Chạy đua dập dịch, hạn chế tử vong do bạch hầu

Thứ Năm, 09/07/2020, 19:59
Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi vào ngày 9/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, muốn ngăn chặn nhanh, giảm tử vong do bạch hầu, các địa phương cần phải thực hiện đúng phương châm phòng chống dịch: Phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị triệt để rất quan trọng. 


Quan trọng là điều tra dịch tễ, truy vết những người tiếp xúc

Phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). "Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng" – ông Tấn nhận định.

Trong số các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), ghi nhận có người 50-60 tuổi cũng mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%).

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh một số nội dung cần làm đối với địa phương trong công tác phòng, chống dịch như: Các tỉnh Tây Nguyên phải làm tốt công tác truyền thông để làm sao thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân về phòng chống bệnh này; Làm tốt công tác kiểm soát ổ dịch; Tập huấn cho cán bộ y tế không chỉ kỹ năng chuyên môn mà cả về kĩ năng truyền thông và các địa phương cần quan tâm chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng, chống dịch.

Ông Tuyên đưa ra ví dụ thực tế, có tình huống cán bộ y tế đã đến tận nhà vận động nhưng người dân vẫn không đi tiêm chủng. Do đó, công tác truyền thông cần đa dạng các hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của đồng bào, tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà".

Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với UBND 4 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bạch hầu

Viện trưởng Viện Dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến cho biết, tuần này và tuần sau sẽ triển khai xét nghiệm bạch hầu tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Viện sẵn sàng cung ứng 500.000 liều vaccine cho Tây Nguyên trong 1 ngày, nhưng khó khăn là người dân phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, chưa có ý thức tiêm phòng.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh,  dù tiêm vaccine nhưng vẫn có vi khuẩn trong người nên vẫn có khả năng lây lan. Vaccine chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bạch hầu phải phát hiện sớm. Vì thế điều tra dịch tễ để truy vết rất quan trọng, giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng.

Đồng tình với quan điểm này, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đề nghị tiếp tục sử dụng ứng dụng nCov đã sử dụng rất hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên và cài BlueZone cho khu vực này.

Điều trị triệt để, hạn chế tử vong

Do bạch hầu đã lâu không xuất hiện ở nhiều vùng thuộc khu vực Tây Nguyên nên việc cập nhật phác đồ điều trị là vô cùng cấp thiết. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sáng 9-7, Hội đồng chuyên môn của Bộ đã họp để cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch, chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men…để điều trị cho người bệnh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch bạch hầu xảy ra rải rác, nhưng năm nay khác các năm trước là quy mô xảy ra trên diện rộng (hiện đã xuất hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên). “Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng đối với dịch bệnh này là làm thế nào để dập dịch nhanh nhất, không để dịch lan rộng và đảm bảo yếu tố bền vững cho giai đoạn sau”, ông Long cho biết.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, bệnh bạch hầu là bệnh cổ điển, tất cả các cơ chế sinh bệnh học đều đã biết, tử vong chủ yếu do biến chứng viêm cơ tim. Bệnh này có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, yêu cầu các cơ quan tập trung nỗ lực khống chế, quyết liệt ngăn chặn và kiểm sát dịch bệnh. Tuy nhiên, song song với phòng chống dịch bạch hầu cần phải chú trọng phòng chống dịch COVID-19, không thể chủ quan, lơ là, nếu chúng ta để xảy ra một ca bệnh thì tốc độ lây lan rất nhanh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại Gia Lai

Theo Bộ Y tế, sau khi tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trên quy mô lớn, trước hết tại 4 tỉnh Tây Nguyên, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tiêm theo chiến dịch nên tất cả người dân từ 2 tháng tuổi đều được tiêm chủng. Theo đó, toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng. Với trẻ 2-3-4 tháng thì tiêm vaccine 5 trong 1 đang tiêm rộng rãi, trên 7 tuổi thì tiêm vaccine (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). “Chúng ta phải quyết liệt thực hiện chiến dịch này”, ông Long nói.

Ngoài việc giao Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp thành lập 4 tổ công tác vào 4 tỉnh Tây Nguyên, cần thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ điều trị, Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ phụ trách công tác mua sắm huyết thanh phục vụ công tác xét nghiệm dịch bệnh... 

Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vaccine với khoảng 11 triệu liều, hỗ trợ một số danh mục vật tư tiêu hao, cấp khẩu trang phòng chống dịch cho các địa phương có dịch ở Tây Nguyên (mỗi tỉnh khoảng 200 ngàn khẩu trang y tế).


Trần Hằng
.
.
.