Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19

Chủ Nhật, 23/02/2020, 07:21
Hơn 1 tuần Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, 15/16 trường hợp khỏi bệnh, chưa có trường hợp lây nhiễm cho nhân viên y tế.


Kết quả này do chúng ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt dịch, chống dịch nhưng vẫn không quên phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dự báo dịch COVID-19 ở thời điểm này rất khó, phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch của Trung Quốc và thế giới.

Phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế về những đáp ứng và các giải pháp của Việt Nam khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát rất mạnh cả bên ngoài Trung Quốc lục địa.

PV: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam đánh giá Việt Nam xử lý dịch bệnh COVID-19 rất tốt, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: WHO đánh giá dựa trên các tiêu chí của Điều lệ Y tế quốc tế năm 2005 về đáp ứng của các quốc gia với dịch bệnh mới nổi. Họ đánh giá trên 19 tiêu chí của Điều lệ, đấy là cơ sở khoa học. WHO theo dõi rất sát về phòng chống dịch của Việt Nam, không chỉ tiêu chí về chuyên môn, mà còn cả tiêu chí đáp ứng của Chính phủ, của các ban ngành và truyền thông.

Họ có so sánh với các nước có điều kiện như của Việt Nam, nhưng chúng ta đã đáp ứng được năng lực trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp. Tôi vẫn nói rằng trong vòng 24h dịch bệnh có thể đi từ nơi xa xôi nhất đến Việt Nam và ngược lại. Đây mình với Trung Quốc lại rất gần, có nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam làm việc, sinh sống và ngược lại, giao thương rất lớn.

Trong lúc này Việt Nam làm rất tốt, với biểu hiện là đang kiểm soát được. Cụ thể trong thời gian vừa qua chỉ có các xâm nhập, còn các ca lây lan trong cộng đồng cũng chỉ trong phạm vi hẹp và chủ yếu lây từ ca xâm nhập. Tôi hy vọng mình tiếp tục duy trì tình hình này trong thời gian tới.

PV: Bộ Y tế được đánh giá cao trong công tác truyền thông, giúp người dân bớt hoang mang, hạn chế giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội. Theo ông, đây có phải là điều kiện tiên quyết trong chống dịch?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta đã truyền thông sớm dựa trên minh bạch thông tin ngay từ đầu, điều này Bộ Y tế làm rất tốt. Nội dung tuyên truyền hướng vào cung cấp kiến thức cho chính quyền, cho người dân, cho các ban, ngành để hiểu đúng về bệnh, hiểu đúng về cách đáp ứng. Bộ Y tế đã thực hiện các kỹ năng, giải pháp về truyền thông trên các báo, mở ra truyền thông dựa trên công nghệ thông tin như mở trang web, mở các App trên điện thoại, Zalo và truyền thông tại cộng đồng ở các tỉnh, thành.

Việc truyền thông được thực hiện rất rõ ràng, rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, không dài dòng như dưới dạng áp phích, đặc biệt cập nhật thông tin về dịch bệnh liên tục, vài tiếng lại có thông tin mới, về đáp ứng của Chính phủ, của Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta tăng cường truyền thông bác bỏ lại các thông tin trái chiều không chính xác, hoặc kịp thời đưa thông tin về những thành tựu, những hành động không tốt xảy ra trong mùa dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Tôi cho rằng đến hôm nay, truyền thông đã đi đúng hướng, tạo niềm tin cho nhân dân đối với Chính phủ và đối với hoạt động chống dịch. Điều này rất quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về kinh tế, xã hội. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh do COVID-19 mới đây cũng yêu cầu làm truyền thông cho người dân hiểu rõ về vấn đề du lịch tại Việt Nam an toàn, giáo dục an toàn để du khách và người dân yên tâm.

Điều này xuất phát từ thực tế khi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, từ khâu nhập cảnh, cách ly và điều trị. Việt Nam là điểm đến an toàn, du khách nếu đã đủ điều kiện vào Việt Nam thì hoàn toàn yên tâm.

PV: So với các mùa dịch trước, sự vào cuộc lần này của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Từ trước đến nay, chúng ta trải qua nhiều lần dịch bệnh, có địa phương bỏ mặc y tế. Nhưng dịch COVID-19 lần này, chúng ta huy động mạnh nhất sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cấp ủy Đảng, đây là cái khác nhất so với các mùa dịch trước. Chưa bao giờ và cũng chưa có đợt dịch bệnh nào chúng ta làm được quyết liệt như lần này.

Đến nay, sự vào cuộc của các Bộ ngành, chính quyền các địa phương rất quyết liệt. Tình hình dịch bệnh đến đâu, chúng ta có những đáp ứng bằng cách khôn ngoan đến đó. Chúng ta đáp ứng tốt nhưng không ảnh hưởng đến hệ lụy kinh tế, an ninh chính trị và an ninh xã hội. Trong kịch bản ứng phó phải quyết liệt thì mới thành công được.

PV: Như ông nói, dịch đến đâu chúng ta đáp ứng đến đó, vậy lần này có phải do chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm ứng phó từ các vụ dịch trước nên có kịch bản hoàn hảo nhất hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Công tác chống dịch lần này chúng ta làm mạnh mẽ, làm tổng thể nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, chúng ta còn gặp khó khăn, đó là việc đi lại, giao thương lớn. Nếu chống dịch mà không ổn định kinh tế, không ổn định an ninh xã hội thì không được. Để đạt được hai điều đó, phải hài hòa thế nào?

Ngày xưa chúng ta chống dịch SARS, việc giao lưu thương mại, du lịch, học tập giữa ta với Trung Quốc chưa nhiều thế này. Hơn nữa, mạng xã hội rất tốt, nhưng những thông tin trên mạng xã hội không đúng lại lan truyền rất nhanh, nếu lan truyền theo cái không tốt, hậu quả rất lớn. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân giờ lớn hơn rất nhiều, do vậy chúng ta phải đáp ứng khác trước.

Tôi cho rằng thuận lợi nhiều hơn, khó khăn thì mình phải khắc phục. Lần này chúng ta có được kinh nghiệm của các mùa dịch trước để vào cuộc một cách bài bản, chuẩn xác hơn. Từ chống dịch SARS chúng ta có kinh nghiệm về phòng chống nhiễm khuẩn, về điều trị, điều tra ca bệnh; dịch cúm A/H7N1 chúng ta có kinh nghiệm huy động chính quyền ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ biên giới; dịch cúm A/H1N1 chúng ta có kinh nghiệm trong giám sát, đối phó với truyền thông… Không có cái nào giống cái nào, rõ ràng sau này học tập, tích lũy kinh nghiệm của các mùa dịch trước. Lần này kịch bản hoàn hảo nhất trong tất cả các lần dịch. 

PV: Ông đánh giá thế nào về ổ dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc đến thời điểm này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hơn 1 tuần qua, ổ dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc không có ca mới. Vĩnh Phúc làm tốt không chỉ mỗi chuyện cách ly không cho virus phát tán ra cộng đồng, mà còn làm tốt cả công tác khử khuẩn, phòng bệnh. Có thể nói, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm soát được dịch bệnh.

PV: Như vậy, chúng ta có thể lạc quan với tình hình hiện tại không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đánh giá lớn nhất trong thời gian vừa qua là chúng ta thành công khống chế và kiểm soát được dịch bệnh, vì so sánh với nhiều nước có điều kiện kinh tế như Việt Nam, nhưng có số ca mắc tăng cao hơn nhiều. Nếu nói lạc quan là chưa đúng, bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, của thế giới có khống chế được hay không.

Nếu Trung Quốc không kiểm soát được dịch bệnh lan ra các nước khác, cũng gây thêm những khó khăn không lường hết được, bởi chúng ta có thể khống chế được con đường lây lan từ Trung Quốc, nhưng khi dịch bùng ra các nước, lúc đó không thể kiểm soát được như hiện nay.

Ở thời điểm này, việc dự báo dịch là rất khó, phụ thuộc vào tình hình dịch ngoài nước và cả sự quyết liệt của chúng ta. Tôi hy vọng chúng ta kiểm soát được. Chúng ta có cả giai đoạn này để chuẩn bị nên có thể có ca bệnh mới nhưng không hoang mang như lúc đầu, chắc chắn sẽ không để tử vong và không để ca bệnh nặng lên. Chúng ta đã quyết liệt thì phải duy trì tiếp, nếu lúc này mà chùng xuống thì khi xảy ra dịch bệnh nặng lại khó ứng phó.

Đến nay, dịch bệnh đã lan mạnh ra 31 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt tăng rất nhanh ở Hàn Quốc, tử vong ngoài Trung Quốc cũng tăng lên. Theo tôi quan trọng nhất lúc này là ngoài giám sát ở biên giới phải giám sát tại bệnh viện, bởi nhiều lúc có ca bệnh nhẹ, không có triệu chứng vào Việt Nam nhưng mình không biết. Vì vậy bệnh viện phải như “ăng ten”, tập trung giám sát xem có ca nào không.

Người dân cũng không được chủ quan, tưởng dịch có vẻ chùng xuống nhưng chưa chùng đâu. Những hành động phòng chống dịch như khai báo y tế khi từ vùng dịch về có sốt, ho, khó thở, rửa tay, sát trùng, giữ vệ sinh phải tiếp tục, tạo thành thói quen dù cả khi không có dịch.

Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.