Rút ngắn “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ

Thứ Hai, 05/04/2021, 16:27
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ mới mắc, đột quỵ gây tử vong đứng hàng thứ 3 và gây tàn phế đứng hàng thứ nhất. Thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ quyết định cứu sống bệnh nhân cũng như nâng cao chất lượng sống của họ.


Tại buổi khai trương Hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA và Đơn vị Đột quỵ can thiệp tim mạch, mạch máu cấp cứu diễn ra ngày 5/4, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, thời gian vàng để cứu sống người bị đột quỵ não là 4 tiếng. 

Người bị đột quỵ não và đột quỵ tim càng đến viện sớm, càng được can thiệp sớm thì khả năng cứu sống tính mạng càng cao. Ngược lại, nếu đến viện muộn, qua giờ vàng thì dễ bị liệt, tai biến nặng, thậm chí là tử vong.

Bệnh viện E khai trương Hệ thống chụp mạch máu số hóa nền và Đơn vị Đột qụy can thiệp tim mạch, mạch máu cấp cứu

Giám đốc Bệnh viện E cũng cho biết, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ngày một trẻ hóa, trước đây người mắc bệnh mạch vành thường trên 50 tuổi thì nay dưới 50 tuổi rất nhiều. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chế độ sinh hoạt không phù hợp, chế độ ăn uống, cường độ làm việc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Đặc biệt, uống nhiều bia rượu làm tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, dẫn đến đột quỵ gia tăng.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E.

 GS.TS Lê Ngọc Thành cũng cho biết, đột quỵ trong nhân dân còn nhiều nhưng chúng ta chưa phát hiện được. Qua hàng trăm ca bệnh vào Bệnh viện E cấp cứu cho thấy, có rất nhiều người ít đi thăm khám bệnh định kỳ.

Theo GS.TS Thành, Bệnh viện E đưa Đơn vị đột quỵ can thiệp tim mạch, mạch máu cấp cứu; đơn vị siêu âm thực quản, siêu âm tim và điện tâm đồ gắng sức cùng với hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền đặt trong khu Cấp cứu, bệnh nhân chỉ cần vài bước chân là vào được phòng can thiệp, rút ngắn thời gian vàng được cứu sống. 

Bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại Bệnh viện E

“Trung bình ở Bệnh viện E can thiệp 1 ca mạch vành mất 1 tiếng thì giờ đây có hệ thống này, chúng tôi chỉ mất nửa tiếng, thậm chí 15 phút là can thiệp xong. Bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu là được chụp mạch ngay, đơn vị đột quỵ sát phòng can thiệp, người bệnh không phải đi lại lòng vòng các khoa như trước, rút ngắn được rất nhiều thời gian vàng. Thời gian qua chúng tôi đã cứu sống hoàn toàn được nhiều người bệnh đột nguy kịch, giảm rất nhiều tai biến nặng và liệt do đột quỵ gây ra”, Giám đốc Bệnh viện E cho biết.

Trần Hằng
.
.
.