Những sai lầm thường gặp trong chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ

Thứ Hai, 03/12/2018, 10:06
Chỉ trong năm 2017, Bệnh viện Nhi Trung ương đã khám cho 25.000 lượt trẻ về sức khỏe tâm thần, trong đó, các bé này chủ yếu mắc bệnh tăng động giảm chú ý và tự kỷ.


Cùng với tiến bộ y khoa và hiểu biết của xã hội, gần đây, trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ mới được quan tâm, để chúng ta nhận ra một sự thật là số bệnh nhi được phát hiện ngày càng tăng. Chỉ trong năm 2017, Bệnh viện Nhi Trung ương đã khám cho 25.000 lượt trẻ về sức khỏe tâm thần, trong đó, các bé này chủ yếu mắc bệnh tăng động giảm chú ý và tự kỷ.

Nhưng đáng lo ngại khi còn rất nhiều người chưa hiểu về căn bệnh này, dẫn đến những sai lầm trong chăm sóc và điều trị cho trẻ. Vì thế, ngày 2-12, Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức buổi trao đổi về vai trò của cha mẹ trong hỗ trợ, giáo dục và quản lý trẻ tăng động giảm chú ý; đặc điểm trí tuệ trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, nhằm giúp các gia đình có bệnh nhi có thêm kiến thức để chăm sóc trẻ vv…

Tại cuộc trao đổi, câu chuyện về cháu bé mắc chứng tăng động ở Nam Định bị cô giáo buộc dây và cột vào cửa sổ được nhắc đến. 

Chia sẻ về vấn đề này, BSCKII. Trần Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh chia sẻ: Tôi rất mong các cô giáo có được nhận thức cần thiết về chứng tăng động giảm chú ý của trẻ để hỗ trợ các con tốt nhất. Ví dụ, với trẻ mắc chứng này, nên để con ngồi bàn đầu để cô kịp thời quan sát, nhắc nhở. Thậm chí, các cô phải một kèm một cô - một trò để giúp trẻ có thể hoàn thành các bài tập trên lớp. Dù mặt trí tuệ của con không hề thấp nhưng nếu trẻ tăng động giảm chú ý không được hỗ trợ thì kết quả học tập sẽ không được như mong muốn. Khi đó sẽ gây ra vòng luẩn quẩn là chán học, gia đình lại tạo thêm sức ép nên càng khó khăn cho trẻ.

TS. Nguyễn Doãn Phương –Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần tư vấn cho trẻ tự kỷ.

“Để can thiệp đối với những trẻ bị tăng động giảm chú ý, theo tôi, không chỉ ngành y tế có thể làm được, mà cần có sự hỗ trợ của cả gia đình và nhà trường. Tôi cũng mong với những trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, các bé sẽ được cấp giấy chứng nhận để có sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần từ cộng đồng, xã hội. Dù nhiều dù ít thì đó cũng là sự an ủi, động viên cho gia đình và các con”- BSCKII. Trần Ngọc Minh nêu quan điểm.

Thực tế hiện nay, chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được xếp vào một phân loại bệnh tật nào. Vì thế, để hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhi, đòi hỏi không chỉ riêng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Y tế, mà cần có sự tham gia của Bộ LĐ-TB&XH, các ban, ngành và cộng đồng cùng phối hợp.

Tuy nhiên, theo BS. Trần Ngọc Minh, với trẻ dưới 3 tuổi rất khó có những dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động giảm chú ý. Song cũng có thể lưu ý một số điểm cơ bản để nhận biết: Trẻ hoạt động quá mức, đến lớp không ngồi yên, chạy hết chỗ này chỗ khác, trêu người này, cấu véo người kia, quay ngang quay ngửa khi cô đang giảng… Ở nhà, trẻ hoạt động liên tục như thể chúng được gắn động cơ và đây thực sự là những cảnh báo để thầy cô và cha mẹ sớm nhận ra chứng tăng động giảm chú ý của con.

Về nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, BS. Minh cho hay: Với chứng tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ nói chung, nguyên nhân vì sao vẫn là thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học. Có rất nhiều yếu tố có thể gây ra chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ như môi trường, khi mang thai mẹ bị stress, do gen, do yếu tố gia đình… song câu trả lời cụ thể vẫn chưa có.

Việc khám, đánh giá trẻ bị tăng động giảm chú ý cũng phải cần một thời gian nhất định. Đáng lưu ý là có rất nhiều cha mẹ không chịu thừa nhận tình trạng của con mình. Điều này gây khó khăn cho việc can thiệp, điều trị bởi theo BS Minh thì: “Khi được can thiệp sớm, các con sẽ có cơ hội cải thiện bệnh, có thể đi học, đi làm, sống độc lập, hòa nhập với xã hội và không trở thành gánh nặng cho xã hội…”. 

Về việc có nên đưa trẻ mắc chứng tự kỷ đến trường chuyên biệt không, BS. Minh cho rằng, nếu cho trẻ tự kỷ đến những trường chuyên biệt cũng là cách tốt. Còn trẻ tăng động thì vẫn có thể học chung với các bạn và hòa nhập bình thường. Tuy vậy, các bác sĩ không khuyên các cha mẹ đưa các con mắc chứng tăng động giảm chú ý vào trường chuyên biệt. Vì trường chuyên biệt thường dành cho những trẻ chậm phát triển trí tuệ, gặp những vấn đề rất nặng về mặt tinh thần. Còn những trẻ tăng động giảm chú ý lại không bị những vấn đề đó…

Khi thấy con có dấu hiệu của bệnh, phụ huynh nên đưa con đến Khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện. Bởi 10 năm qua, các bác sĩ ở Khoa đã hỗ trợ rất nhiều các bệnh viện vệ tinh trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh này. 

Vì thế, BS. Minh khuyên các bậc phụ huynh có thể đưa con đến khám, điều trị, để được đánh giá sơ bộ và nếu các bác sĩ ở bệnh viện vệ tinh gặp khó khăn thì họ sẽ liên lạc với Bệnh viện Nhi Trung ương để được hỗ trợ.

Theo BS.Minh, để đánh giá về tình trạng của trẻ, Khoa tâm bệnh có bảng test để đánh giá cũng như có bảng đánh giá dành cho các cô giáo. Sau 1-2 tháng, gia đình quay lại nộp bảng đánh giá của giáo viên để so sánh giữa hai bảng này. Từ đó mới có kết luận cụ thể nhất, chính xác nhất và đưa ra đường hướng giúp con tốt nhất.

Thanh Hằng
.
.
.