Thiếu hay thừa dinh dưỡng đều nguy hại cho sức khỏe

Thứ Ba, 05/12/2017, 18:03
Thiếu ăn hay thừa ăn đều có thể gây bệnh. Nếu thiếu dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, mặt khác, các nhiễm khuẩn làm suy sụp thêm tình trạng dinh dưỡng sẵn có, thì bệnh béo phì làm tăng các bệnh huyết áp, ung thư, tiểu đường. Đây cũng là thực trạng ở Việt Nam hiện nay và đòi hỏi phải có một chế độ ăn khoa học, hợp lý để mọi người khỏe mạnh và sống lâu.

Đó là vấn đề được bà Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết tại hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng” do Chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) phối hợp với Công ty Nutricare tổ chức ngày 5-12 tại Hà Nội.

Bà Hợp cho biết thêm, mặc dù kinh tế đã phát triển nhưng tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) ở Việt Nam vẫn cao, nhất là ở miền núi, vùng nghèo. Tỷ lệ SDD của trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi là 24,9%, thể gầy còm là 6,8% và thừa cân béo phì  cũng chiếm tới 4,8%. Nhiều nguyên nhân khiến tình trạng SDD của trẻ được cải thiện rất chậm, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém giữ vai trò then chốt.

Nhiều nhà khoa học dự hội thảo và đưa ra các giải pháp để đảm bảo dinh dưỡng


Từ nghiên cứu về “Thực trạng và hiệu quả can thiệp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Sán Dìu”, GS.TS Đỗ Hàm cho thấy tỉ lệ SDD ở trẻ em người Sán Dìu vẫn còn cao (22.7%), do trẻ bị cai sữa sớm, ăn bổ sung sớm… Sau can thiệp, tỉ lệ SDD giảm từ 22.7% xuống 16% song vẫn cần các biện pháp can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Không chỉ trẻ em, mà nhiều phụ nữ cũng bị thiếu dinh dưỡng. Điều này làm cho chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên. Thiếu Protein và năng lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miễn dịch- hay gặp ở trẻ nhỏ và bà mẹ có thai, các bé gái vị thành niên.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Vân đã trình bày kết quả nghiên cứu được tiến hành trên 585 phụ nữ dân tộc Tày từ 20 – 35 tuổi, cho thấy tỉ lệ thiếu dinh dưỡng ở phụ nữ dân tộc Tày cao: tỉ lệ thiếu máu chung là 25.47%, thiếu máu do sắt chiếm tỉ lệ cao 44.97%.

Các chuyên gia nhất trí rằng, sự hạn chế hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng, về chất lượng thực phẩm của người dân, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc ít người ở miền núi cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ... đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các bệnh SDD, các bệnh cao huyết áp, tim mạch, loãng xương, đái tháo đường, thậm chí cả ung thư...

Bên cạnh vấn đề thành phần dinh dưỡng thì vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là điều cần được cộng đồng quan tâm. Bởi hiện nay tình trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách, nhất là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng... 

Sự mất dần một số cây trồng, vật nuôi truyền thống do năng suất thấp, nhưng sản phẩm lại có thành phần dinh dưỡng cân đối và hàm lượng cao, cùng với sự xuất hiện nhiều giống nhập nội có năng suất cao nhưng chất lượng kém cũng góp phần làm giảm chất lượng thực phẩm.

Cho trẻ uống Vitamin A để phòng chống bệnh về mắt

Trong nghiên cứu “Hệ thống đảm bảo có sự tham gia để kiểm soát chất lượng rau an toàn ở Việt Nam”, PGS.TS. Trần Thị Định chỉ ra rằng, trong các sản phẩm nông nghiệp, rau tươi có tần suất tồn dư hóa chất cao nhất. Để kiểm soát vấn đề này, phương pháp tiếp cận chính của Chính phủ là xây dựng một chương trình tiêu chuẩn dựa trên quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) kết hợp với chứng nhận của bên thứ ba. 

Tuy nhiên chi phí để được cấp chứng nhận GAP rất cao, thủ tục hành chính phức tạp và chỉ phù hợp với sản xuất quy mô lớn, trong khi 80% nông hộ ở Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ.

Do đó, hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) bắt nguồn từ Liên đoàn phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế áp dụng cho nông nghiệp hữu cơ hiện là sự lựa chọn cần thiết để thay thế. Vì thế Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tổ chức Phi chính phủ VECO đang phối hợp để khảo sát, đánh giá và thống kê những kinh nghiệm thực hiện PGS ở Việt Nam, nhằm cải tiến mô hình và tạo ra một bộ công cụ chung về PGS cho người sản xuất. 

Bộ công cụ này sẽ giúp các bên quan tâm tự thành lập mô hình sản xuất PGS mới, hoặc có thể chia sẻ rộng rãi nhằm thúc đẩy việc áp dụng PGS trên toàn quốc; được Chính phủ Việt Nam thể chế hóa và các bên liên quan công nhận khi tham gia chuỗi giá trị rau.

Hội thảo còn có sự tham gia của TS. Nguyễn Đức Doan với đề tài “Xác định hàm lượng peptide Beta – Casomorphins trong các sản phẩm sữa” và chuyên viên cao cấp tư vấn thực phẩm Hoàng Thị Hoãn với công trình “Khả năng chống bệnh viêm loét dạ dày của nhựa cây Ashitaba ở Nhật Bản”.

Các nhà khoa học đã chia sẻ nhiều công trình nghiên và đưa ra các giải pháp cần thiết nhằm khắc phục hậu quả do dinh dưỡng không hợp lý, do ô nhiễm thực phẩm nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe cộng đồng. “Một chế độ ăn cân đối là cần thiết đề mỗi người sống khỏe, song chất dinh dưỡng chỉ có tác dụng tốt cho cơ thể khi nó không bị nhiễm bẩn bởi quá trình trồng trọt, chăn nuôi và chế biến vv…”-bà Lê Thị Hợp lưu ý.



Thanh Hằng
.
.
.