Phụ nữ mang thai cần siêu âm đầy đủ để phát hiện sớm Zika

Thứ Bảy, 05/11/2016, 18:17


Trước tốc độ lây lan ngày càng nhanh của dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam, Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống bệnh dịch Việt Nam (EOC) đã có cuộc họp cùng các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, nhằm bàn các biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch bệnh này.

Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bàn biện pháp đối phó với dịch Zika

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Zika cũng đã trở thành bệnh lưu hành ở Việt Nam. Đến ngày 5-11, đã có 36 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 29 trường hợp. Đã có 11/24 quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh có người bệnh nhiễm virus Zika.

Đại diện Bộ Y tế giải thích, việc phát hiện số người nhiễm Zika tại TP. Hồ Chí Minh tăng lên trong thời gian qua là do ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch tại đây nên phát hiện ra. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân nhiễm Zika được phát hiện đều có triệu chứng nhẹ nên không phải tất cả các trường hợp đều đến bệnh viện khám.

Bệnh đầu nhỏ ở trẻ do virus Zika đang khiến thế giới lo âu

Bộ Y tế cũng cho biết, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng là có, nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống Zika. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết –có cùng loài muỗi Asdes trung gian lây truyền bệnh với Zika - ở tỉnh Khánh Hòa đang gia tăng. Hơn nữa, đã có ba người bệnh tử vong vì sốt xuất huyết ở Nha Trang, Cam Ranh và Ninh Hòa.

Hiện nay, vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virrus Zika.

PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết: Việt Nam đã có hệ thống chẩn đoán trước sinh, vì thế, phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. 

Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, từ đó có thể phát hiện sớm các trường hợp bị bệnh đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não...

Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi. Đây cũng là quyền lợi của mỗi thai phụ để bảo vệ sức khỏe của mình và tương lai của con cái.

Thanh Hằng
.
.
.