Việt Nam có 44 ca từ "ổ dịch" Bạch Mai, COVID-19 mang ngày bi thảm nhất đến Âu-Mỹ
- Tranh cổ động trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”
- Đang dịch COVID-19, internet Việt Nam lại bị ảnh hưởng vì đứt cáp
- Bị phạt 18 tháng tù giam vì khai báo y tế COVID-19 gian dối
Việt Nam có ca bệnh COVID-19 phức tạp
Sáng sớm nay (4/4), Bộ Y tế công bố thêm hai ca mắc COVID-19 mới. Trong đó có một ca là người bệnh từng điều trị tại bệnh viên Bạch Mai, một ca được cách ly ngay từ khi nhập cảnh, không có khả năng lây nhiễm ra xã hội.
Ngày 3/4, Bộ Y tế thông báo 10 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có hai ca liên quan đến bar Buddha ở Quận 2, TP HCM; 6 ca được cách ly khi nhập cảnh; một nhân viên công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho bệnh viện Bạch Mai cùng một ca được phát hiện nhiễm khi đi khám bệnh khác (bệnh nhân 237).
Việt Nam hiện có 239 người dương tính với COVID-19. |
Bệnh nhân 237 được xem là ca nhiễm đáng chú ý nhất trong số các ca nhiễm mới vì rất có thể đã bị lây nhiễm từ cộng đồng. Người này mang quốc tịch Thuỵ Điển, 64 tuổi, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, đã di chuyển đến nhiều địa điểm trước khi bị tai nạn rồi nhập viện và phát hiện dương tính.
Các ca nhiễm mới nâng số ca COVID-19 ở Việt Nam lên 239, với 44 trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai (trong đó có 27 nhân viên công ty Trường Sinh). Có 10 bệnh nhân xuất viện trong 24h qua: 7 ca tại Bình Thuận, gồm ca siêu lây nhiễm "Bệnh nhân số 34", ba ở TP HCM, đưa số khỏi bệnh lên 85.
Các bệnh nhân đang điều trị đều có sức khoẻ ổn định, nhiều người có kết quả âm tính với virus từ một lần trở lên. Họ tiếp tục được theo dõi, xét nghiệm lại và xuất viện khi hoàn toàn bình phục.
Infographic tóm tắt tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đến sáng 4/4. |
Tại Hà Nội, nơi có số ca bệnh nhiều nhất toàn quốc, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thực hiện nghiêm việc giám sát cách ly xã hội, xử phạt trường hợp vi phạm. Hà Nội từ ngày 4/4 sẽ tăng cường kiểm tra, trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường sẽ bị phạt.
Có một tin tốt là, trong 3 ngày từ 31/3 đến 2/4, Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm nhanh 2.775 mẫu, trong đó ghi nhận 17 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 và tất cả các ca này xét nghiệm lại bằng kỹ thuật Realtime PCR - phương pháp chẩn đoán SARS-CoV-2 đều đã cho kết quả âm tính.
15 nước trên thế giới có hơn 10.000 ca COVID-19
Theo thống kê do Worldometer tổng hợp, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới 24h qua tiếp tục diễn biến xấu đi, khi số ca dương tính mới được ghi nhận là 82.745 ca với 5.972 ca tử vong, mức tăng cao nhất từ đầu dịch, nâng tổng số người nhiễm toàn cầu lên 1.097.810 với 59.140 ca thiệt mạng.
Thống kê số ca nhiễm tại các nước trên Worldometer. |
Dịch xuất hiện ở 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, với Châu Âu và Mỹ tiếp tục là hai điểm nóng nhất. Số quốc gia có trên 10.000 ca nhiễm COVID-19 là 15 còn số nước có trên 100.000 ca là ba.
Mỹ báo cáo 276.965 ca nhiễm, tăng 32.000 ca. Số ca tử vong là 7.391 tăng 1.320 ca. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết New York đã trải qua ngày chết chóc nhất từ đầu mùa dịch. Toàn tiểu bang có hơn 103.000 người bệnh, 3.218 ca thiệt mạng.
Italia, ổ dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới, phát hiện thêm 4.585 ca nhiễm và 766 người tử vong, tổng số người nhiễm và chết lần lượt là 119.827 và 14.681. Con số trên thấp hơn ghi nhận trong suốt tuần qua.
Tây Ban Nha có tổng cộng 119.199 người nhiễm và 11.198 người chết sau khi xác định thêm 7.134 ca dương tính và 850 ca tử vong - mức tăng thấp hơn ngày hôm trước. Pháp ghi nhận 1.120 ca tử vong vì COVID-19 - mức cao nhất từng ghi nhận ở châu Âu, nâng số người chết ở nước này lên 6.507 trong tổng số 64.338 ca bệnh.
Đức, quốc gia vừa vượt Trung Quốc về số ca nhiễm, ghi nhận thêm 6.365 ca bệnh và 168 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt 91.159 và 1.275. Anh ghi nhận thêm 4.450 ca nhiễm và 684 ca tử vong. Nước này hiện có 38.168 ca bệnh và 3.650 người qua đời vì COVID-19.