Rao bán tạng trên mạng: Trò lừa đảo vì phản khoa học và vi phạm pháp luật

Chủ Nhật, 14/10/2018, 17:22

Tháng 8 vừa qua, Công an Hà Nội đã phá một đường dây lừa đảo mua bán thận với khoảng 40 người bị mắc bẫy. Điều đáng nói là thủ đoạn của tội phạm không có gì là tinh vi, khi chỉ đưa số điện thoại lên mang xã hội rao bán thận, nhưng nhiều người vẫn dễ tin. Trong khi việc rao bán thận… như rau không chỉ phi khoa học mà còn vi phạm pháp luật.



Có một thực tế là nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận cần ghép, 5.000 người chờ ghép giác mạc và 1.500 người được chỉ định ghép gan. Đây mới là những con số ở một số bệnh viện (BV) lớn, còn thực tế số người cần ghép tạng chắc chắn lớn hơn nhiều. Trong khi đó, hàng năm, số người hiến tạng rất ít. Vì thế, Việt Nam đã có gần 20 Trung tâm đủ điều kiện ghép tạng, nhưng từ khi bắt đầu ghép tạng vào năm 1992 đến nay cũng chỉ có 3.378 người được ghép tạng. Trong đó, 6 năm qua ghép được hơn 2.000 người cùng số người đăng ký hiến tạng tăng dần qua từng năm, nhờ sự nỗ lực vượt bậc của Trung tâm điều phối tạng Quốc gia (ĐPTQG).

Trong khi danh sách bệnh nhân cần ghép tạng ngày một dài ra, thì số người được ghép vẫn rất ít do thiếu nguồn cung. Rất nhiều người đã tử vong vì không có tạng thay thế. Vì vậy, nhiều người bệnh rất muốn mua được tạng để kéo dài cuộc sống. Cũng có người do hoàn cảnh khó khăn, lại không hiểu rằng việc mua bán tạng là bị cấm, nên muốn bán tạng. Trung tâm ĐPTQG đã nhận được rất nhiều cuộc gọi xin bán thận. Trong khi theo luật, người mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác bị phạt tù từ 3-10 năm, thậm chí tù chung thân.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về khoa học cũng như pháp luật về lĩnh vực ghép tạng, bọn tội phạm đã lừa đảo để lấy tiền của nhiều người. Vì thế, chúng tôi xin được đưa ra những thông tin căn bản xung quanh vấn đề hiến và ghép tạng, để mọi người không bị mắc bẫy, kẻo “tiền mất mà tật vẫn mang”.

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức

Để đảm bảo công bằng cho người bệnh, tránh tiêu cực trong ghép tạng, đồng thời, giúp các BV liên kết, hỗ trợ nhau trong việc hiến –ghép tạng, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm ĐPTQG. Trung tâm này xây dựng “Danh sách chờ ghép quốc gia” và “Danh sách đăng ký hiến tạng Việt Nam” công khai để điều phối hoạt động hiến-ghép mô tạng đúng luật.

Khi có người chết hiến tạng báo về Trung tâm ĐPTQG, Trung tâm sẽ chuyển thông tin về người hiến đến các BV trong cả nước, để bệnh nhân nào chờ ghép có các chỉ số phù hợp sẽ được ghép. Đó là lý do tháng 9-2015 có cuộc vận chuyển đa tạng xuyên Việt đầu tiên từ BV Chợ Rẫy ra BV Việt Đức và tháng 2-2018, lại có cuộc vận chuyển tạng xuyên Việt từ BV 108 vào BV Chợ Rẫy. Bởi dù các BV luôn có rất nhiều người chờ ghép tạng, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng trùng các chỉ số với người hiến, nên phải chuyển đến nơi có bệnh nhân phù hợp. Mà mỗi cuộc vận chuyển tạng vô cùng tốn kém. Riêng vụ chuyển tạng xuyên Việt đầu tiên, đã phải huy động hơn 100 thầy thuốc. Còn mỗi ca ghép cũng cần khoảng 150 nhân viên y tế.

Có trường hợp người đang sống cũng hiến tạng được, như gan, thận, nhưng nhiều bộ phận chỉ được hiến khi đã qua đời. Từng có nhà sư xin hiến một mắt khi còn sống, một nhà sư khác cũng xin hiến quả tim khi còn sống, nhưng đều không được chấp nhận vì lý do nhân đạo. Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ -Phó Giám đốc BV Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm ĐPTQG, mỗi người chỉ có một quả tim, nếu lấy đi tức là lấy mạng sống của họ, nên việc hiến tim chỉ có thể xảy ra sau khi mất. Trường hợp người sống cho gan, thận có nhóm máu phù hợp, không có bệnh lây truyền, bệnh hệ thống, bệnh ung thư, hai thận phải có chức năng tốt và giải phẫu bình thường. Về miễn dịch học và các xét nghiệm cho phép ghép về tương hợp mô vv…

Nói thế để biết rằng, về mặt khoa học, không phải tạng của người nào cũng có thể ghép cho bất kỳ ai. Ghép tạng còn là kỹ thuật y học rất cao nên đòi hỏi trình độ tay nghề của các phẫu thuật viên cũng phải rất cao, chứ không phải cứ bác sĩ phẫu thuật là có thể lấy và ghép được tạng. Bên cạnh đó còn phải đảm bảo sự vô trùng tuyệt đối trước, trong và sau khi ghép!

Về pháp luật, theo GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm ĐPTQG, pháp luật nghiêm cấm việc mua bán tạng nên qui định chặt chẽ mối quan hệ giữa người hiến và người được ghép tạng, nhằm tránh tình trạng mua –bán. Nếu phát hiện có hành vi mua bán tạng, các bác sĩ sẽ không thực hiện ca ghép tạng đó, đồng thời báo công an xử lý.

Thực tế, khi còn là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, một chuyên gia đầu ngành về ghép tạng đã từng dừng ghép cho một trường hợp, khi BV phát hiện người cho và người nhận thận đã làm giả thủ tục là người ruột thịt để lách luật.

Để tránh tiêu cực, người tự nguyện hiến tạng lúc sống phải đăng ký tại các Trung tâm ĐPT, rồi thông tin của người này được cập nhật lên danh sách chờ ghép, đợi khi có bệnh nhân trùng về các chỉ số sẽ được ghép ngẫu nhiên. Việc ghép tạng còn đòi hỏi thủ tục bắt buộc là sự đồng thuận của vợ/chồng hoặc cha, mẹ người tự nguyện hiến.

Vì thế, bệnh nhân nào dù có trả tiền mua thận của ai đó, thì khả năng cao vẫn không được ghép, có thể do các chỉ số không phù hợp, hoặc thủ tục không hợp pháp. Bởi việc xét nghiệm cho 1 ca ghép tạng vô cùng ngặt nghèo và có rất nhiều chỉ số, chứ không phải cùng nhóm máu là ghép được.

Ths Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc ĐPTQG cho biết: Thứ tự ưu tiên cho người được ghép tạng được qui định trong Luật, cũng là theo chuẩn quốc tế, là đối tượng trẻ em, tiếp theo là người cấp cứu, rồi người đã từng hiến tạng nay cần ghép và người đăng ký đầu tiên trong danh sách chờ ghép tạng.

 “Mặc dù nguồn tạng rất hiếm, nhưng cũng không khuyến khích hiến tạng khi còn sống, mà khuyến khích việc hiến tạng từ người chết não. Vì số người chết não ở Việt Nam mỗi năm cả chục nghìn người, là nguồn tạng lớn có thể cứu sống nhiều người bệnh” -Ths. Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Việc hiến tạng sống yêu cầu chặt chẽ về cả khoa học lẫn luật pháp. Vì thế, những lời đồn thổi về việc nạn nhân bị đưa ra rừng núi, ruộng đồng vắng và bị tội phạm mổ, đựng tạng trong thùng đựng đá chỉ hoang tin vì phản khoa học. Đặc biệt, việc rao bán tạng trên mạng chỉ là trò lừa đảo, nên người bệnh cảnh giác để không mắc bẫy.

Thanh Hằng
.
.
.