Những chứng cứ lý giải Vắc xin không liên quan tới đột tử ở trẻ sơ sinh

Thứ Sáu, 13/11/2015, 20:05
Những ngày qua, dư luận lại dành sự quan tâm rất lớn về vấn đề chất lượng vaccine Quinvaxem. Ngày 13/11, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cung cấp những thông tin liên quan tới vấn đề hội chứng đột ngột tử vong ở trẻ nhỏ có liên quan không tới vắc xin theo nghiên cứu của Thế giới.


Thông tin cho biết, trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Cũng trong độ tuổi này, ít ai biết rằng đây là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (tiếng Anh từ chuyên môn viết tắt là :SIDS) , nhằm lý giải các trường hợp xảy ra tử vong mà không biết nguyên nhân ở trẻ dưới 1 năm tuổi. Đặc biệt ở giai đoạn trẻ tử vong đột ngột từ 2-4 tháng tuổi luôn khiến cộng đồng đặt ra câu hỏi nguyên nhân gây ra cái chết ở trẻ.

Do các liều vắc xin phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này, vắc xin dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS.

Từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật.

Theo số liệu thống kê, tại Mỹ, hơn 2000 trẻ chết không rõ nguyên nhân trong năm 2010. 90% trẻ đột tử nằm trong nhóm tuổi dưới 6 tháng tuổi. Đa phần SIDS xảy ra với trẻ dưới 1 năm tuổi và xảy ra lặng lẽ, bất ngờ với ngay cả trẻ dường như đang rất khỏe mạnh. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra SIDS?

Cho đến nay, y học vẫn chưa biết rõ những nguyên nhân gây ra các trường hợp đột ngột tử vong ở trẻ dưới một tuổi, đặc biệt với các trường hợp trẻ đang có vẻ khỏe mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy có trẻ tử vong đột ngột có một số dấu hiệu ở não bộ bất thường. Trong đó, hệ thống các tế bào thần kinh có vai trò kiểm soát nhịp thở, nhịp tim, áp lực máu, nhiệt độ cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể nhận diện được những trẻ em có các dấu hiện nguy cơ. Hiện việc nghiên cứu này vẫn tiếp tục nhằm giúp phát hiện sớm các trường hợp trên.

Rất nhiều nghiên cứu khác nhau đề cập, tìm kiếm mối liên hệ giữa vắc xin và SIDS. Kết quả đều cho thấy vắc xin hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây ra SIDS. Đối với phản ứng của cơ thể trẻ trong tiêm chủng, các bác sỹ chuyên khoa khẳng định: chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt phát ban, cao hơn nữa là sốc phản vệ và hiện tượng này chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt.

Trên thực tế, có những trường hợp trẻ bị SIDS trùng với thời điểm tiêm chủng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ quá trình tiêm chủng. Khoa học đã chứng minh những nghi ngờ trên là vô căn cứ. Một vài dẫn chứng mà Cục Y tế dự phòng đưa ra như sau: Một nghiên cứu theo dõi về mối liên quan giữa độ tuổi và thay đổi mùa trong năm tới cái chết của trẻ nhỏ sau khi tiêm vắc xin. Hệ thống báo cáo những sự kiện bất ổn về vắc xin đã công bố nghiên cứu này.

Theo đó, vắc xin DTP và vắc xin viêm gan B không liên quan đến các trường hợp SIDS. Hay nghiên cứu năm 2003 của Viện Y dược của Mỹ về: “Đánh giá an toàn tiêm chủng: Vắc xin và cái chết bất ngờ ở trẻ sơ sinh” và các bằng chứng khoa học đã bác bỏ hoàn toàn nghi ngờ vắc xin liên quan đến những trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ.

Nhóm chuyên gia về An toàn vắc xin quốc tế của Brighton Collaboration cũng đã nghiên cứu sâu về SIDS và khẳng định tương tự, không hề có bất kì bằng chứng nào cho thấy trẻ đột ngột tử vong liên quan đến vắc xin. 

H.Nga
.
.
.