Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế):

Vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù

Thứ Hai, 02/05/2016, 07:17
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của mọi người, khi liên tục các vụ việc mất ATTP được phát hiện, như chất tạo nạc Salbutamol tồn dư trong thịt lợn, hay măng tươi nhuộm chất vàng ô, xúc xích có chất cấm… Điều này đòi hỏi sự ra tay của các cơ quan chức năng phải mạnh mẽ hơn bao giờ, cũng như người dân cũng cần phải trở thành “người tiêu dùng thông minh” để biết được quyền của mình trong việc chống lại thực phẩm không an toàn. 

Nhân “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế):

PV: Thưa ông, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP Quốc gia và Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra các quy định xử phạt mạnh tay hơn với những người vi phạm về ATTP. Nhưng làm thế nào để xác định thực phẩm không an toàn mà xử lý?

Ông Nguyễn Hùng Long: Mỗi loại thực phẩm có một tiêu chuẩn, quy định riêng về ngưỡng an toàn. Thực phẩm được đánh giá là không an toàn khi nó chứa các chất gây hại cho sức khỏe. Tiêu chí đánh giá thực phẩm an toàn hay không dựa vào việc nó có sử dụng vượt ngưỡng cho phép các chất gây hại hoặc chất cấm hay không.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP.

Danh mục các chất cấm đã được Cục ATTP thông báo công khai. Một thực phẩm, ngoài những thành phần dinh dưỡng còn có các thành phần về hóa học, vi sinh, tiêu chí về nấm vv… để chúng ta căn cứ vào đó xác định có an toàn hay không. Ví như măng ngâm chất vàng ô (Auramine O - chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm) là không an toàn.

Bộ NN&PTNT đã quy định vàng ô là chất cấm, nên không cần biết sử dụng bao nhiêu, mà cứ sử dụng chất đó là vi phạm. Nhưng những trường hợp tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ thì phải xác minh xem mức độ tồn dư là bao nhiêu, đã vượt ngưỡng an toàn hay chưa, mới xử lý được. Nếu là tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản thì chỉ cần xác minh có tồn dư là có thể xử lý, vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép.

Thực phẩm không an toàn không thể chỉ nhìn bằng mắt thường mà biết được. Kinh nghiệm của người tiêu dùng có thể dựa vào màu sắc, độ đàn hồi để phòng ngừa phần nào, còn muốn biết chính xác, phải kiểm tra kỹ càng.

PV: Theo ông, hiện nay thực phẩm nào có khả năng tồn dư kháng sinh hay thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất mà người tiêu dùng dễ phải đối mặt?

Ông Nguyễn Hùng Long: Thuốc bảo vệ thực vật thường dùng phun vào rau, quả, còn thuốc kháng sinh thì dùng trong chăn nuôi gà, lợn, thủy sản… Vì thế, rau, củ, quả có khả năng tồn dư chất bảo vệ thực vật và các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản thường có khả năng tồn dư kháng sinh, nhất là tôm - loại thủy sản thường được phát hiện có lượng tồn dư kháng sinh cao.

Người tiêu dùng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, tố giác kịp thời các trường hợp biết chắc người sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Hiện tại đã có que thử nhanh độc tố của thực phẩm và chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng chúng để kịp thời nhận biết thực phẩm không an toàn.

PV: Thời gian qua, Cục ATTP đã phát hiện ra dư lượng hóa chất trong rau quả, thực phẩm. Cục đã có nghiên cứu gì để đưa ra các khuyến cáo cần thiết cho người dân không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long:  Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu về vấn đề này và có kết quả là có dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Theo tôi được biết, vừa qua Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng có một chương trình phối hợp với Đại học Osaca (Nhật Bản) để triển khai dự án về dư lượng kháng sinh liên quan đến thực phẩm.

PV: Lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bao nhiêu là vượt quá mức cho phép để có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long: Mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật có mức giới hạn khác nhau và có những quy định về hạn mức theo chỉ định. Còn kháng sinh, theo nguyên tắc là không được có tồn dư, nếu có tồn dư, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ bị kháng thuốc kháng sinh. Vì thế, chỉ cần xác minh có tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản là xử lý được, vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép.

PV: Bộ Y tế đã xây dựng mức phạt như thế nào để xử lý với những đối tượng vi phạm sử dụng chất cấm và bán thực phẩm không an toàn, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long: Hiện nay chúng ta đã có khung xử phạt về vi phạm ATTP. Nghị định 178 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP đã quy định chi tiết những hành vi vi phạm và mức xử phạt tương đương. Đồng thời, để chống lại nạn buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn, mới đây, Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7, quy định cụ thể việc bỏ tù người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Mặc dù chúng ta đã xử lý và hành động quyết liệt những vụ việc liên quan đến mất ATTP, nhưng gần đây vấn đề nổi cộm trong mất ATTP như dư lượng của các chất cấm, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản trong nông sản thực phẩm, trong rau, củ, quả… vẫn rất nóng trong xã hội. Chính vì vậy mà Chính phủ vẫn quyết định đẩy mạnh những nội dung này trong “Tháng hành động vì ATTP” năm nay.

PV: Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.