Dịch sốt xuất huyết bùng phát với nhiều bất thường

Thứ Tư, 19/07/2017, 17:46
Đã có thêm một người ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết (SXH), nâng số ca tử vong do SXH trên cả nước lên 15 người trong tổng số hơn 50 ngàn ca mắc. 


Số ca tử vong do SXH hiện tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, riêng Hà Nội có 2 ca. Điều đáng nói là, năm nay có nhiều ca tử vong do SXH biến chứng thành xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề bất thường.

Ông Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thông tin về việc này tại cuộc trao đổi với báo giới ngày 19-7.

SXH đang là điểm nóng của dịch bệnh. Những ngày này, cả BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương lẫn Khoa Truyền nhiễm của BV Bạch Mai đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH, dù đã áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhất. Trong khi đó, các bệnh nhân đã nhập viện ở những nơi này đều là người bị nặng.

Các chuyên gia đều nhận định rằng, diễn biến của dịch SXH năm nay khá phức tạp khi xuất hiện ở miền Bắc sớm hơn 3-4 tháng, cùng với số ca mắc tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, sản sinh ra các ổ muỗi gây bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Kính, tại Hà Nội, dịch SXH đang rất căng thẳng khi mỗi tuần có thêm gần 1.200 người mắc bệnh. Để đáp ứng nhu cầu, BV  phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH, các khoa khác phải nhường giường bệnh cho bệnh nhân SXH nhập viện, mà vẫn quá tải, phải luân chuyển bệnh nhân liên tục. Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sẽ được chuyển về tuyến dưới; người nào thoát sốc thì chuyển sang cơ sở 2 của BV tại Đông Anh để điều trị tiếp...

TS. Nguyễn Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân SXH

Đặc biệt, điều lo ngại của dịch SXH năm nay là có tới 5 ca tử vong do SXH biến chứng thành xuất huyết nội tạng, xuất huyết não trong khi mọi năm chỉ 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não. Trường hợp tử vong mới nhất do SXH biến chứng là một bệnh nhân nam ở Hà Nội. Trước đó, bệnh nhân này điều trị tại một BV ở Hà Nội, được chẩn đoán SXH, chụp CT phát hiện trong não có các ổ xuất huyết lớn, toàn bộ gan bị phá huỷ, và khi chuyển sang BV bệnh nhiệt đới Trung ương được 2 ngày thì tử vong.

TS. Nguyễn Duy Cường- Trưởng Khoa Truyền nhiễm của BV Bạch Mai cho biết, số bệnh nhân SXH vào đây không chỉ tăng nhanh với mỗi ngày khoảng 30-50 bệnh nhân, mà còn chưa phát hiện được yếu tố gây đột biến ở nhiều người. Rất nhiều trường hợp bệnh nặng, ở tất cả các lứa tuổi, từ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Để đáp ứng trước số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, Khoa Truyền nhiễm đã phải kê thêm giường, dành khu vực trước đây điều trị bệnh nhân viêm gan để tiếp nhận thêm bệnh nhân SXH, mà vẫn quá tải.

 Các bác sĩ ở đây phải tăng cường thời gian điều trị ban ngày, hạn chế nhận bệnh nhân nhẹ, cho ra viện ngay khi có thể. Khoa cũng đã đề nghị Đại học Y Hà Nội tăng cường bác sĩ nội trú để giải quyết tình trạng bệnh nhân SXH ngày càng nhiều. Khoa cũng đã chuẩn bị chu đáo về thuốc, dịch truyền, nhất là các loại thuốc hồi sức trong cấp cứu, điều trị phối hợp với các chuyên khoa, nhất là xét nghiệm, sàng lọc sớm và nhanh, hạn chế người bệnh phải chờ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng, chống dịch

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người khi thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Bởi phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng, giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh. Bệnh nhân bị SXH tái phát thường nặng hơn lần trước.

BS. Nguyễn Trung Cấp- Trưởng Khoa Cấp cứu (BV bệnh Nhiệt đới Trung ương) lưu ý những dấu hiệu nhận biết bệnh SXH: Thông thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất nên bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh vì có thể có biến chứng nặng. Vì thế, bệnh nhân cần thận trọng.

Theo TS. Nguyễn Duy Cường, hiện các cơ sở y tế tuyến quận huyện đã có test nhanh để biết có mắc SXH hay không trong 24 giờ đầu. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được test sớm, tránh nhầm lẫn. Vì việc chẩn đoán sai, hay chẩn đoán đúng mà điều trị sai đều có thể gây hậu quả, thậm chí tử vong. Bệnh SXH điều trị không quá phức tạp, nên bệnh nhân có thể đến tuyến dưới điều trị, chỉ khi bệnh nặng mới cần lên tuyến trên.

TS. Cường cũng cho hay, bệnh nhân SXH cần chú ý ăn uống đủ dinh dưỡng, không hạn chế ăn tanh, ăn nóng, kiêng gió, kiêng nước như quan niệm của nhiều người. Đặc biệt khi bị sốt cao phải uống đủ nước để bù dịch, tốt nhất là uống oresol. Uống nước an toàn hơn truyền dịch.

Hiện đang là mùa mưa, là điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Vì thế, dự báo, số người mắc sẽ còn tiếp tục tăng và kéo dài trong 1-2 tháng tới. 

Dịch SXH đang có nhiều diễn biến phức tạp trên cả nước và dự kiến bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vào ngày 19-7.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 498 ca SXH, tăng 23% so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay địa bàn đã có 10.157 ca SXH, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016 (8.601 ca). Hiện 18/24 quận, huyện có số ca SXH nhập viện tăng. Những quận huyện có số ca bệnh tăng cao và vượt mức báo động dịch như quận 10, quận 11, Bình Thạnh, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân. Tại BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số ca bệnh nặng cũng nhiều hơn.


Thanh Hằng
.
.
.