Thiếu nguồn tạng là rào cản lớn nhất của việc ghép tạng

Thứ Hai, 10/07/2017, 11:33
Hiện Việt Nam, số bệnh nhân cần ghép rất lớn, tới 16.000 người bị suy chức năng tim, thận, gan, phổi...và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Tức là hiện đang có hơn 20.000 bệnh nhân đang chờ đợi được ghép tạng mới có cơ hội sống. Riêng ở Vĩnh Phúc đang có khoảng 400 người bệnh gan phải điều trị thường xuyên ở Bệnh viện và hơn 600 người bệnh phải chạy thận theo chu kỳ và rất nhiều bệnh nhân suy chức năng tim, phổi, giác mạc cần được điều trị. Trong đó 80% người bệnh cần được ghép tạng.


Tại hội thảo về truyền thông vấn đề hiến-ghép tạng do Trung tâm điều phối tạng Quốc gia tổ chức vừa qua ở Vĩnh Phúc, GS. Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng Quốc gia- cho biết: Những năm qua, lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Từ ca ghép thận đầu tiên thành công vào tháng 6-1992, ghép gan tháng 1-2004 và ghép tim tháng 6-2010. Sau 25 năm ghép tạng, đến nay, số ca ghép tạng tại Việt Nam đã là 2.425 ca. Trong đó, 2.327 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận + tụy, một ca ghép tim + phổi và một ca ghép phổi. 

GS Trịnh Hồng Sơn

Theo GS. Trịnh Hồng Sơn, các bệnh nhân đã được ghép gan ở BV Việt Đức đều là bị ung thư có chỉ định ghép và nay họ đã có cuộc sống khoẻ mạnh. 

Việt Nam đã có cơ sở pháp lý  về hiến-ghép tạng. Kỹ thuật ghép cũng không thua các nước. Hiện đã có 18 Trung tâm ghép tạng trên cả nước. Việc hiến-ghép tạng luôn tuân thủ 6 nguyên tắc, trong đó tuân thủ luật pháp quốc tế và Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất để cứu sống người suy tạng chính là nguồn tạng còn thiếu và người dân chưa thật sự hiểu về chết não. Vì thế trong khi ở nước ngoài, 90% nguồn tạng được lấy từ người chết thì ở Việt Nam, 90% lại từ người hiến sống. 

PGS Đồng Văn Hệ

Bên cạnh đó, theo PGS. Đồng Văn Hệ-Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Thần kinh-sọ não (BV Việt Đức), không chỉ người dân chưa hiểu mà có tới 70% bác sĩ không biết nhận biết về chết não. Đây cũng là một rào cản cho việc hiến-ghép tạng. 

Theo Gs. Đồng Văn Hệ, 8 năm qua mới có khoảng 50 người được chẩn đoán chết não, cho thấy số người hiến rất ít. Quy trình xác định chết não rất chặt chẽ. Phải có 8 yếu tố và do Hội đồng gồm các chuyên gia chuyên ngành được đào tạo chuyên sâu kiểm tra mới có thể khẳng định chết não hay không.  Pháp là nơi đầu tiên làm chẩn đoán chết não và nay nhiều nước cũng đã làm. 

Ths Nguyễn Hoàng Phúc-PGD Trung tâm ghép tạng quốc gia

Chia sẻ với mọi người, Ths. Nguyễn Hoàng Phúc cho biết hầu hết các tôn giáo đều không cấm hiến tạng mà có quan niệm rất văn: “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Cũng nhiều người hiểu rõ tính nhân văn nên khi người thân bị tai nạn chết não, đã hiến tạng cứu người. Một trường hợp điển hình mới đây là bà Trần Thị Ngần (Hà Nội) đã chia sê với người dân Vĩnh Phúc về việc bà đã hiến tạng của anh con trai bị tai nạn không qua khỏi, cứu sống nhiều người. Trong đó, trái tim con trai bà hiện đang nằm trong lồng ngực một chiến sĩ cảnh sát biển.

Rất dông người dân đã đến nghe thông tin về hiếm tạng

GS. Trịnh Ngọc Sơn cũng cho hay, người hiến có nhiều quyền lợi: được cấp thẻ BHYT, ưu tiên khi cần ghép tạng, được hỗ trợ sau khi hiến v.v..

Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá việc ghép tạng là một cuộc cách mạng khoa học, cực kỳ khoa học và văn minh, tiến bộ nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Là địa bàn có nhiều người cần ghép tạng, nhưng hiện Vĩnh Phúc chỉ có 9 người đăng ký hiến tạng sau khi chết. 



Thanh Hằng
.
.
.