20/3, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), nâng tổng số ca nhiễm lên 91. Hai ca đầu tiên được thông báo buổi chiều là bệnh nhân 86 và 87, nữ điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Thống kê sơ bộ tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Đồ hoạ: Bộ Y tế |
Bệnh nhân số 86, 54 tuổi, trở về sau kỳ nghỉ ở Côn Đảo bằng máy bay. Bệnh nhân 87 làm công tác tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân 87 có nhiều lần tiếp xúc gần với bệnh nhân 86.
Bốn ca được thông báo vào buổi tối gồm bệnh nhân 88 trú tại Hà Đông, Hà Nội, nữ du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 12/3, nhập viện ngày 16/3. Bệnh nhân 89 và 90 cùng là nữ, trú tại quận 7 và quận Bình Thạnh, TP HCM. Trở về Việt Nam từ Mỹ và Tây Ban Nha trên máy bay ngày 17 và 16/3.
Bệnh nhân 91 là nam, quốc tịch Anh, 43 tuổi, trú tại Quận 2, TP HCM. Người này làm phi công Vietnam Airlines, song ngồi ghế hành khách ngày 8/2 trên máy bay từ London tới Việt Nam. Bệnh nhân 91 từng điều khiển máy bay đi Hà Nội và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí.
Các ca mới đưa số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở Hà Nội lên 27, nhiều nhất cả nước. Địa phương tiếp theo là TP HCM với 17 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 với công dân tại sân bay Nội Bài. |
Ngoài 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn một). Bệnh nhân số 18, nam, 27 tuổi, từ Hàn Quốc về nước hôm 4/3 và phát hiện dương tính với COVID-19 hôm 7/3, đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trong 75 bệnh nhân giai đoạn hai xuất viện.
Bên cạnh số 18, đã có gần 10 bệnh nhân đợt hai có kết quả âm tính với COVID-19 lần một, trong đó có bệnh nhân 17. Tuy nhiên bác của bệnh nhân 17, bệnh nhân nữ 64 tuổi, hiện đang tình trạng nặng và đã phải sử dụng ECMO - thiết bị tim phổi nhân tạo.
Số liệu của Bộ Y tế cũng cho biết, tính đến hết ngày 20/3, tổng số trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 đã loại trừ là 6.948. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 196. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.050, trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 25.140 người. Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 15.637. |
Trước tình hình trên, Việt Nam đã ban bố nhiều chính sách quyết liệt ngăn dịch bệnh lan rộng, gồm việc cơ bản dừng các đường bay đón khách nước ngoài để hạn chế tối đa khách vào Việt Nam. Tất cả người vào Việt Nam phải cách ly 100%.
Trong khi đó, thế giới 24h qua chứng kiến mức tăng số ca nhiễm COVID-19 mới kỷ lục với khoảng 30.000 ca, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ, nâng tổng số ca toàn cầu lên 275.541 với 11.385 trường hợp tử vong. Dịch xuất hiện ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số nước có trên 1.000 ca nhiễm bệnh là 18.
Số ca nhiễm COVID-19 mới trên thế giới tăng ngày càng nhanh. Ảnh chụp màn hình Worldometer |
Italia phá kỷ lục về số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 trong ngày khi ghi nhận thêm tới 5.986 ca bệnh và 627 người thiệt mạng. Tổng số người nhiễm COVID-19 ở Italia là 47.021, số người tử vong là 4.032.
Tây Ban Nha có thêm 3.433 ca nhiễm mới, Đức thêm 4.528 ca, Pháp thêm 1.617 ca và lần lượt 262, 24, 78 trường hợp thiệt mạng. Mỹ ghi nhận 5.604 người nhiễm mới và 49 người chết vì dịch, mức cao nhất từ khi dịch khởi phát, đẩy tổng số bệnh nhân tại nước này lên 19.393 với 256 ca tử vong.
Iran, ổ dịch Trung Đông, xét nghiệm được 1.237 người dương tính với COVID-19, nâng tổng số người bệnh lên 19.644, với 1.433 ca tử vong. Iran hiện đứng sau Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha và Đức về số ca nhiễm phát hiện.
Trong khi đó, Trung Quốc, nơi dịch khởi phát, chứng kiến thêm 44 ca nhiễm mới, hầu hết là người trở về từ nước ngoài. Hàn Quốc có thêm 87 ca nhiễm và đang nỗ lực xoá bỏ nguy cơ xuất hiện thêm các ổ dịch mới.