Nhiều người thờ ơ trước dịch Zika dù bệnh đầu nhỏ đã xuất hiện ở Việt Nam

Thứ Hai, 31/10/2016, 17:50
Việc em bé 4 tháng tuổi ở huyện Krông Búk, Đắk Lắk được xác định bị bệnh teo não do virus Zika đã cho thấy hậu quả của virus Zika không còn là tiềm ẩn nữa mà đã hiện hữu ở Việt Nam. 


Điều này cũng cho thấy, quan điểm cách đây chưa lâu của một số chuyên gia về việc virus Zika ở Việt Nam ít có nguy cơ đầu nhỏ không hẳn là đúng.

Hậu quả của bệnh đầu nhỏ là rất lớn. Theo Ths.BS. Nguyễn Quốc Thái, Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) bệnh do virus zika gây ra tật đầu nhỏ, làm não bé hơn, mất nếp nhăn, nhân xám trong não, là tổn thương khá đa dạng, khiến trẻ đẻ ra bị chậm phát triển trí tuệ, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong khi đó, nguy cơ bùng phát Zika và bệnh đầu nhỏ ở Việt Nam dường như đã sẵn sàng, khi mà đã có tới 73 nước có dịch Zika, trong đó, 22 nước cho biết đã có chứng đầu nhỏ liên quan đến virus Zika. Tại Đông Nam Á, 8/12 nước đã có bệnh do virus Zika. Singapore đã có hơn 400 ca và Thái Lan có trên 200 trường hợp.

Hậu quả của bệnh teo não để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội rất lớn

Khó khăn trong việc phòng chống căn bệnh Zika là chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị. 80% trường hợp nhiễm virus zika không có biểu hiện bệnh, nên rất khó chẩn đoán sớm.  

Đáng báo động, muỗi Aedes lây truyền virus Zika cũng chính là loài muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (SXH), mà từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 85.000 trường hợp mắc SXH tại 54 tỉnh, thành phố, trong đó có gần 20 ca tử vong. Tỷ lệ mắc ở nước ta là 81/100.000 dân.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), muỗi Aedes phát triển ở miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên nhiều hơn miền Bắc, do các khu vực này đang trong mùa mưa.

Bộ Y tế nhận định, ngoài 10 ca mắc virus Zika đã có, tới đây có thể tiếp tục phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc bệnh mới, nhất là khi loại muỗi vừa truyền SXH vừa truyền Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa. Chưa kể, số người mắc Zika trong cộng đồng mà hệ thống giám sát dịch chưa phát hiện được.

Bên cạnh các yếu tố khách quan, những yếu tố chủ quan cũng tạo nên nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh. Cả Zika và SXH đều có thể phòng tránh bằng cách không để muỗi đốt. Thế nhưng, bất chấp sự khuyến cáo của ngành y tế, nhiều khu công nghiệp, khu dân cư ở phía Nam vẫn để nước đọng ở các dụng cụ trong nhà, hoặc ở vườn bãi, sân kho mà các đoàn kiểm tra của ngành y tế đã phát hiện.

Em bé bị bệnh đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai

Nhiều lần, vào thời điểm đỉnh dịch SXH, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại các khu có người bị bệnh, nhưng nhiều người dân đóng cửa, hoặc cố tình không ở nhà để bất hợp tác, khiến công tác phòng, chống dịch của ngành y tế không hiệu quả như mong muốn.

Một yếu tố nữa cũng tạo nên rào cản cho việc phòng, chống dịch bệnh SXH và Zika, là tinh thần thái độ của một số nhân viên y tế cơ sở. Mặc dù lãnh đạo ngành y tế, Sở Y tế rất quyết liệt và thậm chí, UBND TP Hà Nội đã chi hàng chục tỉ đồng cho việc phòng dịch, nhưng một số nhân viên y tế cơ sở lại không thực sự coi trọng việc này. 

Hầu hết nhân viên y tế đi phun thuốc diệt muỗi vào giờ đi hành chính nhưng không hẹn trước, nên đa số các gia đình không ở nhà. Vì thế, họ chỉ phun ở ngoài cửa, đường đi, trong khi nhiều gia đình trồng cây, rau trên tầng và đó mới là các ổ muỗi gây bệnh.

Nếu chỉ một số gia đình phun thuốc, còn các nhà bên cạnh không, thì muỗi vẫn có thể bay sang đốt và truyền bệnh. Cách làm đó vừa không hiệu quả vừa lãng phí tiền của, không diệt được muỗi, lại còn làm nhờn thuốc.

Mới đây, nhiều cộng tác viên y tế ở phường, xã đi điều tra tình hình các gia đình xem có đồ đựng nước không cần thiết không để phòng dịch Zika, nhưng thay vì trực tiếp kiểm tra, nhiều cộng tác viên chỉ hỏi chủ nhà, rồi chìa tờ giấy ra đề nghị ký xác nhận.

Ths.BS. Nguyễn Quốc Thái lưu ý: Vấn đề cơ bản phòng Zika là tránh muỗi đốt. Ngoài ra, virus zika có thể lây truyền qua đường tình dục, nên khi quan hệ các bạn nên dùng bao cao su. Virus Zika cũng có thể lây qua đường truyền máu đòi hỏi phải làm tốt công tác an toàn truyền máu, mới có thể ngăn chặn việc lan rộng virus Zika.


Thanh Hằng
.
.
.